TP Cần Thơ hiện có một số làng nghề, xóm nghề truyền thống nổi bật như đan đát (xã Trường Thắng, huyện Thới Lai), đan lưới (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt), đan thúng (phường Thuận An, quận Thốt Nốt), bánh tráng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt), đan lục bình (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ), đan lọp (phường Thới Long, quận Ô Môn), bánh dân gian (phường Trường Lạc, quận Ô Môn)… thu hút khá đông lao động, nhưng đa số là người cao tuổi, trung niên. Việc người trẻ thờ ơ với nghề truyền thống ngày càng trở nên phổ biến, nhất là ở các làng nghề, xóm nghề. Nếu như các thế hệ trước luôn sống hết mình, trân trọng và tận tâm trau chuốt sản phẩm nghề truyền thống thì đa số người trẻ tham gia học và làm nghề cho biết, chớ ít khi muốn gắn bó vì đắn đo, cân phân thu nhập chưa thỏa đáng.
Từ khi khởi sự là nhóm, rồi tổ nghề đan lục bình, hiện nay là Hợp tác xã (HTX) Làng nghề Cờ Đỏ, với trên 100 xã viên và người lao động hầu hết người cao tuổi, phụ nữ trung niên. Chị Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX, luôn gắn bó và tâm huyết với nghề, bộc bạch: “Tôi tiến bộ, trưởng thành nhờ tham gia học và làm nghề đan lục bình. Tôi mong muốn giữ gìn và lan tỏa nghề truyền thống, tìm được người trẻ tâm huyết để truyền nghề nhưng quả thật “lực bất tòng tâm”…”. Các năm trước, chị Lang tham gia dạy nghề đan lục bình theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” tại các quận, huyện, thu hút khá đông chị em theo học. Tuy nhiên, khi tìm được việc làm khác, các em, cháu “quay xe”, chỉ còn phụ nữ trung niên theo nghề…
Là nguồn thu nhập lúc nông nhàn, thành viên các gia đình làng nghề đan cần xé, ấp Trường Bình, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai tập trung làm sản phẩm mỗi ngày. Bày nguyên liệu ra sân, các ông, bà, cô, chú vừa làm, vừa trò chuyện rôm rả, ít thấy con cháu góp mặt. Tiếp nối truyền thống gia đình mấy đời, anh Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, quyết tâm phát triển nghề đan đát tại quê nhà để bày tỏ sự tri ân tiền nhân tận tình truyền nghề cho anh. Mỗi khi kể chuyện nghề, anh Nà không thể quên cảm giác háo hức lẫn xúc động khi sản phẩm cần xé đầu tiên tuy còn nhiều lỗi nhưng được cha khen nhằm động viên, khích lệ. Hiện anh Nà rất “tâm tư”, chưa biết truyền nghề cho ai, khi 2 con trai của anh cũng xa nhà học đại học và tìm việc làm. Anh Nà chia sẻ: “Xã viên, người lao động HTX toàn có tuổi. Thi thoảng, vài cháu đi học, đi làm xa về thăm nhà dịp cuối tuần, hụ hợ chẻ tre, vót nan cho vui, chớ không mặn mòi…”. Để góp phần lưu giữ và lan tỏa nét đẹp nghề truyền thống, anh Nà cũng bỏ công sức tham gia dạy nghề đan đát ngắn hạn, nâng cao tay nghề đan các mặt hàng lưu niệm bằng tre, trúc, dây nhựa tại các địa phương, với đa số học viên là phụ nữ trung niên. Vài người trẻ tham gia học nghề nhưng dở dang hoặc không làm nghề.
Hầu như các “chủ lò” tại HTX Bánh dân gian Trường Lạc, phường Trường Lạc, quận Ô Môn là phụ nữ trung niên, có “thâm niên” nghề. Chị Nguyễn Thị Tha, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Con cháu khôn lớn đi học, rồi tìm việc làm, chỉ phụ giúp làm bánh khi rảnh rỗi hay đơn hàng đặt bánh cần giao gấp, không cháu nào kiên trì theo nghề”.
Qua những câu chuyện kể, hầu hết người gắn bó, hiểu rõ giá trị làng nghề, xóm nghề đều đau đáu ước mong lưu giữ, phát triển nghề truyền thống nhưng “lực bất tòng tâm”. Để tạo sự nối tiếp các thế hệ, giúp nghề truyền thống có vị thế nhất định trong xã hội, cộng đồng, không chỉ trông chờ sự tận tụy, tận tâm với nghề của người đi trước và ý thức trân quý nghề của lớp người trẻ, mà điều kiện tiên quyết là sự quan tâm cũng như động thái tích cực phối hợp, hoạch định cụ thể, với giải pháp khả thi của các sở, ngành, đoàn thể chức năng. Ngoài yếu tố quảng bá, duy trì nét đẹp sản phẩm truyền thống bao đời, điều quan trọng là người làm nghề đảm bảo cuộc sống thoải mái, được tạo điều kiện tham quan, học hỏi, thỏa sức sáng tạo, phát huy tay nghề, nâng tầm kỹ thuật, kỹ xảo cũng như trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Như vậy, người trẻ mới có động lực gắn bó, cống hiến, góp phần phát triển, tôn vinh và không để mai một nghề truyền thống.