Thái Nguyên

Lựa chọn phát triển tứ đại danh dược cổ truyền-hươu sao đã giúp HTX Nuôi hươu hội cựu chiến binh Trọng Hùng (xóm Tè, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) mang lại giá trị kinh tế cao, hỗ trợ thành viên giảm nghèo đồng thời mô hình này còn tạo nên sự độc đáo, có sức hút đối với nhiều người ở các tỉnh thành khác.

Lý giải việc lựa chọn nuôi hươu sao để phát triển kinh tế, theo ông Ngô Văn Hùng, Giám đốc HTX Trọng Hùng, đây là vật nuôi dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đầu ra rộng mở lại cho lãi cao. Nhờ nuôi hươu mà tổng doanh thu HTX năm 2022 và cả quý 1/2023 là gần 8 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3 tỷ đồng, từ đó giúp 33 hộ thành viên có cuộc sống khấm khá, đặc biệt còn giúp một số hộ thành viên thoát nghèo.

Dễ nuôi, lãi cao

Có thể thấy, nuôi hươu cho thu hoạch sản phẩm khá đa dạng từ lấy nhung, cao xương, lấy thịt… Với những sản phẩm này, nhung hươu là loại cho giá trị kinh tế cao nhất vì trung bình 100g nhung có thể bán với giá 2.000.000 đồng, trong đó, mỗi con hươu có thể cho thu nhung với trọng lượng 600-700g/năm.

Ngay như tại trang trại của gia đình Giám đốc Ngô Văn Hùng hiện có 25 con hươu, giá trị từ thu hoạch nhung hươu thấp nhất cũng là 300 triệu đồng/25 con/năm. Trong khi hầu hết các thành viên hàng năm đều có mục tiêu mở rộng đàn vật nuôi bằng phương pháp tự nhân giống hoặc mua thêm giống từ các trang trại uy tín. Bên cạnh đó, nhung hươu là một trong tứ đại danh bổ lên được nhiều người tìm đến đặt mua để bồi dưỡng sức khỏe ngày càng nhiều từ đó giúp đầu ra thuận lợi.

Thành lập từ năm 2017, ngoài khu vực trang trại chăn nuôi với quy mô lên đến gần 400 con, HTX còn có khoảng 3 ha trồng rau củ quả, đặc biệt là cỏ VA06… làm thức ăn cho hươu.

Có một điều thuận lợi là HTX được hình thành và phát triển trên địa bàn rộng, có nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, phù hợp với chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi hươu. Các thành viên trong HTX phần lớn đã trải qua quân ngũ nên có sự đoàn kết thống nhất cao trong suốt quá trình làm việc.

Có những thuận lợi là vậy nhưng để đạt được hiệu quả kinh tế cao, HTX đã phải áp dụng quy trình chăn nuôi hươu khoa học thông qua việc đầu tư chuồng trại thoáng mát, cho hươu ăn từ 2-3 bữa mỗi ngày, dọn dẹp chuồng trại định kỳ, liên tục phun thuốc khử khuẩn. Ngay như hươu giống cũng được tiêm phòng theo đúng quy định. Chính vì vậy mà trong chăn nuôi, dù nhiều loại vật nuôi trên cả nước như lợn, bò… có thời điểm căng thẳng trong tình trạng dịch bệnh thì đàn vật nuôi của HTX vẫn đảm bảo khỏe mạnh, hoặc có con bị nhiễm bệnh nhưng tỷ lệ rất thấp.

Hươu là vật nuôi cho giá trị kinh tế cao nên được HTX quan tâm đầu tư và chú trọng mở rộng quy mô theo từng năm.

Với kỹ thuật chăn nuôi tốt, trung bình mỗi con hươu từ khi nuôi giống sau khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch nhung hươu, sau đó cứ khoảng 1 năm, HTX lại được thu hoạch nhung hươu một lần. Ngoài thu hoạch nhung hươu, HTX còn thực hiện nhân giống để mở rộng quy mô đàn nuôi cũng như bán để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện một con hươu giống đã được nuôi 4-5 tháng sẽ được bán với giá khoảng 10.000.000 đồng/con cái, còn con đực sẽ được bán với giá cao hơn, khoảng 12 triệu đồng/con.

Đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ giảm nghèo

Với hiệu quả kinh tế mang lại từ chăn nuôi hươu, HTX luôn coi trọng yếu tố liên kết để có thể phát triển bền vững. Cụ thể là HTX đang đẩy mạnh liên kết với các trang trại hươu lớn trong nước để nhập con giống tốt, bảo đảm chất lượng khi các thành viên có nhu cầu phát triển đàn.

Ngoài ra, HTX còn liên kết với xã Quang Sơn (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), liên kết với huyện Yên Dũng, Mỹ Lộc, Vụ Bản (Nam Định), huyện Yên Phong (Bắc Ninh), huyện Tân Yên, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và các hộ chăn nuôi hươu trong tỉnh Thái Nguyên để cung cấp giống hươu cho những hộ có nhu cầu, đồng thời nhận chuyển giao kỹ thuật và cách chăm sóc hươu.

Đặc biệt, 2 quý đầu năm 2023, HTX cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 100 con hươu giống các loại cho những đơn vị có nhu cầu phát triển sản xuất loại vật nuôi này tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc… Điều này đã khẳng định chất lượng con giống và uy tín thương hiệu của HTX trên thị trường.

Ngoài đẩy mạnh liên kết, HTX còn tích cực đầu tư máy móc, hoàn thiện chuỗi giá trị hàng hóa bằng việc sơ chế, chế biến các sản phẩm từ nhung hươu cũng như hoàn thiện bao bì, mẫu mã để nâng cao giá trị kinh tế. Nhờ đó, đến nay, HTX đã có hai sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đó là cao hươu và thịt hươu sấy.

Đầu tư đúng mức, phát triển thành công chuỗi giá trị hàng hóa hươu sao đã giúp HTX không ngừng lớn mạnh. Nếu như năm 2017, khi mới thành lập HTX chỉ có 9 thành viên thì đến nay đã có 33 thành viên ở trong và ngoài tỉnh tham gia. Tất cả các thành viên đều có tâm huyết, đam mê với ngành nghề chăn nuôi hươu hàng hóa.

Đặc biệt, mô hình này của HTX đã giúp các thành viên nâng cao thu nhập, giảm nghèo, ổn định kinh tế. Bởi Tân Hòa từng là một trong những xã miền núi được xếp vào diện khó khăn bậc nhất của huyện Phú Bình. Suốt nhiều năm, người dân vẫn quẩn quanh với đói, nghèo.

Tuy nhiên, với khát khao phát triển kinh tế hàng hóa, làm giàu chính đáng, các thành viên HTX đã đồng lòng sản xuất, có thu nhập cao. Ông Lộc Văn Tuyên, thành viên HTX cho biết, chỉ tính trung bình 5 con hươu cho lấy nhung cũng giúp gia đình ông có nguồn thu gần 100.000.000 đồng/năm.

Giám đốc Ngô Văn Hùng cho rằng, tính trung bình thu nhập của mỗi thành viên trong HTX hiện là 10 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, đã có 2 thành viên trong HTX đã thoát nghèo nhờ tham gia chăn nuôi hươu dưới sự định hướng của HTX.

Nhận thấy, hươu sao là vật nuôi an toàn, thị trường đầu ra ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên hỗ trợ đắc lực trong việc nâng cao kinh tế hộ thành viên, chính vì vậy, mục tiêu của HTX là sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Như năm 2022, HTX đặt mục tiêu tăng 30% quy mô đàn so với năm cũ nhưng đến cuối năm đã vượt mục tiêu và tăng đến 50% quy mô đàn.

Ông Bùi Văn Đồng, Trưởng Ban Kiểm soát HTX, cho biết năm 2022, gia đình ông chỉ nuôi 8 con hươu nhưng năm nay đã tăng lên 16 con. Mục tiêu đến năm 2024, gia đình ông sẽ có 20-25 con hươu để tiếp tục nâng cao kinh tế và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đa dạng sản xuất, thích ứng thị trường

Không chỉ khấm khá trông thấy nhờ loài động vật hết sức tiềm năng là hươu sao, HTX Trọng Hùng còn rất năng động khi tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản xuất. Hiện, HTX còn phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, trồng các loại cây ăn quả như mít Thái, cam, trám đen, nuôi trâu, bò, lợn gà và thủy sản.

Để bảo đảm sản xuất, HTX cũng đã thành lập tổ làm vườn và tổ thủy sản với số lượng thành viên mỗi tổ là 7 người để thuận lợi trong việc trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. HTX cũng cử cán bộ, thành viên tham gia các lớp tập huấn do các ban ngành tổ chức. Đặc biệt là lớp tập huấn về phát triển kinh tế tập thể, tham quan thực tế các mô hình làm kinh tế giỏi của HTX, hộ nông dân trong cả nước để học tập kinh nghiệm.

Chính vì vậy mà dù mở rộng sang nhiều cây, con khác nhưng đầu ra các loại nông sản của HTX khá thuận lợi. Đặc biệt, sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử với nhiều sàn giao dịch, được nhiều người biết đến thương hiệu của HTX.

Ngay như sản phẩm mật ong của HTX đang có đầu ra thuận lợi nhờ được bán online, đồng thời HTX đã đầu tư máy tách nước để nâng cao chất lượng mật. Tính đến thời điểm hiện tại, HTX đã có quy mô 400 đàn ong. Mỗi đàn ong cho thu hoạch 12 lít, giúp HTX có tổng sản lượng 6 tấn mật/năm. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản cũng cho sản lượng khoảng 200-300 tấn/năm.

Để thích ứng với thị trường, thời gian tới, HTX tiếp tục tham gia chương trình OCOP, đưa mật ong thành sản phẩm được chứng nhận OCOP. Đi liền với đó, HTX sẽ mở rộng liên kết, tham gia mô hình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm an toàn. Các thành viên cũng sẽ phối hợp ngành chức năng của huyện tham gia Chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương thông qua việc đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi hươu, hỗ trợ hươu giống cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Lợi ích bền vững từ trồng chè hữu cơ

Nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng, những năm gần đây, nhiều hộ trồng chè trên địa bàn huyện Đại Từ đã quan tâm và chuyển hướng sang sản xuất chè hữu cơ.
 
Người dân xã La Bằng thu hái chè hữu cơ.

Giữa tháng 10 vừa qua, sau gần 3 năm triển khai mô hình, 15ha chè của 2 xã Phú Xuyên và La Bằng đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 1104-2:2017, TCVN 1104-6:2018. Đến thời điểm này, đây cũng là diện tích chè đầu tiên của huyện Đại Từ được chứng nhận hữu cơ.

Ông Đỗ Minh Tuân, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất chè hữu cơ Tân Sơn, xã La Bằng, chia sẻ: 10ha chè với sự tham gia của gần 50 thành viên THT đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Vậy là những nỗ lực của bà con đã thu “trái ngọt”. Sau 2 năm bị sụt giảm đáng kể về sản lượng, thậm chí không cho thu những lứa đầu tiên, đến nay, năng suất, sản lượng đã hồi phục và có dấu hiệu tiến triển, mỗi ha cho thu khoảng 130 tạ chè búp tươi.

Cũng theo ông Tuân, nhiều khách hàng đánh giá chất lượng chè thay đổi rõ rệt, búp chè tươi có màu xanh sáng, lá chè dày, đọt chè ngắn; trà pha có vị đậm, chát dịu, ngọt hậu. Đặc biệt, lợi nhuận thu được từ sản xuất hữu cơ đạt gần 600 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất thông thường gần 30%. Cụ thể, nếu trước đây, mỗi kg chè tươi, người dân chỉ bán được với giá trên dưới 30.000 đồng thì chè hữu cơ bán được 40.000-50.000 đồng/kg, thậm chí 70.000-80.000 đồng/kg với chè chất lượng tốt. Nguyên nhân là do phần lớn chè hữu cơ được chế biến thành các sản phẩm cao cấp.

Nhiều thế hệ người dân ở huyện Đại Từ gắn bó với công việc chăm sóc và thu hoạch chè, do vậy, chính họ là những người cảm nhận rõ nhất về những ưu việt khi chuyển hướng sang canh tác chè theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Đỗ Thành Lân, thành viên THT chè hữu cơ xóm Chính Phú, xã Phú Xuyên, bộc bạch: Trước đây, người làm chè ai cũng dùng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Vì thế, trong người lúc nào cũng khó chịu, mệt mỏi, cả với người tiếp xúc trực tiếp hoặc sinh sống quanh những đồi chè. Khi chuyển sang phương pháp hữu cơ, ai nấy đều phấn khởi, an tâm sản xuất mà không lo độc hại nữa. Người sử dụng chè thì lại càng yên tâm, bởi cây chè được nâng niu, chăm sóc trong môi trường, nguồn nước trong lành. Đó là lợi ích tuyệt vời mà chè hữu cơ mang lại.

Chè hữu cơ thường được chế biến thành các sản phẩm cao cấp, đem lại giá trị kinh tế cao.

Khi những nương chè dần thích nghi với phương thức canh tác mới, hiệu quả về kinh tế còn được thể hiện ở chi phí chăm sóc giảm đáng kể so với dùng phân và thuốc trừ sâu hóa học. Chất đất đã không còn bị chai cứng mà trở nên tơi xốp, dễ canh tác. Từ đó tiết kiệm được nước tưới vì đã có lớp mùn dày bám trên mặt đất. Những thiên địch có lợi dần phát triển, giải quyết vấn đề sâu bệnh, bà con không còn phải phun thuốc trừ sâu hóa học tràn lan như trước. Môi trường đất, nước và không khí vì thế đều được cải thiện.

Người làm chè cũng thêm yên tâm sản xuất khi hiện nay, sản phẩm của các hộ dân tham gia mô hình chè hữu cơ đều được Công ty TNHH trà Tuất Thoi, Hợp tác xã (HTX) chè La Bằng và một số công ty, HTX trong và ngoài tỉnh bao tiêu. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Từ những lợi ích về kinh tế, môi trường cùng với tính an toàn cho người sản xuất, tiêu dùng đã được cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá và kiểm nghiệm, ngày càng nhiều người dân ở Đại Từ quan tâm, mong muốn tham gia, chuyển đổi sang canh tác theo phương pháp hữu cơ.

Đơn cử như mô hình ở HTX Nông nghiệp bền vững, xã Phú Cường; HTX chè Tân Tiến, xã Minh Tiến; THT chè an toàn xã Tân Linh… với tổng diện tích trên 100ha. Ông Đinh Xuân Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Linh, cho biết: Cùng với 170ha chè VieGAP, xã còn có 12ha chè đang thực hiện canh tác theo phương pháp hữu cơ ở năm thứ 3. Chúng tôi đang cùng với người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục để cấp chứng nhận hữu cơ đối với diện tích chè nói trên. Thời gian tới, xã Tân Linh phấn đấu tiếp tục mở rộng các vùng chè an toàn, để địa phương không chỉ được biết đến là vựa chè lớn nhất huyện mà còn là vùng chè nguyên liệu an toàn, chất lượng cao.

Ngoài lợi ích về kinh tế nông nghiệp, hiện nay, nhiều vùng chè an toàn ở Đại Từ đã trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, đồng thời, giúp các cơ sở sản xuất, HTX quảng bá và bán sản phẩm cho du khách. Điều này đã góp phần gia tăng lợi nhuận cho các đơn vị sản xuất. HTX chè La Bằng, HTX chè Hoàng Nông, HTX chè Nhật Thức… là những đơn vị làm khá tốt hoạt động này trong các năm gần đây.

Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng, cho hay: Từ đầu năm 2022 đến nay, HTX đã đón trên 100 đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm. Du khách đến với địa phương không chỉ được hòa mình vào cảnh quan tuyệt đẹp của núi rừng, sông suối mà còn có thể chụp ảnh trên những đồi chè thơm ngát, trong lành; được trải nghiệm các công đoạn từ việc hái chè, chế biến thành phẩm đến tìm hiểu về văn hóa trà, làm bánh cùng bà con nông dân.

Theo ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ: Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất chè theo hướng bền vững, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ. Song song với đó, huyện cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm hướng bao tiêu ổn định cho sản phẩm chè an toàn. Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng chủ lực, huyện Đại Từ phấn đấu đến năm 2030, diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ chiếm 65% tổng diện tích chè toàn huyện.

vca.org.vn

All in one
Scroll to Top