Từ ngày 9/11/2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 4,5% so với giá cũ. Trước bảng giá điện mới, không ít người dân, HTX lại thêm lo toan vì gánh nặng chi phí.
Tăng chi phí sản xuất kinh doanh
Thời gian gần đây, quả thanh long mất giá, khó khăn đầu ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận của các HTX cũng như thành viên, người dân. Chính vì vậy, khi nghe thông tin giá điện tăng lần thứ hai trong năm, không ít HTX trồng thanh long không khỏi choáng váng.
Ông Mai Văn Được, Giám đốc HTX thanh long GlobalGAP Khu Lê (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), cho biết tiền điện chong đèn cho thanh long ra trái vụ chiếm phần lớn trong chi phí đầu tư sản xuất và rơi vào khoảng 250.000 đồng tiền điện cho một kg thanh long, giá điện tăng sẽ kéo thêm chi phí sản xuất mỗi kg thanh long lên. Trong khi giá thanh long gần một năm nay không ổn định, thậm chí xuống thấp ở mức dưới 10.000 đồng/kg, không bảo đảm lợi nhuận cho HTX.
Còn tại HTX nông nghiệp Phú Hậu (nghệ An), với diện tích phục vụ bơm nước lên đến 10ha, chi phí cho tiền điện của HTX rất lớn. Dù đã được Nhà nước bù thủy lợi phí hơn 200 triệu đồng nhưng đến đầu tháng 10, HTX vẫn phải chi trả tiền điện đến 204 triệu đồng. Theo tính toán của Hội đồng quản trị HTX, với mức tăng giá điện như hiện nay, thì mỗi tháng, HTX phải bù thêm khoảng 5 triệu đồng vào tiền điện mới có thể đảm bảo phục vụ sản xuất cho bà con nông dân trên địa bàn. Và tính ra một năm thì đó là số tiền không hề nhỏ.
Theo đại diện các HTX với thông báo tăng giá điện lần này, người dân lo lắng một thì các HTX lo lắng mười. Trước thực tế này, các HTX đang phải tính lại kế hoạch sản xuất kinh doanh để phần nào giải quyết được với tình trạng giá điện tăng kéo chi phí sản xuất tăng theo. Trong khi trong cùng một năm đã có 2 lần tăng giá điện khiến các HTX rơi vào thế bị động.
Hơn nữa, các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất của các HTX từ đầu năm đến nay vẫn còn cao nên chỉ cần mỗi thứ tăng thêm một vài phần trăm là HTX cũng đủ ‘thấm đòn’. Quan trọng hơn là do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, sức mua của người dân giảm, kinh doanh của nhiều HTX đang khó lại càng thêm khó.
Vì những điều này mà không ít HTX đang tính toán lại quy trình sản xuất hoặc tăng giá sản phẩm từ nay cho đến cuối năm. Nhưng tăng làm sao, tăng bao nhiêu để không mất khách, sản phẩm vẫn có thể cạnh tranh trên thị trường cũng khiến không ít HTX băn khoăn. Bởi giá bán sản phẩm nhiều khi không phải HTX muốn là có thể tăng mà còn do thị trường quyết định.Và nếu tăng giá sản phẩm thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường.
Bất an những tháng cuối năm
Có thể thấy, giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của các HTX, đặc biệt là các HTX hoạt động trong các lĩnh vực sử dụng điện nhiều như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Đặc biệt nếu lần tăng điện trước đó là 3% thì lần tăng điện này lên đến 4,5% khiến cho các HTX thực sự lo lắng. Chưa bao giờ các HTX phải đối mặt cùng lúc nhiều thách thức như: chi phí sản xuất tăng nhanh, thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, hàng tồn kho lớn… Giá điện tăng trong thời điểm suy thoái kinh tế càng tạo thêm áp lực với HTX, thành viên. Điều này chẳng khác gì ‘tảng đá’ nặng đè lên vai khu vực kinh tế tập thể, HTX. Nhiều HTX như HTX chăn nuôi, HTX thủy sản trước đó gặp khó khăn do giá bán nông sản thương phẩm xuống thấp thì nay sẽ càng áp lực hơn.
Chẳng hạn như tại HTX Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản Xuân Thành (Hà Tĩnh), vụ nuôi tôm vừa qua, HTX phải chi đến 215 triệu đồng tiền điện/tháng. Khi giá điện tăng 4,5%, mỗi tháng HTX phải chi thêm khoảng gần 10 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với các thành viên.
Trước thực trạng này, ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc HTX Nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản Xuân Thành, cho biết việc tăng giá điện hiện đã là quy định chung, buộc HTX phải tuân theo. Tuy nhiên, đợt tăng giá điện này trùng với cao điểm sản xuất những tháng cuối năm của các HTX, người dân nên các HTX cũng cần nguồn điện lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, ngành điện khi đã thực hiện tăng giá thì cần đi liền với đảm bảo năng lực cung ứng, nâng cao chất lượng phục vụ để đảm bảo khả năng phát triển sản xuất của các HTX, tránh gây bức xúc cho người dân, HTX trong quá trình hoạt động.
Theo các chuyên gia, đa số các HTX hiện nay đều gặp những khó khăn nhất định, nhiều HTX phải ngừng hoạt động hoặc thay đổi dịch vụ vì thị trường thu hẹp nên việc tăng giá điện lúc này là gián tiếp tạo thêm gánh nặng. Vì thế, cần có giải pháp hỗ trợ HTX kịp thời như tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay, giảm tải thủ tục hành chính, hỗ trợ kết nối thị trường, xúc tiến thương mại… để các HTX vượt qua được áp lực giá điện, tập trung vào sản xuất kinh doanh. Từ đó cân đối được tài chính, đảm bảo được đời sống cho thành viên, người lao động.
Bên cạnh đó, nếu về lâu dài, giá điện cứ tiếp tục tăng thì HTX càng khó phát triển sản xuất, tái đầu tư. Trong khi lạm phát, bất ổn chính trị đang dẫn đến các dự báo làm tăng các chi phí đầu vào cho sản xuất. Khi đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX không thể làm tròn nhiệm vụ cùng với kinh tế nhà nước đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
PGS.TS. Mai Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, cho biết ảnh hưởng của giá điện tới một số lĩnh vực và các đối tượng sản xuất kinh doanh đã được ngành chức năng tính toán. Tuy nhiên, dù tăng ít hay tăng nhiều thì việc tăng giá điện sẽ kéo theo chi phí đầu vào của HTX sản xuất tăng. Đặc biệt thời điểm này đang là giai đoạn cuối năm nên việc các HTX lo lắng là hoàn toàn có cơ sở. Nếu việc tăng giá điện cứ tiếp tục diễn ra sẽ khiến HTX e dè trước vấn đề đầu tư máy móc, công nghệ. Vì đối với HTX việc đầu tư công nghệ đã khó việc duy trì, “nuôi” được hệ thống máy móc, công nghệ còn khó hơn.