Hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể 

Là một trong những quận của TP Cần Thơ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn, thời gian qua quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã tập trung nhân lực, huy động sức dân cho công tác xây dựng hạ tầng nông nghiệp, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong sản xuất. Nhiều mô hình, kinh tế tập thể liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học được hình thành và từng bước mang lại hiệu quả cao…

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất phân hữu cơ tại HTX New Green Farm.

Theo UBND quận Thốt Nốt, những năm gần đây, kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương tiếp tục được đổi mới và phát triển theo Luật Hợp tác xã (HTX) và nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, ngành Nông nghiệp quận Thốt Nốt đã thể hiện được vai trò trong định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển ngành nghề và giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình sản xuất, HTX, tổ hợp tác (THT) ứng dụng thiết bị, công nghệ mới, hiện đại vào các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến nâng cao giá trị nông sản đã xuất hiện…

Điển hình, mô hình ủ phân hữu cơ từ rơm tại HTX New Green Farm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt) được hình thành với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, Viện lúa IRRI và Trường Đại học Cần Thơ. HTX được chuyển giao công nghệ ủ phân hữu cơ từ nguồn rơm sau khi chất nấm thành giá thể hữu cơ ứng dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất lúa bền vững, trồng hoa và rau màu. Hiện tại sản phẩm giá thể hữu cơ đã được phát triển với hai quy cách đóng gói có giá bán tương ứng 1 bao gồm bao 2,5kg, giá 10.000 đồng; bao 20kg giá 70.000 đồng. Đồng thời, sản phẩm đã được gửi đến các cửa hàng nông dược, nông dân trồng rau, vườn cây ăn trái để quảng bá và giới thiệu đến nông dân. Sản phẩm đã nhận được những phản hồi tích cực về hiệu quả sử dụng, đặc biệt giá thể hữu cơ rơm rạ giúp rau xanh khỏe, dày lá, cho năng suất cao…

Hiện tại, mô hình đang được nhiều tỉnh, thành lân cận và các đoàn quốc tế như An Giang, Hậu Giang, Campuchia, Ấn Độ, Philippines, Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Thụy Sỹ, các quốc gia đến từ châu Phi… đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Ông Đồng Minh Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, cho biết: Từ hiệu quả kinh tế của mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất phân hữu cơ cùng với sự phát triển, mở rộng quy mô và được ứng dụng trong sản xuất thực tiễn thông qua các mô hình sản xuất lúa an toàn bền vững, trồng hoa, rau… đã đưa sản phẩm đến với người sử dụng. Hiện nay, ngoài sản xuất phân hữu cơ từ rơm, HTX còn hoạt động sản xuất đất sạch, giá thể cây trồng từ chất thải hữu cơ như rơm, phân động vật; bán buôn đất sạch, giá thể cây trồng; trồng rau, đậu các loại và trồng hoa; trồng cây ăn quả; nhân giống và chăm sóc cây giống lâu năm; hoạt động dịch vụ trồng trọt; xử lý hạt giống để nhân giống… Không chỉ sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, HTX còn đang mở hướng phát triển sản xuất phân bón hữu cơ dạng viên thay cho phân bột hiện có. Do đó, HTX rất cần nguồn lực hỗ trợ, tiếp cận các nguồn ưu đãi để xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc hiện đại để sản xuất phân hữu cơ dạng viên, đáp ứng xu thế sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Mô hình nuôi cá chạch lấu tại khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên (quận Thốt Nốt) cũng phát huy hiệu quả, với 2 bồn nuôi khoảng 40.000 con cá chạch lấu. Mô hình được thực hiện vào tháng 6-2023, đến nay trọng lượng 1 con cá chạch từ 400-700 gram. Giá bán hiện tại từ 250.000-270.000 đồng/kg, cho hiệu quả và lợi nhuận khá cao…

Theo UBND quận Thốt Nốt, hiện nay quận Thốt Nốt đã hỗ trợ xây dựng 22 mô hình phát triển kinh tế, cách làm sáng tạo, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, như mô hình trồng nấm bào ngư (xám); mô hình trồng hoa (hoa cúc các loại như Cúc Tiger, cúc pha lê, cúc mini; hoa hồng…); mô hình nuôi thủy sản (lươn, cá, ba ba); mô hình trồng cây ăn trái; mô hình trình diễn sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP; mô hình lắp hệ thống tưới phun mưa trên cây trồng cạn (rau hẹ); mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà thịt và mô hình “Sản xuất định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ” trên rau, cây ăn trái (hẹ, cải bẹ xanh, nhãn); mô hình ủ phân hữu cơ từ rơm…

Để các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh tiếp tục phát triển bền vững, thời gian tới, quận Thốt Nốt sẽ tăng cường thực hiện liên kết “5 nhà” thông qua việc thực thi chính sách khuyến khích phát triển, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Gắn hoạt động sản xuất – kinh doanh của HTX với xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và hoàn thiện cơ chế chính sách cho HTX, mô hình sản xuất phát triển… Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục triển khai và hướng dẫn doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc chương trình hỗ trợ của TP Cần Thơ; vận động và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống đăng ký xây dựng thương hiệu; tổ chức hướng dẫn các THT thực hiện hợp đồng hợp tác theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ HTX tham gia các lớp tập huấn và hội thảo nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hỗ trợ môi trường pháp lý, đảm bảo quốc phòng, an ninh cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025”…

Mới đây, tại buổi khảo sát thực tế một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn quận Thốt Nốt, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá cao các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế tại quận Thốt Nốt. Đồng chí Phạm Văn Hiểu lưu ý địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mô hình kinh tế phát triển; hỗ trợ cho các cơ sở mở rộng sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường. Đặc biệt, quận Thốt Nốt phát huy đồng bộ các yếu tố tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển kinh tế; tăng cường nhận thức, đổi mới tư duy phát triển, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; chủ động khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực tại chỗ, đặc biệt là yếu tố con người trong ứng dụng khoa học tiến bộ, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh…

Theo Báo Cần Thơ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang