Phụ nữ 4.0 tự tin tỏa sáng từ liên kết sản xuất hàng hóa

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có rất nhiều HTX hoạt động hiệu quả, quy mô không hề nhỏ nhưng có giám đốc, phó giám đốc hoặc cả HĐQT, thành viên và người lao động đều là nữ. Như tại HTX chè Thịnh An (Đồng Hỷ) đang được chèo lái bởi bàn tay và khối óc tài hoa của những người phụ nữ.

HTX của những người phụ nữ

Ngoài cùng các thành viên và người lao động sản xuất chè VietGAP, hữu cơ, chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch HĐQT HTX chè Thịnh An thường xuyên tham gia các hội nghị, hội thảo, kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương để giúp HTX thuận lợi trong sản xuất, tiếp cận các cơ chế chính sách, mở rộng thị trường.

Chị Hảo được Liên minh HTX tỉnh đánh giá là một trong những nữ lãnh đạo HTX nhiệt huyết, tài hoa và là một trong những nghệ nhân làng nghề chè tiêu biểu của Thái Nguyên. Chị đã đưa sản phẩm của HTX Thịnh An tham gia hầu hết ở các buổi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại ở trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả ở nước ngoài. Sản phẩm của HTX cũng được trưng bày và trở thành quà tặng trong nhiều hội nghị mang tầm cỡ quốc gia và xuất khẩu sang EU…

Để có được thành công này, chị Hảo đã xây dựng một nhóm bán hàng do một thành viên trong HĐQT cũng là nữ và đã được phong là nghệ nhân làng nghề phụ trách tham gia các buổi trưng bày, hội nghị, quảng bá, xúc tiến thương mại. HTX cũng có một nhóm chuyên trách về du lịch nông nghiệp để gia tăng giá trị, hỗ trợ thêm nhiều người dân có việc làm ổn định từ cây chè và nâng cao thu nhập. Do đó, HTX Thịnh An đã tạo việc làm và thu nhập cho 140 người dân, trong đó 90% là nữ và họ cũng đã được nâng cao tay nghề nhờ tham gia các lớp đào tạo trồng chè.

Số liệu của Liên minh HTX Thái Nguyên cho thấy, toàn tỉnh có 750 HTX thì đến nay đã có 120 HTX do phụ nữ làm quản lý, chiếm 16% tổng số HTX (cao hơn bình quân chung cả nước là 7,6%). Các HTX này có doanh thu bình quân 2,2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 4.000 người.

Có lẽ vì có nhiều HTX do phụ nữ đứng ra lãnh đạo, tham gia nên Thái Nguyên được đánh giá là một tỉnh đi đầu ở miền Bắc về phát triển số lượng và chất lượng HTX. Phong trào kinh tế tập thể (KTTT) ở Thái Nguyên hiện đã phát triển đến từng ngõ xóm và nhiều phụ nữ đã có tư duy đổi mới khi nhìn nhận về mô hình KTTT, HTX. Họ cho rằng chỉ có hợp tác – liên kết thông qua HTX mới nâng cao thu nhập và giúp nông nghiệp phát triển bền vững. Nhiều lãnh đạo nữ của các HTX như HTX Bản Việt, HTX Tâm Trà Thái… đang nổi lên là những đầu tàu năng động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học vào sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Phụ nữ tỏa sáng từ mô hình KTTT không chỉ ở riêng Thái Nguyên mà hiện nay, ở khắp các tỉnh thành đều có những HTX do phụ nữ ở nhiều độ tuổi tham gia, lãnh đạo. Như Tổ hợp tác đan lục bình Tân Tiến (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) dù có 9 thành viên ban đầu là phụ nữ cũng đã góp số vốn lên đến 1 tỷ đồng để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đầu tư xe tải tiêu thụ hàng hóa. Những người phụ nữ trong Tổ hợp tác đã liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra và liên kết với các tổ hợp tác khác ở huyện Cao Lãnh với số lượng lên đến 230 phụ nữ để bảo đảm nguồn hàng ổn định.

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết năm 2023, cả nước có 31.364 HTX, trong đó có khoảng 20% số HTX có giám đốc là nữ điều hành, tham gia HĐQT. Và trong 2,58 triệu lao động thường xuyên làm việc trong khu vực KTTT, HTX thì có đến 70% là nữ. Trong 3 năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ là nữ đã mạnh dạn theo đuổi đam mê, khởi nghiệp từ HTX.

Sự tham gia tích cực của phụ nữ trong các HTX, tổ hợp tác cho thấy chủ trương lớn của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX đang được đông đảo phụ nữ hưởng ứng, từ đó đóng góp hiệu quả vào xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã tích cực cùng các ngành liên quan hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất bền vững. Từ đó giúp phụ nữ mạnh dạn hơn chuyển đổi mô hình từ kinh tế cá thể sang KTTT. Đặc biệt, ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa, lao động sản xuất chủ yếu là phụ nữ cũng đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát huy vai trò của phụ nữ trong thành lập và phát triển HTX, điển hình như Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Giang…

Thêm cơ hội cho phụ nữ phát triển kinh tế

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, Liên minh HTX Việt Nam đang tích cực tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành…

Theo Quyết định 01, các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động của HTX là nữ); HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ chế biến sâu, phát huy ngành nghề truyền thống, và phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển KTTT ở các vùng khó khăn, miền núi… cũng sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ phù hợp.

Chị Phan Thị Quyến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ (Quảng Ngãi), đánh giá những chính sách này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, giúp phụ nữ có điều kiện vay vốn, đặc biệt là tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình của Nhà nước về phát triển mô hình KTTT.

Theo GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phần lớn phụ nữ hiện nay có ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình HTX đều chưa được tiếp cận với các chuyên gia, tư vấn chia sẻ kinh nghiệm, nên việc họ thành lập và phát triển mô hình HTX vẫn còn gặp những khó khăn nhất định về tiếp cận vốn, ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường…

Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki-moon từng phát biểu rằng, đầu tư cho phụ nữ và các em gái sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển tiến bộ trên thế giới. “Đầu tư cho phụ nữ không chỉ là một hành động đúng đắn, mà còn là một việc làm thông minh”, ông nói. Đi liền với đó, phát triển HTX đang là một chủ trương lớn được Nhà nước quan tâm.

Chính vì vậy, để hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình HTX hiệu quả, GS. TS Nguyễn Thị Lan cho rằng các ngành hữu quan cần hỗ trợ họ sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị nhằm thu hút nhiều phụ nữ từ sản xuất kinh doanh nhỏ theo quy mô nông hộ sang liên kết sản xuất quy mô lớn, đưa hàng hóa nông sản thế mạnh của địa phương thành sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Để làm được điều này, việc tạo điều kiện để phụ nữ, lãnh đạo HTX là nữ tiếp cận với các chuyên gia, đơn vị tư vấn, các dự án… để hỗ trợ họ ngay từ thời điểm ban đầu thành lập HTX sẽ mở ra nhiều cơ hội thành công cho mô hình KTTT.

Đặc biệt, các địa phương cần căn cứ điều kiện thực tiễn, đặc điểm văn hóa, kinh tế cụ thể để xây dựng những mô hình KTTT phù hợp nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả. Có thể như ở miền núi thì nên thành lập các tổ hợp tác để làm nền tảng cho phụ nữ thích ứng với sản xuất hàng hóa từng bước, sau đó phát triển lên HTX và từ HTX phát triển lên liên hiệp HTX. Hay ở một số địa phương như Đồng Tháp đang phát triển tốt mô hình hội quán trong HTX, HTX trong hội quán thì địa phương nên hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ hội quán, và lấy hội quán làm nền tảng để hỗ trợ các HTX. Điều này sẽ thúc đẩy được nhiều phụ nữ tham gia và giảm thiểu sự “chết yểu” của những mô hình HTX do phụ nữ khởi nghiệp, lãnh đạo.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Scroll to Top