Trong số 31.700 HTX trên cả nước có 20.357 HTX nông nghiệp. Theo chị Hồ Kiều Oanh, Phó Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh (Bắc Giang), việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến của HTX vẫn gặp những trở ngại nhất định vì đều do thành viên tự mày mò, ứng dụng, chưa có sự đồng hành từ các chuyên gia.
HTX tự mày mò ứng dụng công nghệ
Trong khi đó, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX Tâm Ngọc (Hà Nội) chia sẻ, thành viên, người lao động trong HTX chủ yếu là người khuyết tật nên làm sao để giúp họ ứng dụng được khoa học công nghệ vào thực tiễn một cách thuận lợi là mong muốn của những người đứng đầu HTX. Thực tế, quá trình đào tạo, hỗ trợ thành viên, người lao động trong HTX làm quen, ứng dụng công nghệ mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao, bởi người khuyết tật cần những công nghệ đặc thù, thời gian hỗ trợ cũng cần nhiều hơn.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi là mong muốn của rất nhiều HTX hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo sự phát triển bền vững của HTX.
Ts Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cho biết vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong các HTX là rất quan trọng. Bởi, nhiều HTX dùng công nghệ có thể chuyển ngay các thông tin từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói sang các doanh nghiệp xuất khẩu ở nước ngoài một cách nhanh chóng, giúp các doanh nghiệp nước ngoài không phải đến tận nơi sản xuất của HTX để kiểm tra. Việc đẩy mạnh khoa học công nghệ giúp các HTX quảng bá được sản phẩm, tìm kiếm được khách hàng một cách thuận lợi. Vì thực tế đã có nhiều HTX có sản phẩm tốt nhưng không tiêu thụ được rộng rãi, trong khi trong kinh doanh, muốn tiêu thụ được hiệu quả phải tiêu thụ khác vùng và xuất khẩu. Muốn làm được điều này chỉ có cách ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Một điều đáng chú ý hiện nay là số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn thấp. Trong hơn 20.000 HTX nông nghiệp trên cả nước, số HTX ứng dụng công nghệ cao hiện chỉ chiếm 9,37%.
Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (Gia Lai), thừa nhận trong ứng dụng nghệ, làm sao để giúp HTX quản lý được lợi nhuận, thu chi nội bộ bằng các phần mềm ứng dụng phù hợp là điều HTX vẫn còn băn khoăn.
Cần tâm huyết và sự đồng hành
Là một trong những HTX đi đầu và đang ứng dụng thành công khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX Chúc Sơn (Hà Nội) cho rằng muốn ứng dụng khoa học công nghệ thành công, HTX cần phát huy vai trò của mình trong hỗ trợ thành viên, người lao động. Cụ thể là HTX đã hỗ trợ người lao động, thành viên đóng bảo hiểm và thực hiện trả lương cao hơn kết hợp với thưởng cho những người có sáng kiến, tri thức. HTX cũng thực hiện mua xe máy điện cho thành viên, người có sáng kiến để tạo điều kiện cho thành viên cống hiến, phát triển sản xuất, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Tại HTX Chúc Sơn, những người đứng đầu cũng đã liên kết với các chuyên gia để tư vấn, hỗ trợ, đồng hành cùng thành viên và người lao động ứng dụng công nghệ một cách thuận lợi. Hiện, HTX đã có 4 kỹ sư nông nghiệp nên thuận lợi trong ứng dụng công nghệ. HTX đã quy hoạch, ứng dụng công nghệ truy xuất đến từng thửa ruộng dựa vào công nghệ vệ tinh, nên người tiêu dùng có thể biết mớ rau mình mua được thu hoạch ở ruộng nhà nông dân nào…
“Chỉ riêng việc ứng dụng phần mềm kế toán, lúc đầu HTX cũng mất rất nhiều thời gian do trình độ thành viên có hạn. Nhưng nay, HTX đã thu hút được nhiều thanh niên có tri thức mới ra trường vào làm việc nên ứng dụng công nghệ nói chung, phần mềm kế toán nói riêng rất thuận lợi. Phần mềm cũng có thể giúp HTX kết nối với khách hàng mua, tiếp cận với chủ trương, chính sách của Nhà nước thuận lợi”, ông Thám cho biết.
Những mớ rau, cây trồng ở HTX Chúc Sơn hiện đã được minh bạch. Điều này cũng cho thấy giá trị của khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nhất là đối với ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, trước những khó khăn trong ứng dụng khoa học công nghệ mà khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX đang gặp phải, ông Nguyễn Thanh Mộng, Giám đốc Công ty Sorimachi Việt Nam trực thuộc Surimachi Group, cho rằng ứng dụng khoa học công nghệ trong HTX còn khó triển khai đồng bộ. Tại nhiều địa phương, cán bộ đồng tình ủng hộ nhưng HTX không nắm được những chủ trương chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ hoặc ngược lại. Chính vì vậy, rất cần những HTX tâm huyết và đội ngũ lãnh đạo địa phương hiểu về vai trò của công nghệ đối với HTX để cùng với doanh nghiệp quyết tâm triển khai, đưa công nghệ vào sâu và rộng đối với HTX.
Bởi thực tế rất nhiều HTX hiện nay có thành viên tuổi đời 40-50 vẫn sử dụng phần mềm, công nghệ thành công như HTX Mỹ Xương, HTX Chúc Sơn, HTX Mỹ Đồng 2… Đây chính là cầu nối quan trọng giúp lan tỏa và nhân rộng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào khu vực KTTT, HTX.
Còn theo Ts Trần Minh Hải, để khu vực KTTT, HTX ứng dụng khoa học công nghệ được sâu và rộng, doanh nghiệp nghiên cứu ra các phần mềm cần hỗ trợ ngành nông nghiệp nói chung, khu vực KTTT nói riêng có phần mềm tổng có thể truy cập dữ liệu từ trên xuống dưới một cách thống nhất để HTX có cái nhìn tổng quát trong ứng dụng khoa học công nghệ, cơ quan nhà nước thuận lợi trong quản lý. Hiện, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ nên nhiều HTX xảy ra tình trạng khủng hoảng trong lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ.
“Bên cạnh đó, 97,6% các sở hữu nền tảng số hiện nay vẫn là cá nhân hóa nên khi làm trên ứng dụng Zalo, Facebook hầu hết là cá nhân, nên khi cá nhân thành viên HTX không tham gia nhóm, nghỉ làm việc thì các thông tin của HTX bị mất, và có thể chính những người nghỉ làm ở HTX có thể trở thành đối thủ của HTX”, TS Nguyễn Minh Hải chia sẻ.