Lãnh đạo

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã tập trung định hướng, hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, không những nâng cao thu nhập người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, mà còn tạo nguồn lực để địa phương thực hiện lộ trình xây dựng NTM theo hướng bền vững.

Vườn vú sữa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A, huyện Phong Điền.

Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện Phong Ðiền quan tâm, hỗ trợ cho người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất. Huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Trong 10 tháng năm 2023, huyện Phong Ðiền vận động nông dân cải tạo vườn cây ăn trái 72ha và 292ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Ðồng thời, triển khai thực hiện 10 mô hình VietGAP trên cây ăn trái. Huyện hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố đánh giá xếp hạng và công nhận 4 sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2023, gồm: bánh hỏi mặt võng Út Dzách, Làng du lịch Mỹ Khánh, vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng.

Bên cạnh đó, huyện Phong Ðiền hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho sản phẩm OCOP tiềm năng như trà Cao Trường Phát, nhãn Ido, yến sào Mỹ Khánh, tửu trùng thảo. Huyện hỗ trợ, hướng dẫn cho 32 sản phẩm nông sản quảng bá và tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử “chonongsancantho.vn” và check.cantho.gov.vn. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, vườn cây ăn trái trên địa bàn được tập trung cải tạo mới và quy hoạch theo hướng chuyên canh, đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh như sầu riêng xã Tân Thới 943ha, vú sữa xã Giai Xuân 318,2ha, dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái 386ha, nhãn xã Nhơn Nghĩa 330ha…

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A, huyện Phong Ðiền, chia sẻ: Hợp tác xã được chính quyền địa phương, các ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng quy trình VietGAP, Global GAP và cấp chứng nhận, nhờ vậy, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp, đối tác. Hiện toàn hợp tác xã có 45ha đất chuyên canh vú sữa, sầu riêng và phần lớn sản lượng thu hoạch đã có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài thành phố. Qua đó, đảm bảo đầu ra và thu nhập ổn định cho thành viên…

Trong khi đó, Cờ Ðỏ là huyện thuần nông vùng ngoại thành, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất được xem là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương gắn với xây dựng NTM. Do đó, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ, huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về việc tăng cường liên kết, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Ðồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Theo đó, huyện Cờ Ðỏ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, chú trọng chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn, có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, sản xuất theo quy trình VietGAP, theo chuỗi giá trị, tập trung gắn với chứng nhận chất lượng nông sản, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…

Nhờ vậy, doanh thu bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Cờ Ðỏ tăng theo từng năm; ước tính năm 2023 đạt hơn 193,7 triệu đồng/ha, vượt 5% kế hoạch. Lợi nhuận bình quân gần 89,4 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 29,9 triệu đồng so với năm 2022. Huyện đã thành lập mới 9 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn huyện là 46 hợp tác xã.

Hiệu quả của phát triển sản xuất trong xây dựng NTM đã và đang được chứng minh từ thực tế các địa phương. Phát huy tiềm năng, lợi thế, các địa phương tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từ đó giúp kinh tế – xã hội tại các địa phương ngày thêm khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Huyện tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nông dân sản xuất hàng hóa phải gắn với thị trường, gắn với nhu cầu người sử dụng, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ðồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với các tổ chức nông dân xây dựng vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa chất lượng cao, an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho từng khu vực đê bao gắn với phát triển giao thông nội đồng; tạo điều kiện ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân…

Theo Báo Cần Thơ

Làm nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao là cả một quá trình nên các HTX không thể vội vàng mà cần sự bền bỉ, thực hiện theo quy trình thì mới thu được “trái ngọt”.

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất xuất thông minh chắc chắn là con đường mà người dân HTX phải đi. Nhất là những HTX đang hình thành ở những địa phương có diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp, những thành phố lớn.Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp các HTX, người dân tận dụng các cơ hội trong sản xuất kinh doanh.

Nhiều thách thức

TS Nguyễn Thị Tân Lộc (Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam) cho biết, ứng dụng công nghệ cao không chỉ dừng ở việc đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng các app, mà là cả một quá trình từ ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động… nhằm bảo đảm từ đầu vào đến đầu ra của quy trình sản xuất.

Chính vì vậy, để thu được kết quả cao, hoàn thiện một mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi người dân, HTX cần có nguồn chi phí tương đối lớn nhằm từng bước tự động hóa, khép kín quy trình sản xuất để hạn chế sức người nhưng mang lại hiệu quả tối ưu về kinh tế, môi trường, xã hội.

Theo các chuyên gia, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao chắc chắn đòi hỏi nguồn vốn lớn. Một trang trại, dự án nông nghiệp công nghệ cao có thể cần khoản đầu tư cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc (TP HCM) chia sẻ, chi phí đầu tư và vận hành các thiết bị công nghệ cao rất đắt đỏ. Muốn đầu tư trồng rau thủy canh, HTX phải có nguồn vốn khá cao, khoảng 1 tỷ đồng/1.000m2.

Muốn có nông nghiệp thông minh, trước tiên cần có nông dân thông minh.

Việc đầu tư lớn chắc chắn sẽ đi đôi với áp lực của sự hiệu quả, thành công của mỗi mô hình đầu tư. Bởi thực tế đã có những HTX ứng dụng công nghệ cao nhưng vẫn bị “trắng tay” và phải chịu thêm nhiều khoản nợ do bị tác động nặng nề từ bão, lũ. Và thách thức về đầu ra, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu cùng là khó khăn với không ít HTX hiện nay.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển đổi số vào nông nghiệp cũng buộc các thành viên HTX phải thay đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại. Điều này có nghĩa là họ phải thiết lập lại quy trình từ kế hoạch sản xuất, quản lý và giám sát, nhân lực. Trong khi những điều này đều rất khó với những HTX quy mô lớn, cán bộ quản lý lớn tuổi… Đặc biệt, nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất dồi dào nên nhiều chủ trang trại vẫn chưa thực sự muốn đầu tư máy móc, công nghệ, nhất là ở vùng núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Cần có nông dân thông minh

Thực tế cho thấy, làm nông nghiệp công nghệ cao không hề dễ dàng đối với các HTX, trong khi đây là vấn đề mới, đòi hỏi nhiều yêu cầu, điều kiện đi kèm. Nhưng xét trên bình diện vĩ mô, nông nghiệp vẫn là trụ cột kinh tế quốc gia. Nhất là thời gian dịch Covid-19 bùng phát, đã có nhiều người trẻ, có tri thức quay lại làm nông nghiệp. Đây là bước đệm để thay đổi không khí sản xuất trong ngành nông nghiệp, tiếp tục thổi làn gió mới cho người dân ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.

Kinh nghiệm từ nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… cho thấy thời gian đầu, người dân, HTX của các nước thực hiện chuyển đổi số, làm nông nghiệp thông minh cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng là để chuyển đổi số, các thành viên HTX ở các nước này phải trở thành những nông dân thông minh. Khi đó, họ sẽ biết mình cần đầu tư những gì cho phù hợp thay vì chỉ làm theo ý thích, theo phong trào.

Để có được những nông dân, thành viên HTX thông minh, các ngành chức năng cần nắm bắt được tiềm năng của họ để xây dựng kế hoạch đào tạo, mở rộng cơ hội trong hợp tác tác nghiên cứu và đầu tư một cách phù hợp. Cụ thể như để người dân, thành viên HTX có thể làm chủ khoa học kỹ thuật, các cơ quan quản lý cần xác định rõ lợi thế của người dân, HTX ở mỗi địa phương nhằm áp dụng kỹ thuật phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, từng mô hình sản xuất.

Ông Lâm Ngọc Tuấn cho biết, khi thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thành viên, người dân phải có kiến thức chuyên sâu về máy móc, tự động hóa, thị trường… Thế hệ nông dân hiện đại cần áp dụng các kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả việc nâng cấp sản phẩm phù hợp với thị trường thế giới thì mới mang lại hiệu quả trong sản xuất. Muốn vậy, người dân và thành viên HTX cần được trang bị các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ, chuyên môn để trở thành chính chuyên gia trong mô hình sản xuất công nghệ cao của mình.

Theo các chuyên gia, ở các nước hiện nay vẫn có rất nhiều khóa đào tạo, kỳ thi ngắn hạn, cấp chứng chỉ để kiểm định và bồi dưỡng khả năng hành nghề của những người làm nông nghiệp. Điều này tưởng chừng như khắt khe bởi nông nghiệp vốn có từ nghìn đời, chủ yếu sản xuất theo hình thức truyền kinh nghiệm. Tuy nhiên, nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao trong thời đại 4.0 đòi hỏi người dân, thành viên HTX phải có nhiều kỹ năng, tri thức hơn là chỉ dừng ở kinh nghiệm.

Để bán hàng được trên các sàn thương mại một cách hiệu quả, các HTX, doanh nghiệp đều được khuyến khích là nên đầu tư làm các video giới thiệu quy trình sản xuất, về sản phẩm để dễ dàng thu hút, thuyết phục khách hàng, nhất là những khách hàng nước ngoài. Và để làm được điều này, chắc chắn khi trải qua các lớp đào tạo chuyên nghiệp, được cấp chứng chỉ sẽ giúp nông dân, thành viên HTX tự tin hơn, dễ dàng làm được những video hấp dẫn.

Thực tế hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam đã kết hợp với một số bộ ngành, doanh nghiệp công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử… nhằm hỗ trợ đào tạo người dân, HTX ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của các bộ ngành, trường, viện… để tạo ra một chuỗi đào tạo, hỗ trợ người dân, thành viên HTX một cách bài bản, chuyên nghiệp. Khi có nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp các HTX nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung bắt kịp với “con tàu” 4.0.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top