Thống kê đến năm 2023, Việt Nam có 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương với 71% tổng dân số.
Chưa hiệu quả vì tự xây dựng nội dung truyền thông
Nhận thức được vai trò của mạng xã hội, khu vực KTTT, HTX những năm gần đây cũng đã đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội vào marketing, truyền thông để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, các HTX thực hiện quảng cáo, truyền thông sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang quảng cáo đạt 51% trong số HTX khảo sát.
Vậy nhưng có một điều đặt ra đó chính là hầu hết các HTX đều tự xây dựng nội dung truyền thông trên mạng xã hội. Ths Nguyễn Cao Thùy Trang – giảng viên ngành Marketing & Sự kiện Trường Cao Đẳng Du Lịch Sài Gòn, cho biết phải đến 90% các HTX, doanh nghiệp nhỏ hiện nay đều tự chuẩn bị và xây dựng nội dung truyền thông trên mạng xã hội. Điều này có thể giúp các HTX, doanh nghiệp nhỏ tiết kiệm chi phí nhưng cũng khiến họ gặp không ít khó khăn.
Ông Hoàng Mạnh Đoàn, Giám đốc HTX Nuôi ong mật Sông Mã (Sơn La) cho biết do tự đăng bài, tự viết các nội dung nên có những bài đăng HTX không có một khách hàng nào quan tâm, hỏi han về sản phẩm mà chỉ có thành viên tự tương tác với nhau. “Không chỉ HTX Sông Mã mà nhiều HTX hiện nay đã lập fanpage, trang mạng xã hội riêng để truyền thông về mô hình sản xuất kinh doanh nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi”, ông Hoàng Mạnh Đoàn nói.
Theo các chuyên gia, việc tự xây dựng nội dung truyền thống trên mạng xã hội khiến các HTX hay rơi vào tình trạng không xác định được đối tượng khách hàng phù hợp với tình hình sản xuất và sản phẩm hiện tại.
Việc tự xây dựng nội dung truyền thông không chuyên nghiệp, không theo thứ tự cũng dẫn đến tình trạng HTX không thu hút được người đọc, người xem, người tương tác nên dễ khiến các thành viên trong HTX bị mất cảm hứng trong việc ứng dụng mạng xã hội. Việc bảo mật tính pháp lý của các thông tin cũng không được các HTX quan tâm nên dễ dẫn đến những tranh chấp, kiện tụng… không đáng có.
Biết cách tiếp cận khách hàng truyền thông
Có thể thấy, truyền thông trên các trang mạng xã hội là cách không thể bỏ qua để các HTX thích ứng trong thời đại 4.0. Truyền thông giúp HTX dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng B2B, B2C… , giúp HTX dễ dàng xây dựng thương hiệu, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, từ đó tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu.
Nhiều HTX không làm truyền thông bằng công nghệ, cụ thể là sử dụng các mạng xã hội mà vẫn tồn tại đến ngày hôm nay chủ yếu là nhờ hình thức truyền miệng, tức là khách hàng biết HTX-sản phẩm của HTX qua người thân, người đã dùng sản phẩm. Tuy nhiên, cách này thường chỉ phù hợp với những người lớn tuổi, với mô hình kinh doanh “không muốn lớn” và trong điều kiện mạng xã hội, internet chưa phát triển.
Trong khi hiện nay, gen Z đang được coi là một tệp khách hàng tiềm năng khi họ có nhu cầu lớn trong sử dụng mạng xã hội. Đối tượng khách hàng này thường không duy trì thói quen mua sắm giống như những người có độ tuổi từ 45 trở lên. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, HTX cần nắm được điều này để có hướng truyền thông phù hợp, giúp HTX tồn tại, phát triển. Và muốn làm được điều này, HTX phải tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng.
Ông Hoàng Vinh, chuyên gia sáng tạo và thương hiệu, cho biết tiếp cận khách hàng tiềm năng B2B thường được doanh nghiệp nhỏ và HTX áp dụng khi thu hút khách hàng qua kênh của một doanh nghiệp, kênh trung gian khác. Ví dụ HTX du lịch thường thu hút khách thông qua các doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên việc trông chờ doanh nghiệp trung gian để đón khách thường không hiệu quả ở một số thời điểm nhất định đối với HTX, nhất là khi điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Trong đó, khách hàng B2C là khách hàng HTX trực tiếp tiếp cận. Muốn vậy, HTX cần sự dài hạn, có những bước đi cụ thể trong truyền thông trên các trang mạng xã hội để có thể chủ động tiếp cận và giữ chân được khách hàng.
Ths Nguyễn Cao Thùy Trang, cho biết thông thường, HTX thường đăng những bài về hình ảnh mô hình nông trại, sản phẩm nông nghiệp, giá hời… nhưng chính những nội dung này thường không thu hút khách trên các trang mạng xã hội.
Để giải quyết được điều này, HTX phải xác định được mình có điểm nào khác với đối thủ cùng lĩnh vực (về dịch vụ, công nghệ, sản phẩm, giá cả). Cụ thể là HTX phải xác định rõ đâu là điểm mạnh và đâu là điểm khác biệt. Vì nếu HTX cho rằng “trồng được cà rốt sạch” là điểm khác biệt thì chưa chắc đã đúng vì rất có thể doanh nghiệp khác, HTX khác cùng làm được điều này. Nhưng nếu HTX xác định, khi một củ cà rốt có chất lượng không tốt nhưng HTX sẵn sàng đổi cả một thùng mới cho khách hàng thì chắc chắn sẽ giúp HTX có sức cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, HTX cũng phải xác định được vì sao khách hàng chọn HTX thay vì đối thủ. Đa phần trên thị trường hiện nay, nhiều HTX làm nông sản, du lịch thường lựa chọn vấn đề giá để cạnh tranh. Nhưng đây chính là một điểm nguy hiểm vì HTX làm sản phẩm chất lượng, không bán được nên hạ giá thì khách hàng sẽ có tâm lý ỷ lại, chờ hạ giá để mua sản phẩm, từ đó khiến HTX khó phát triển bền vững. Điều này khác với HTX có quá trình xây dựng sản phẩm chất lượng, làm truyền thông đúng đắn, bán giá phù hợp (không rẻ, không đắt) thì có sức thuyết phục và thu hút khách hàng cao hơn.
Theo giảng viên ngành Marketing & Sự kiện Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, muốn truyền thông hiệu quả trên mạng xã hội, HTX cũng phải xác định được khách hàng của mình là ai. Bởi rất nhiều HTX hiện nay không vẽ ra được rõ ràng tệp khách hàng tiềm năng của mình vì cho rằng gặp ai cũng sẽ bán hàng.
Để giải quyết vấn đề này, HTX phải xem sản phẩm mình làm ra tập trung phần lớn và tệp khách hàng nào, từ đó HTX mới có cách tư vấn (content, ngôn ngữ), sử dụng kênh truyền thông phù hợp. Chẳng hạn đối tượng khách hàng là gen Y, có thu nhập cao hiện nay thường lựa chọn kênh facebook, tiktok. Đối tượng là những người trên 60 tuổi thường sử dụng kênh youtube… nên HTX phải nắm bắt để để lựa chọn kênh truyền thông đúng đắn.
Điều quan trọng hiện nay là câu chuyện của đơn vị sản xuất được coi là có sức hút rất lớn trong khi làm truyền thông. PGS. TS Trần Văn Ơn, cố vấn Chương trình OCOP quốc gia, cho biết các HTX làm ra nông sản sạch nhưng khách hàng vẫn không biết nguồn gốc, xuất xứ của nông sản đó ra sao. Dó đó, HTX cần có câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ thay vì chỉ quan tâm đến những bài viết trang trại của mình đẹp như thế nào, rộng ra sao.
Tuy nhiên, theo không ít đại diện HTX hiện nay, họ thường gặp khó khăn vì không biết xác định, tìm kiếm, xây dựng câu chuyện sản phẩm của mình là gì, kể ra sao. Đi liền với đó, HTX thường bí ý tưởng, bí content… nên rất khó thu hút, thuyết phục khách hàng. Vì chỉ khi có câu chuyện, có ý tưởng thì HTX mới xác định được hướng xây dựng nội dung truyền thông phù hợp.
Theo các chuyên gia, câu chuyện sản phẩm thường là những điều rất đơn giản nhưng HTX nhiều khi không để ý. Chẳng hạn như việc HTX sử dụng ống hút rau củ, ống hút bã mía để decor món ăn giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe cũng là câu chuyện có giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, cách kể câu chuyện sản phẩm phải ý nghĩa, ngắn gọn, sáng tạo, có trải nghiệm của thành viên thì mới thu hút được khách hàng, mới độc đáo. Còn những câu chuyện mang tính chất như tra google lúc nào cũng ra thì thường không có giá trị truyền thông sâu rộng.
Ths Nguyễn Cao Thùy Trang cho biết, một trong những cách truyền thông hiệu quả hiện nay là xây dựng thương hiệu cá nhân (người đứng đầu, thành viên HTX), sau đó xây dựng thương hiệu cho cả đơn vị đó. Cách này cũng khá phù hợp với mô hình HTX, doanh nghiệp nhỏ. Và hiện nhiều HTX đã làm được điều này.