Để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, gắn với ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất… Qua đó, đã giúp cho nhiều HTX nông nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động trong bối cảnh mới, góp phần hình thành và phát triển mô hình HTX, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của địa phương.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX nông nghiệp, Sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan và các quận, huyện triển khai nhiều chương trình hỗ trợ củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX nông nghiệp; đồng thời, lồng ghép nhiều dự án hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp tiếp cận được vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất hàng hóa, nông sản đạt chất lượng an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; kết hợp hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ HTX liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nông sản theo hướng tập trung, áp dụng tốt các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện TP Cần Thơ có 183 HTX nông nghiệp, trong đó có 52 HTX liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân.
HTX Tiến Dũng ở huyện Cờ Đỏ là một trong những mô hình tiêu biểu được Sở NN&PTNT thành phố hỗ trợ tham gia các chương trình, dự án nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, phát triển vùng nguyên liệu lúa gắn với liên kết tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Danh Dũng, Giám đốc HTX Tiến Dũng, HTX đã ký hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời và Công ty TNHH Thạnh Hưng tổ chức dịch vụ cung ứng lúa giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa hàng hóa cho thành viên và nông dân liên kết với HTX. Đặc biệt, sau vụ lúa đông xuân năm 2022-2023, HTX đã phát triển thêm nhiều mối liên kết với các đối tác, đảm bảo đầu ra cho hơn 2.800 tấn lúa tươi/vụ cho 27 thành viên và gần 100 hộ nông dân liên kết sản xuất lúa tập trung trong cánh đồng lớn. Hiệu quả liên kết theo chuỗi giá trị không chỉ giúp HTX Tiến Dũng tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, với sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp thu mua, mà còn giúp nông dân dễ áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng ruộng để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và lợi nhuận, nhất là không còn nỗi lo bị thương lái ép giá khi đến thời điểm thu hoạch. Nhờ đó, HTX Tiến Dũng ngày càng thu hút thêm thành viên và nông dân tham gia, tạo điều kiện cho HTX mở rộng quy mô diện tích lên 300ha, với trên 150 nông hộ sản xuất, từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt, tương trợ thành viên và nông dân sản xuất gắn tiêu thụ trong bối cảnh mới.
Từng bước xây dựng, hoàn thiện mô hình HTX gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cá tra là hướng đi được HTX nông nghiệp Thủy sản Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh triển khai thành công. Ước tính bình quân, mỗi năm HTX cung cấp cho công ty, đối tác từ 6.600-7.000 tấn cá, đạt doanh thu từ 146-180 tỉ đồng/vụ nuôi, mang lại nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng/hộ. Ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi, chia sẻ: Trước bối cảnh giá cá tra thường xuyên biến động cũng như yêu cầu về kỹ thuật ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, ngoài việc tổ chức, hướng dẫn thành viên nuôi cá theo đúng quy trình an toàn, HTX đã linh động đàm phán với các doanh nghiệp thu mua cá tra thực hiện ký kết hợp đồng đầu tư, chia sẻ lợi nhuận. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học cho thành viên HTX; còn thành viên HTX chỉ cần nuôi cá tra đúng quy trình và đúng với kích cỡ theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp. Với cách làm này, thành viên nuôi cá tra không phải không còn áp lực vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, mà vẫn ổn định được đầu ra, giúp mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình mặc cho thị trường biến động. Và đây là điều mà HTX tâm đắc nhất sau gần 14 năm hoạt động.
Liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho thành viên theo hướng phát triển bền vững đã giúp HTX nông nghiệp Thắng Lợi ngày càng “ăn nên làm ra”. Hiện HTX có 44 thành viên, trong đó có 12 hộ nuôi cá, với tổng diện tích ao nuôi 20ha và có 32 thành viên trồng lúa, với tổng diện tích 120ha. Cùng đó, HTX còn đầu tư xe vận tải hàng hóa, xây dựng nhà kho trữ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với quy mô 200 tấn; kết hợp mở một cửa hàng chuyên cung cấp phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên và nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh với giá cả ưu đãi cho nông dân, giúp giải quyết việc làm thường xuyên gần 100 lao động tại địa phương, với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng.
Để các HTX nông nghiệp phát triển bền vững, gắn với chuỗi giá trị nông sản địa phương, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ sẽ phối hợp với các sở, ngành cùng các hội, đoàn thể và các địa phương tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ quản lý HTX; hỗ trợ kết nối giữa HTX với các doanh nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, gắn với hoạt động chuyển đổi số, đưa sản phẩm nông sản của HTX lên các sàn giao dịch điện tử; tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tiếp cận được các chính sách, chương trình, dự án, đề án đã và đang được triển khai trên địa bàn thành phố… Qua đó giúp gia tăng năng lực hoạt động cho các HTX nông nghiệp, góp phần hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.