Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã, không đùn đẩy trách nhiệm với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách.
Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8 mới diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Theo Phó Thủ tướng, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sau khi được các Hội Nông dân hỗ trợ thành lập, đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng. Nhiều HTX đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy vậy, các HTX còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam khẩn trương tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường. Để thực hiện yêu cầu này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Hai là, đề nghị Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều HTX, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp. Đến năm 2030, cả nước sẽ có 140.000 tổ hợp tác, 45.000 HTX với 2 triệu thành viên.
Ba là, đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, Bộ NN-PTNT và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”.
Theo đó, các nội dung đề án phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực của xã hội. Đồng thời, phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích những cách làm mới, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Bốn là, đối với các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đại diện các HTX đã nêu lên tại diễn đàn; không đùn đẩy trách nhiệm với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách về hợp tác xã.
Năm là, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể. Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, HTX ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương.
Sáu là, cần tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức kinh tế tập thể do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.
Xây dựng cơ chế, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ tri thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong xây dựng chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế.
Bảy là, các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị; các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Hội Nông dân Việt Nam cần duy trì hoạt động tổ chức diễn đàn, tạo thành sân chơi bổ ích cho người nông dân trong việc chia sẻ, đề xuất các kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh; đồng thời nêu những đề xuất, kiến nghị để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành, địa phương kịp thời có giải pháp, chính sách tháo gỡ.