Gỡ khó về vốn cho HTX nông nghiệp

Gỡ khó về vốn cho HTX nông nghiệp

Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp giữ vai trò rất quan trọng hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, hiện đa phần các HTX nông nghiệp còn thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất kinh doanh và đa dạng hóa dịch vụ phục vụ xã viên…

Khó khăn về vốn

Ðến tháng 6-2022, cả nước có 18.795 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chiếm 70% trên tổng số loại hình HTX của cả nước. Các HTX nông nghiệp thu hút sự tham gia của 3,2 triệu thành viên. Tuy nhiên, quy mô của phần lớn các HTX còn khá nhỏ và có số vốn tương đối ít nên doanh thu và lợi nhuận cũng còn khiêm tốn. Bình quân mỗi HTX có khoảng 176 thành viên tham gia, với tổng số vốn bình quân của mỗi HTX nông nghiệp chỉ khoảng 1,5 tỉ đồng. Hiện phần lớn các HTX còn thiếu vốn, không có đất để làm nhà xưởng, cơ sở chế biến và khó tiếp cận các nguồn vốn vay, đồng thời HTX cũng khó huy động vốn từ xã viên.

Sản xuất lúa tại HTX Nông nghiệp Thịnh Phát ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể và HTX còn hạn chế. Tiếp cận vốn vay của HTX theo chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn cũng khá thấp, chỉ chiếm 2,18% tổng dư nợ đã giải ngân. Về tiếp cận tín dụng của các HTX nông nghiệp, tổng dư nợ đến năm 2021 đạt 6.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2002 đến nay, chỉ có khoảng 7.030 HTX được hỗ trợ tín dụng, bình quân chỉ có khoảng 700 HTX/năm, tương đương chỉ có 3,7% HTX được tiếp cận tín dụng hằng năm. Hằng năm, số lượng HTX được hỗ trợ ưu đãi về tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng còn rất khiêm tốn.

Về huy động vốn nội bộ của các HTX, theo thống kê của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có 1.200 HTX có hoạt động tín dụng nội bộ, huy động bình quân 600 triệu đồng/HTX. Còn huy động vốn góp của thành viên, bình quân mỗi HTX chỉ huy động được khoảng 623 triệu đồng, tương đương bình quân 3,36 triệu đồng/thành viên. Có nhiều trường hợp là thành viên của HTX nhưng không góp vốn điều lệ (khoảng 14%).

“Khai thông” tín dụng cho HTX

Vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động và phát triển của HTX. Ðặc biệt, nó giúp HTX mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển các dịch vụ phục vụ thành viên như dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, các dịch vụ bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, tạo điều kiện để HTX ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị máy móc và các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh. Qua đó, thúc đẩy HTX đẩy mạnh chế biến sản phẩm, tăng giá trị gia tăng thay vì bán sản phẩm thô với giá thấp.

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các HTX nông nghiệp đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong việc liên kết phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, các cấp và các ngành chức năng cần quan tâm “khai thông” các nguồn tín dụng để tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp phát triển. Hiện có 37% HTX nông nghiệp tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và các HTX đã tham gia phát triển được 6.925 chuỗi liên kết. Số lượng HTX ứng dụng các công nghệ cao và làm chủ thể sản phẩm OCOP ngày càng tăng. Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có 1.142 HTX là chủ thể của các sản phẩm OCOP và có gần 2.000 HTX ứng dụng công nghệ cao, chiếm hơn 10% tổng số HTX nông nghiệp. Về hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp, hiện có 17,3% đạt loại tốt, 37,7% đạt loại khá, 36,6% đạt loại trung bình, loại yếu là khoảng 8,4%.

Tổ Ðiều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức diễn đàn trực tuyến “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX”. Tại diễn đàn này, nhiều chuyên gia và đại diện HTX nông nghiệp, cho rằng, để các HTX thuận lợi trong tiếp cận vốn, ngành chức năng cần tăng cường các hoạt động tập huấn về tài chính, tín dụng cho HTX, cũng như hỗ trợ kết nối với các tổ chức tín dụng. Kịp thời bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về vốn cho HTX và doanh nghiệp trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tăng cường thêm nguồn vốn cho các Quỹ hỗ trợ HTX tại các địa phương và tạo điều kiện để các HTX được tiếp cận đa dạng nhiều nguồn vốn… Ông Nguyễn Văn Ðời, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp, kiến nghị: “Tín dụng nội bộ là hoạt động rất bức thiết đối với HTX và giúp các xã viên tránh phải tiếp cận tín dụng đen. Trước đây, HTX thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ theo Thông tư số 15/VBHN-NHNN ngày 21-5-2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhưng hiện thông tư này không còn giá trị pháp lý, các HTX rất mong sớm có văn bản hướng dẫn mới…”.

Theo ông Nguyễn Tiến Ðịnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, bên cạnh việc kịp thời sửa đổi Luật HTX và các Nghị định, thông tư có liên quan để tạo thuận lợi cho HTX tiếp cận các nguồn vốn, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư các cơ sở hạ tầng cho HTX khi tham gia các chuỗi liên kết để hình thành tài sản của HTX. Qua đó, HTX có thể phát triển sản xuất kinh doanh và có tài sản để thế chấp khi vay vốn. Ðồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại xây dựng các gói tín dụng cho HTX tham gia chuỗi gắn với xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Khuyến khích doanh nghiệp trong chuỗi tham gia hỗ trợ tài chính, đầu tư giống, vật tư đầu vào cho HTX. Ðối với HTX cần mở rộng thành viên, hợp tác liên kết, sáp nhập các HTX trong chuỗi tạo thành quy mô thị trường nội bộ lớn.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Lên đầu trang