Phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới bền vững 

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã tập trung định hướng, hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, không những nâng cao thu nhập người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, mà còn tạo nguồn lực để địa phương thực hiện lộ trình xây dựng NTM theo hướng bền vững.

Vườn vú sữa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A, huyện Phong Điền.

Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện Phong Ðiền quan tâm, hỗ trợ cho người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất. Huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Trong 10 tháng năm 2023, huyện Phong Ðiền vận động nông dân cải tạo vườn cây ăn trái 72ha và 292ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Ðồng thời, triển khai thực hiện 10 mô hình VietGAP trên cây ăn trái. Huyện hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố đánh giá xếp hạng và công nhận 4 sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2023, gồm: bánh hỏi mặt võng Út Dzách, Làng du lịch Mỹ Khánh, vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng.

Bên cạnh đó, huyện Phong Ðiền hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho sản phẩm OCOP tiềm năng như trà Cao Trường Phát, nhãn Ido, yến sào Mỹ Khánh, tửu trùng thảo. Huyện hỗ trợ, hướng dẫn cho 32 sản phẩm nông sản quảng bá và tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử “chonongsancantho.vn” và check.cantho.gov.vn. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, vườn cây ăn trái trên địa bàn được tập trung cải tạo mới và quy hoạch theo hướng chuyên canh, đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh như sầu riêng xã Tân Thới 943ha, vú sữa xã Giai Xuân 318,2ha, dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái 386ha, nhãn xã Nhơn Nghĩa 330ha…

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A, huyện Phong Ðiền, chia sẻ: Hợp tác xã được chính quyền địa phương, các ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng quy trình VietGAP, Global GAP và cấp chứng nhận, nhờ vậy, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp, đối tác. Hiện toàn hợp tác xã có 45ha đất chuyên canh vú sữa, sầu riêng và phần lớn sản lượng thu hoạch đã có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài thành phố. Qua đó, đảm bảo đầu ra và thu nhập ổn định cho thành viên…

Trong khi đó, Cờ Ðỏ là huyện thuần nông vùng ngoại thành, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất được xem là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương gắn với xây dựng NTM. Do đó, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ, huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về việc tăng cường liên kết, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Ðồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Theo đó, huyện Cờ Ðỏ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, chú trọng chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn, có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, sản xuất theo quy trình VietGAP, theo chuỗi giá trị, tập trung gắn với chứng nhận chất lượng nông sản, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…

Nhờ vậy, doanh thu bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Cờ Ðỏ tăng theo từng năm; ước tính năm 2023 đạt hơn 193,7 triệu đồng/ha, vượt 5% kế hoạch. Lợi nhuận bình quân gần 89,4 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 29,9 triệu đồng so với năm 2022. Huyện đã thành lập mới 9 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn huyện là 46 hợp tác xã.

Hiệu quả của phát triển sản xuất trong xây dựng NTM đã và đang được chứng minh từ thực tế các địa phương. Phát huy tiềm năng, lợi thế, các địa phương tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từ đó giúp kinh tế – xã hội tại các địa phương ngày thêm khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Huyện tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nông dân sản xuất hàng hóa phải gắn với thị trường, gắn với nhu cầu người sử dụng, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ðồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với các tổ chức nông dân xây dựng vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa chất lượng cao, an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho từng khu vực đê bao gắn với phát triển giao thông nội đồng; tạo điều kiện ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân…

Theo Báo Cần Thơ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang