Vĩnh Thạnh phát huy hiệu quả kinh tế tập thể
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 2-8-2016 của Huyện uỷ Vĩnh Thạnh về việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là hợp tác xã nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) hình thành, hiệu quả sản xuất được nâng lên. Các mô hình này đang phát huy hiệu quả và nhân rộng trong thời gian tới.
Hiệu quả từ một Nghị quyết
Theo Huyện ủy Vĩnh Thạnh, trước khi Nghị quyết 04 được ban hành, năm 2016, huyện Vĩnh Thạnh chỉ có 16 HTX, 276 THT và 59 cánh đồng lớn (CĐL). Tuy nhiên, thời gian này sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, còn manh mún, phân tán, kinh tế tập thể tuy được chú trọng phát triển nhưng chậm và hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từng ngành hàng nông sản còn hạn chế, hoạt động kém hiệu quả. Từ đó, thu nhập bình quân của người dân còn thấp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn còn hạn chế so với bình quân chung của TP Cần Thơ. Ông Huỳnh Thái Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trước hạn chế trên, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết số 04 về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là HTX nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020. Đây là một Nghị quyết hết sức thiết thực, kịp thời trong bối cảnh địa phương đang thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở những kết quả đạt được từ những mô hình sản xuất, kinh doanh, địa phương đã nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế trên…”.
Sau khi triển khai Nghị quyết 04-NQ/HU của Huyện ủy Vĩnh Thạnh, đến nay toàn huyện có 317 THT, tăng 41 THT so với năm 2016; 109 CĐL, với diện tích 16.466,45ha, tăng 50 CĐL và tăng 6.639,25ha đất sản xuất; hình thành 33 HTX (tăng 17 HTX), với 1.025 thành viên, tổng vốn điều lệ là 35,428 tỉ đồng… Hiện nay, đa số các HTX nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ cho các thành viên, như cung ứng các dịch vụ đầu vào và đầu ra (giống, vật tư, phân bón, bơm tưới, gặt đập liên hợp…). Trong đó có nhiều THT, HTX ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản. Qua đó nâng cao được hiệu quả hoạt động của THT, HTX; thu nhập của các thành viên tăng lên và khẳng định được vai trò kinh tế hợp tác đối với các hộ gia đình thành viên. Bên cạnh đó, hạ tầng sản xuất của các HTX, THT phát triển cũng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng trở nên khang trang hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Điển hình như các HTX Khiết Tâm, Hiếu Bình, HTX nước sạch nông thôn C2, HTX Thủy sản Thắng Lợi… và 317 THT sản xuất kinh doanh hằng năm mang lại lợi nhuận cao cho thành viên, nông dân. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, cho biết: “Hiện nay, các ngành nghề hoạt động của HTX được chúng tôi nâng cấp. Điển hình phun thuốc bằng máy bay không người lái được trang bị rất tiện lợi cho người sản xuất. Hiện HTX có 2 máy bay phun thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, đáp ứng cho xã viên và bà con bên ngoài HTX. Sắp tới, chúng tôi sẽ ký hợp đồng mở thêm diện tích sản xuất với Viện Lúa ĐBSCL, Công ty Giống cây trồng miền Nam để mở rộng diện tích sản xuất lúa giống từ 340ha lên 600ha…”.
Phát huy hiệu quả
Kế thừa thành quả đạt được, Huyện ủy Vĩnh Thạnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 04 trong giai đoạn 2021-2025 về việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là HTX nông nghiệp, dựa trên những bài học kinh nghiệm được đúc kết, đồng thời đề ra những định hướng, giải pháp cụ thể cho thời gian tới. Ông Huỳnh Thái Nguyên cho biết thêm: “Trước mắt, địa phương sẽ rà soát lại những HTX hoạt động kém hiệu quả, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của từng HTX để có giải pháp chỉ đạo cụ thể. Trong đó quan tâm đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, các xã viên về kỹ năng quản lý. Đặc biệt, Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm, tạo điều kiện cho các HTX cải thiện sản phẩm của mình theo hướng nhu cầu thị trường. Song song đó sẽ liên kết 4 nhà đầy đủ hơn, cụ thể hơn cho lĩnh vực sản xuất, từng sản phẩm để các sản phẩm có đầu ra phù hợp với thị trường, nâng cao giá trị…”.
Các HTX, THT ở Vĩnh Thạnh phát triển đa dạng ở nhiều ngành nghề như chăn nuôi heo, chăn nuôi dê, ếch, câu lạc bộ làm vườn, trồng củ cải trắng, hoa kiểng, trồng màu… Trong đó có nhiều hình thức hợp tác mới như vay vốn, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm, liên kết đầu ra nông sản… được hình thành. Các HTX cũng tự xây dựng hướng phát triển cho đơn vị mình, dựa trên tinh thần, chủ trương và định hướng của Nghị quyết mới. Huyện Vĩnh Thạnh phấn đấu đến cuối năm 2025 có 80% diện tích đất lúa sản xuất theo mô hình CĐL, 90% diện tích tham gia THT. Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Huyện Vĩnh Thạnh đang ưu tiên các hạng mục đầu tư như nâng cấp hệ thống đê bao thủy lợi gắn với giao thông nông thôn để có nguồn nước phục vụ tưới tiêu cũng như giao thông vận chuyển hàng hóa. Kêu gọi đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện, đề nghị đầu tư hệ thống nhà kho, lò sấy để sản phẩm làm ra của HTX, THT được bảo quản một cách tốt nhất, phục vụ nhu cầu tiêu thụ xuất khẩu hàng hóa nông sản của nông dân trên địa bàn”.
Theo Huyện uỷ Vĩnh Thạnh, giai đoạn mới 2021-2025, huyện Vĩnh Thạnh cũng khuyến khích thành lập mới các HTX sản xuất với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của huyện theo hướng an toàn, sạch, xây dựng các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và hướng tới thành lập Liên hiệp HTX hoạt động đa ngành nghề. Trước mắt, mỗi xã, thị trấn sẽ chọn một HTX làm điểm. Hằng năm các chỉ tiêu phát triển kinh tế tập thể đều được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương; các HTX cũng tranh thủ cơ chế chính sách để được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật sản xuất, mua sắm máy móc, trang thiết bị, trạm bơm điện, nhà kho và mở rộng hoạt động của HTX nông nghiệp phát triển bền vững thời gian tới.