Người dân trong xóm ví von ông Nguyễn Văn Bi (Tám Bi), 64 tuổi, ngụ tại khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn là “Vua rau muống”. Sau nhiều năm trồng các loại rau màu thất bại, năm 2005, ông quyết định chuyển sang trồng rau muống và đã thành công, với thu nhập cao. Đặc biệt, ông không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn là người truyền cảm hứng để bà con lối xóm làm theo, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Làm giàu từ rau muống
Ông Tám Bi kể, trước đây, 3.000m2 đất của gia đình ông trồng đủ loại rau màu: đậu bắp, mướp, rau cải, cà chua, dưa leo… Tuy nhiên, do giá bán bấp bênh, nguồn thu nhập không ổn định nên thua lỗ. Đỉnh điểm của thua lỗ là ông phải bán hết 3.000m2 đất sản xuất để trả nợ phân thuốc, chỉ còn lại cái nền nhà để ở.
Mặc dù thua lỗ gần như trắng tay, nhưng ông Tám Bi không nản chí. Năm 2005, ông tìm hướng làm ăn mới là trồng rau muống. Ông nhớ lại: “Ban đầu, tôi gieo 2kg hạt giống rau muống trên khoảnh đất nhỏ trong vườn. Trồng được bao nhiêu, vợ tôi thu hoạch đem ra chợ bán. Nhận thấy trồng rau muống quay vòng nhanh, dễ chăm sóc, dễ bán, tôi quyết định thuê 3.000m2 đất ruộng của các hộ xung quanh để trồng. Từ đó, tôi có nguồn rau muống cung cấp ra chợ, cuộc sống gia đình dần dần ổn định”.
Bằng số tiền tích lũy từ trồng rau muống, ông Tám Bi đã mua được 5.000m2 đất trong khu vực. Từ năm 2015 đến nay, với 5.000m2 đất trồng rau muống, bình quân mỗi ngày gia đình ông thu hoạch, bán cho thương lái đến thu mua tại ruộng 500-600kg. Bình quân mỗi tháng thu lời hơn 50 triệu đồng.
Ông Tám Bi chia sẻ: “Để rau muống phát triển tốt, không bị sâu bệnh và năng suất cao, ngoài tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của địa phương tổ chức, người trồng cần phải đúc rút kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất, nhất là mỗi năm phải rải vôi bột 2 lần để cải tạo đất, để đất không bị nấm; phải tuân thủ nghiêm ngặt danh mục thuốc bảo vệ thực vật an toàn sức khỏe, tăng cường sử dụng phân hữu cơ… Cũng nhờ vậy, sau 18 ngày gieo hạt, sẽ cho thu hoạch, xử lý lại đất và trồng tiếp vụ sau”.
Theo nhiều người dân khu vực Thới Hòa, ông Tám Bi là người sống có nghĩa tình, có lòng tốt, luôn hỗ trợ mọi người cùng làm ăn. Khi thành công với mô hình trồng rau muống, ông không chỉ lo làm giàu cho bản thân, mà chia sẻ kinh nghiệm, vận động nhiều hộ trong khu vực cùng làm mô hình trồng rau muống. Ban đầu, ông vận động 6 hộ chuyển đổi các loại rau màu sang trồng rau muống và thành lập Tổ hợp tác trồng rau muống. Khi số hộ trồng rau muống tăng lên, tháng 7-2010 ông Tám Bi “nâng cấp” tổ hợp tác lên thành Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát, do ông làm Giám đốc.
Hiện nay, Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát có 10 xã viên, với diện tích gần 6ha. Nhiều năm qua, hợp tác xã thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, hỗ trợ thu hoạch… từ đó hiệu quả sản xuất ngày càng nâng cao. Với công sức tuyên truyền, vận động và chia sẻ kinh nghiệm của ông Tám Bi, đến nay trong khu vực Thới Hòa có 60 hộ trồng rau muống, với tổng diện tích hơn 18ha. “Hiện nay, các xã viên trong Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát và bà con trồng rau muống trong khu vực đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá. Nhiều gia đình xây được nhà to, mua xe hơi, nuôi con cái học hành và thành đạt. Tất cả là nhờ trồng rau muống” – ông Tám Bi thông tin.
Từ trồng rau muống và vận động, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân cùng làm, ông Tám Bi là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhất cả nước được Hội đồng Chung khảo Trung ương Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.
Góp sức xây dựng quê hương
Mấy chục năm qua, ông Tám Bi không chỉ trồng rau muống giỏi mà còn là người có tấm lòng vì cộng đồng. Hễ bà con trong khu vực dân cư, lối xóm ai khó khăn, ông đều giúp đỡ với tinh thần “của ít lòng nhiều”. Khi thấy cầu đường xuống cấp, hư hỏng, bà con đi lại khó khăn, ông Tám Bi vận động người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng góp để sửa chữa, nâng cấp xây mới. Từ đó, góp phần cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm thay đổi diện mạo phường Thới An.
Nhiều người dân trong khu vực cho biết, trước đây, kinh tế chưa phát triển, đời sống khó khăn, đường sá xập xệ, nhiều “ổ gà”, hầu hết là cầu khỉ. Để giúp bà con đi lại thuận tiện hơn, ông Tám Bi thuê ghe chạy lên tỉnh An Giang xin gạch vụn về đổ đường cho bằng phẳng. Ông đã tham gia thành lập Tổ từ thiện giặm vá đường, quy tụ trên 50 người. Ông Tám Bi nói: “Đường sá hư hỏng, đi lại khó khăn, mất an toàn, dễ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là những lúc trời mưa gió, lầy lội. Thấy vậy, tôi tình nguyện góp công, góp sức, góp tiền để các tuyến đường quê hương Thới An được bằng phẳng, sạch đẹp, đi lại thuận tiện hơn”.
Với tinh thần đó, ông Tám Bi được nhiều nhà hảo tâm, nhân dân địa phương tin tưởng, nể trọng; được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí làm đường, bắc cầu. Trong quá trình thi công các công trình, nếu tiền vận động còn thiếu hụt thì ông Tám Bi và các thành viên trong Tổ từ thiện giặm vá đường tự đóng góp để hoàn thành công trình. Tính ra, ngoài công sức, mỗi năm ông Tám Bi còn đóng góp trên 20 triệu đồng để làm cầu đường.
Đầu tháng 3 này chúng tôi đến nhà tìm thì ông Tám Bi đang cùng Tổ từ thiện giặm vá đường và đông đảo người dân tham gia đổ bê tông tuyến đường rạch Mương Ngang ở khu vực Thới Hòa. Lau vội những giọt mô hôi trên gương mặt sạm nắng, ông Tám Bi đưa tay chỉ ra phía đầu tuyến đường, nói: “Tuyến đường dài 700m đã xuống cấp, chật hẹp nên chúng tôi xin phép chính quyền, tổ chức vận động nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công, vận động nhà hảo hâm đóng góp 150 triệu đồng để mở rộng đường ra 3m, tráng bê tông sạch đẹp”.
Theo ông Tám Bi, từ năm 2023 đến nay, ông và Tổ từ thiện giặm vá đường đã vận động nhân dân hiến đất, ngày công, tiền và vận động nhà hảo tâm góp tiền được tổng trị giá trên 400 triệu đồng sửa chữa 20 cây cầu, giặm vá và nâng cấp trên 3.000m đường giao thông trên địa bàn. Qua đó, góp phần xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh của phường Thới An, tạo thuận tiện và an toàn cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Ông Đào Minh Huy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thới An, cho rằng: “Nhiều năm qua, ông Tám Bi đã nhiệt tình giúp nhiều gia đình trong khu vực Thới Hòa thoát nghèo, vươn lên khá giả từ mô hình trồng rau muống. Ông có nhiều tâm huyết, công sức đóng góp nâng cấp, sửa chữa cầu đường, góp phần xây dựng xây dựng quê hương Thới An phát triển. Ông cũng là người có uy tín tại địa phương, sống giản dị, được mọi người yêu thương, quý mến”.
Với nỗ lực trong làm ăn, giúp đỡ mọi người và đóng góp xây dựng quê hương, ông Tám Bi đã được UBND TP Cần Thơ, UBND quận Ô Môn và UBND phường Thới An tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.