Thạnh An giữ vững, phát huy thành quả xã nông thôn mới nâng cao
Hôm nay (29-12), xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2021. Ðiểm nhấn cho hành trình xây dựng NTM nâng cao của Thạnh An không dừng lại ở việc hoàn thành các tiêu chí theo Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, mà hơn thế là sự hài lòng của người dân khi đời sống vật chất lẫn tinh thần được nâng chất toàn diện.
Ông Nguyễn Ðăng Quang, Phó Giám đốc HTX Hiếu Bình, phấn khởi: Việc thực hiện các tiêu chí NTM, rồi đến NTM nâng cao ở Thạnh An đều hướng đến nhu cầu và lợi ích của người dân. Không chỉ hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây mới, nâng cấp ngày càng hiện đại mà phong trào tăng gia sản xuất cũng được chú trọng để nâng cao thu nhập cho người dân. Ngay như tại hợp tác xã của chúng tôi cũng được hỗ trợ đầu tư nhà kho, lò sấy lúa, trạm bơm điện, máy cấy hạt góp phần thực hiện liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, mỗi năm hợp tác xã đều thực hiện được các hợp đồng liên kết bao tiêu đầu ra sản phẩm trên 500ha lúa hàng hóa và 300ha lúa giống/vụ.
Trong 5 năm qua (2016-2021), Thạnh An huy động gần 149,5 tỉ đồng xây dựng NTM nâng cao. Ngoài nguồn vốn của Nhà nước, nhân dân đóng góp hơn 12,7 tỉ đồng để nâng chất tiêu chí NTM nâng cao. Nguồn vốn này được phân bổ thực hiện các tiêu chí bức xúc, đáp ứng theo yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Hiện đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được nhựa hóa dài 9,3km (đạt 100%), đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%, trong đó có 54,5km đường được cứng hóa đạt tỷ lệ 100%. Xã có Trung tâm văn hóa – thể thao, diện tích 500m2; sân thể thao ở các ấp với tổng diện tích 5.550m2 phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao; có 4 trường đều có cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp đảm bảo cho công tác dạy và học đạt hiệu quả, trong đó có 3 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia…
Thạnh An còn đặc biệt quan tâm đến nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Với cây lúa đóng vai trò chủ đạo, toàn xã có gần 4.000ha canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế (Sustainable Rice Platform), VietGAP và có bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, nuôi chim yến, trồng cây ăn trái… mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng đang được nhân rộng. Với nhiều mô hình sản xuất, làm ăn hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần theo từng năm và hiện còn 7 hộ, chiếm 0,34%; thu nhập bình quân đầu người đạt 58,8 triệu đồng, tăng hơn 24 triệu đồng so với năm 2016.
Ông Phạm Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, đúc kết: Có được kết quả này là nhờ xã đưa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng lên hàng đầu; làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng việc tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp và chủ động thực hiện các tiêu chí. Bên cạnh đó, xã cũng linh hoạt tìm giải pháp, cách làm phù hợp với điều kiện của từng ấp thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Xã đã chủ động xây dựng kế hoạch nâng chất các tiêu chí đã đạt, chú trọng các tiêu chí phải thường xuyên nâng chất như thu nhập, hộ nghèo, y tế… đảm bảo chất lượng xây dựng NTM của xã được giữ vững theo từng năm, từng giai đoạn.
Theo kế hoạch, ngay sau khi đạt chuẩn xã NTM nâng cao, Thạnh An tập trung nâng chất lượng các nhóm tiêu chí: hạ tầng kinh tế – xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; nâng cao chất lượng văn hóa, xã hội và môi trường; hệ thống chính trị. Theo đó, xã tiếp tục nâng cấp hệ thống giao thông các tuyến đường trên địa bàn. Ðồng thời, thường xuyên duy tu, sửa chữa các tuyến kênh sườn đã được nâng cấp, làm mới trên địa bàn để mở rộng thêm mạng lưới giao thông nội đồng; duy trì cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng các trường đạt chuẩn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục…