Ông Giám đốc giúp HTX thu lãi hàng tỷ mỗi năm nhờ lối tư duy làm ăn phải thật thà, ‘chịu thiệt’

Xưa nay, không ít người có quan niệm làm kinh tế giỏi là phải khôn ngoan, lanh lợi, quyết đoán mới nhanh giàu. Tuy nhiên, ở Hưng Yên có một vị giám đốc HTX làm kinh tế rất giỏi, với lối tư duy “làm ăn muốn thu lợi nhuận tốt phải biết thật thà, chịu thiệt”. Cũng chính lối tư duy “độc lạ” này đã giúp ông từng bước đưa HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (xã Tân Hưng, TP Hưng Yên) trở thành một trong những HTX top đầu của tỉnh.

Giữa cái nắng nóng, oi ả cuối tháng 7 của miền quê vùng Đồng bằng sông Hồng, dọc theo triền đê khoảng 5km từ trung tâm TP Hưng Yên, chúng tôi tìm đến thôn Quyết Thắng hỏi thăm nhà ông Trần Văn Mý – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng. Thật ngạc nhiên, từ đầu làng cuối xóm, già trẻ, lớn bé không ai là không biết ông Mý – người đàn ông “giàu” nhất làng

Chất lượng là tiêu chí đầu tiên

Căn nhà của ông Mý nằm trong con ngõ nhỏ, tường bao cũ với hàng gạch xây nguyên vữa không trát xi, rêu phong cùng năm tháng. Trong căn nhà cổ ba gian các cụ để lại, mọi thứ đều giản dị, đơn sơ như chính chủ nhân của nó.

Giám đốc Trần Văn Mý (áo trắng) giới thiệu quy trình sản xuất nhãn sạch của HTX Quyết Thắng.

Tiếp đón chúng tôi là một người đàn ông trung niên, dáng người dong dỏng, làn da rám nắng, bàn tay gân guốc, dáng đi nhanh nhẹn, khuôn mặt mang vẻ chân chất của một lão nông thuần túy với nụ cười tươi tắn, cùng giọng nói sang sảng thân thiện kể những câu chuyện hết sức mộc mạc về quá trình làm kinh tế của HTX.

Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, ông Mý cho biết, HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng được thành lập từ năm 2017, đến nay có 17 thành viên, sở hữu khoảng 40ha vườn nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 30ha nhãn đã được cấp mã vùng xuất khẩu.

Năm 2019, HTX đã ký kết hợp đồng với hãng hàng không Vietnam Airlines, sản phẩm nhãn của HTX đã có mặt trên các chuyến bay từ nội địa đến quốc tế, trở thành món tráng miệng thơm ngon, phục vụ hành khách trong mỗi chuyến bay. Năm 2021, HTX là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tham gia xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhãn sang các nước châu Âu, tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn 30 tấn nhãn xuất khẩu được bán với giá 60.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu khoảng 1,8 tỷ đồng cho HTX .

Trên thị trường nội địa, nhãn và các sản phẩm từ nhãn của HTX Quyết Thắng được tiêu thụ mạnh ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tại các siêu thị lớn, các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, nhãn và các sản phẩm từ nhãn của HTX đã và đang có mặt trên các kệ hàng góp phần đa dạng các sản phẩm thực phẩm sạch, phục vụ người tiêu dùng thông minh.

Giống nhãn Hương Chi, T6 siêu ngọt hiện đang được trồng tại vườn nhà ông Mý có chất lượng thơm ngon đặc biệt. Với đặc điểm cùi dày, mềm, vỏ mỏng, dóc hạt, hương thơm tự nhiên, vị ngọt thanh, chùm sai quả, thương hiệu nhãn của HTX Quyết Thắng làm “ngọt lòng” bất cứ thực khách nào mỗi khi được thưởng thức.

Ông Mý cho biết, để đạt chất lượng cho xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa, ông luôn tuân thủ và yêu cầu các thành viên HTX thực hiện quy trình sản xuất sạch hướng tới hữu cơ vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm lại không gây ô nhiễm môi trường, không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng và người sản xuất.

“Muốn tạo ra sản phẩm nhãn chất lượng, người sản xuất phải luôn thật thà, cẩn trọng trong từng công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, làm vườn”, ông Mý nói.

Không chỉ trồng nhãn chất lượng, ông Mý còn rất năng động, linh hoạt tìm tòi, sáng tạo trong khâu tổ chức tiêu thụ nhãn cho các thành viên và các hộ liên kết trên địa bàn xã. Theo ông Trần Văn Pháp – Phó Giám đốc HTX, mỗi mùa vụ, HTX đứng ra thu mua, tiêu thụ khoảng 30% sản lượng thu hoạch cho các hộ thành viên với giá cao hơn giá thu mua ngoài thị trường khoảng từ 5.000-7.000 đồng/kg nhãn.

Vì sao HTX chỉ hỗ trợ tiêu thụ được 30% lượng sản phẩm cho các thành viên? Ông Pháp cho biết, vì HTX chỉ thu mua nhãn có chất lượng cao, đảm bảo quy trình sản xuất sạch, đồng đều về kích cỡ, độ tươi ngon trong từng quả nhãn, là hàng loại một, mẫu mã đẹp. 70% còn lại, các thành viên bán cho các thương lái, đây cũng là một trong những kênh tiêu thụ tương đối hiệu quả.

Mùa vụ năm 2022 vừa qua, tổng sản lượng nhãn của HTX đạt khoảng trên 100 tấn, tổng doanh thu lên tới 3,5 tỷ đồng, HTX tham gia thu mua cho các thành viên khoảng 30 tấn, với số tiền ngót nghét 1 tỷ đồng.

“Chịu thiệt” để hút khách

Những năm gần đây, để đẩy mạnh tiêu thụ, hạn chế sức ép lúc cao điểm nhà nhà ồ ạt thu hoạch nhãn, Giám đốc Trần Văn Mý đã mạnh dạn tiên phong mở thêm mảng hoạt động du lịch sinh thái cho khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại vùng trồng cây đặc sản lâu năm của địa phương. Loại hình du lịch này thu hút khá nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Ông Mý cho hay, du khách vào vườn không phải đóng góp bất cứ chi phí nào, được tham quan, trải nghiệm và trực tiếp hái nhãn ăn thoải mái. Mỗi năm ước tính có đến 15-17 lượt đoàn khách với 300-400 du khách ghé vườn nhãn, sau khi trải nghiệm sản phẩm thấy ngon, khách thường mua về làm quà biếu. Sản lượng nhãn tiêu thụ qua kênh này mỗi mùa vụ đạt khoảng 15% tổng sản lượng thu hoạch, thu về khoảng hơn 500 triệu đồng.

Cho khách vào vườn ăn thoải mái như vậy, không thu một đồng phí nào, ông có sợ lỗ không? Ông Mý nói một cách rất quả quyết: “Đã xác định làm kinh tế phải biết đầu tư, biết chịu thiệt. Chúng tôi đang trong quá trình quảng bá thương hiệu, mong mỗi du khách đến với vườn nhãn “quần nát” vườn. Càng nhiều khách du lịch đến và mang nhãn ra khỏi vườn, thương hiệu nhãn đặc sản Hưng Yên ngày càng có tiếng vang xa”.

Ông Mý chia sẻ, nhiều du khách ăn xong thấy ngon mua về, cũng có khách ăn xong thấy ngon xin tiếp một chùm, mà mỗi chùm to có đến hàng trăm quả, lên đến cả cân, nhưng ông vẫn thoải mái mời khách nếm thử. Quan điểm của ông là làm thương hiệu phải biết “chịu thiệt”.

Bên cạnh nguồn thu từ bán nhãn, HTX còn có các sản phẩm phụ như mật ong, long nhãn. Sản lượng của các sản phẩm này mỗi năm khoảng 1-2 tấn, với giá bán 140.000 đồng/kg, thu về khoảng 140 -280 triệu đồng cũng phần nào bù đắp chi phí cho hoạt động du lịch trải nghiệm tại vườn nhãn.

“Ví thử, nếu như khoản thu này không đủ bù đắp, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận vì chúng tôi đang trong quá trình phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm lan rộng các vùng miền, tôi chấp nhận sẵn sàng chịu thiệt miễn sao du khách hài lòng tiếp tục quay trở lại, hoặc giới thiệu với bạn bè, người quen tham quan, mua nhãn”, ông Mý nói.

Ông Trần Văn Hiếu – Kiểm soát viên HTX cho biết, du lịch sinh thái tham quan trải nghiệm vườn nhãn đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, từ mô hình vườn nhãn nhà Giám đốc, HTX đặt ra yêu cầu xem xét nhà vườn phải hội đủ các điều kiện, thứ nhất nhãn phải đảm bảo chất lượng, thơm ngon, mẫu mã đẹp. Thứ hai, chủ vườn phải mến khách, tiếp đón khách niềm nở, sẵn lòng chịu thiệt, cho khách ăn thử thoái mái không được tiếc thì HTX mới đưa khách vào vườn nhà đó. Hiện tại, ngoài vườn nhà ông Mý, HTX đang triển khai đưa thêm 2 – 3 vườn của các thành viên khác vào hoạt động.

Phương châm của ông Mý là kinh doanh du lịch muốn thành công trước hết phải mến khách, sẵn sàng chịu thiệt. Phát triển bất cứ loại hình nào cũng phải cẩn trọng từng bước, chậm cũng được, làm đến đâu chắc đến đó, không làm ồ ạt, dễ mất thương hiệu.

Không dừng lại ở phát triển cây ăn quả đặc sản, HTX còn phát triển thêm dịch vụ nuôi cá lồng trên sông. Phát huy thế mạnh vùng nước sông Hồng, sau 4 năm đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi thủy sản từ các địa phương có thế mạnh, Giám đốc Trần Văn Mý quyết định hướng HTX phát triển theo ngành nghề mới là nuôi thủy sản. Thời điểm đầu, hồi năm 2020, HTX phát triển mô hình nuôi cá trong 20 lồng gồm các loại: cá chép, trắm, lăng, rô phi, diêu hồng… với sản lượng mỗi lồng cho thu hoạch 10 tấn cá/năm. Đến nay, HTX sở hữu 60 lồng cá, tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 600 tấn mỗi năm, doanh thu đạt 36 tỷ đồng.

Bên cạnh doanh thu bán cá, HTX cũng đồng thời phát triển du lịch sinh thái cho khách thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông những ngày hè nắng nóng, trải nghiệm câu cá, các sản phẩm cá tươi được chế biến trực tiếp tại khu vực nhà bè nơi đặt trực tiếp các lồng cá. Sản phẩm du lịch đã hấp dẫn nhiều du khách trong nước và khách nước ngoài đến trải nghiệm, tuy nguồn thu chưa lớn nhưng cũng góp phần gợi mở hướng đi mới cho HTX.

Chưa dừng lại ở đó, ông Mý còn dẫn dắt HTX tham gia trồng cây dược liệu cung cấp cho một công ty dược với cam kết thu mua sản phẩm đầu ra ổn định, đảm bảo người trồng luôn có lợi nhuận. Ban đầu, HTX bắt tay trồng thử nghiệm cây địa hoàng trên 2ha. Thực tế hai năm qua cho thấy, vườn địa hoàng nếu được chăm sóc tốt trong 6 tháng sẽ cho thu hoạch 1 lần, hiệu quả kinh tế đạt 20 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, ông Mý còn khuyến khích các thành viên nuôi gà… cung cấp thêm sản phẩm phụ cho dịch vụ du lịch, sao cho khách đến với Tân Hưng được ăn nhãn ngon, gà sạch, cá tươi…

“Được đón tiếp niềm nở, phục vụ tận tình chu đáo, khách sẽ nhớ tới chúng tôi. Và Tân Hưng sẽ trở thành điểm đến hàng năm của du khách mỗi khi có nhu cầu trải nghiệm”, ông Mý nói.

Khi được hỏi sau bao năm lăn lộn, theo ông, bí quyết thành công để thắng trong kinh doanh là gì? Chia sẻ hết sức cởi mở, ông Mý cho rằng làm sản xuất, kinh doanh, điều đầu tiên thật cần thiết là phải có cái tâm, luôn thật thà, thẳng thắn, tuân thủ đúng quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng.

“Hàng ngon bảo ngon, chưa đạt chuẩn phải thẳng thắn thừa nhận, tìm cách rút kinh nghiệm nghiên cứu phương pháp đưa ra sản phẩm tốt nhất. Có sản phẩm tốt rồi, phải biết quảng bá trên mọi phương diện, tận dụng sự phát triển của mạng lưới truyền thông, công nghệ, mạng xã hội để nhiều người biết đến. Làm thương hiệu, không ngại chi phí bỏ ra ban đầu, chấp nhận chịu thiệt, mời khách hàng thử sản phẩm, khi có thương hiệu rồi người bán và khách hàng phải tin tưởng lẫn nhau”, ông Mý “bật mí”.

Bán hàng bằng “niềm tin”

Chị Trần Thị Phương – một thành viên HTX chia sẻ: “Ông Giám đốc HTX có cách bán hàng lạ lắm, nhiều khi khách ở đâu gọi điện thoại đặt hàng bảo ông ấy chuyển đi tỉnh này, tỉnh khác, có những đơn hàng lên đến vài triệu đồng, ông cũng không cần thu tiền trước. Lạ thay, bao năm qua, bán hàng online, bán hàng qua điện thoại cho những khách chưa biết mặt, doanh số thu được có khi lên đến hàng trăm triệu đồng dù không thu tiền trước nhưng chưa bao giờ ông bị lừa mất nghìn nào”.

Rồi câu chuyện do chính ông Mý kể: Ba năm trước, con trai ông bị gãy chân phải ra một bệnh viện trên Hà Nội mổ gấp. Ông lên chăm con, mang nhãn vào biếu các bác sỹ trong khoa và các bệnh nhân cùng phòng điều trị bệnh với con mình. Trong mỗi túi quà, ngoài trái nhãn đặc sản cây nhà lá vườn, ông đều kèm theo một chiếc card visit. Và thế là từ đó, năm nào ông cũng có nguồn khách hàng là các bác sỹ tại bệnh viện này, lượng hàng được đặt qua đơn có khi lên đến vài tạ mỗi vụ.

Thật lạ trong cách làm thương hiệu của ông Giám đốc HTX Quyết Thắng vừa có cái gì đó chân chất của người nông dân, vừa mang tính thức thời với tư duy một nhà kinh doanh có tài nhạy bén, biết nắm bắt thời cơ một cách mau lẹ. Trong con người có nước da ngăm ngăm, mảnh khảnh ấy còn nhiều lắm những trăn trở hoài bão với khát khao mang lại đời sống khá giả cho các thành viên HTX, các hộ nông dân trong vùng, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, thịnh vượng.

Chia tay vị Giám đốc của nông dân, trong tôi gợi lên nhiều cảm xúc. Đó là, sự thành công luôn bắt nguồn từ những điều đơn giản, nhưng nhận ra những điều đơn giản và vận hành nó đem lại hiệu quả hẳn phải có một tấm lòng. Những đau đáu, trăn trở về lĩnh vực mình hoạt động mới đem lại thành quả cho bản thân và ban tặng trái ngọt cho cuộc đời.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang