Hưng Yên

Rời bục giảng để lăn lộn với thương trường, người phụ nữ trẻ tài năng Lý Thị Hà từng bước khởi nghiệp từ chiếc xe thồ, trở thành người dẫn dắt tài tình đưa HTX Rau củ quả Văn Giang vững bước. Không những thế, chị còn giúp bao tiêu sản phẩm cho nhiều HTX, nhiều nông dân ở một số tỉnh thành, trở thành nữ “kiện tướng” kinh doanh nông sản với lượng tiêu thụ 60 tấn quả, 15 tấn rau, củ mỗi tháng, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm cho HTX.

Một buổi sáng trung tuần tháng 8, phóng viên VnBusiness đến thăm khu vực sản xuất của HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang (thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Trong căn lán tạm của một nhà vườn trồng ổi, một người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt sắc sảo, thần thái toát lên vẻ nhanh nhẹn, luôn tay thoăn thoắt phân loại ổi, chia từng bao tải để đưa lên xe vận chuyển tới từng khách hàng. Đó chính là chị Lý Thị Hà – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX.

Giàu lên nhờ tham gia HTX

Chị Hà hồ hởi nói: “Sáng nào, mình cũng ở vườn, lo việc thu gom, phân phối sản phẩm cho các thành viên, kịp mang hàng cho tươi ngon”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Lý Thị Hà giúp thành viên HTX phân loại, đóng gói ổi để kịp giao đến khách hàng.

Năm 2017, HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang chính thức đi vào hoạt động, đến nay có 24 thành viên tham gia, diện tích canh tác khoảng trên 48 ha chuyên trồng ổi (giống ổi lê Đài Loan), cam (giống Vinh, đường Canh).

Những năm qua, HTX đã mang đến người tiêu dùng những sản phẩm rau, củ, quả an toàn, chất lượng. Đặc biệt, sản phẩm ổi, cam là một trong những loại quả tạo nên thương hiệu cho HTX, được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm được chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường bình quân 1-2 tấn quả, trên 5 tạ rau, củ.

Vừa nhặt hàng, vừa nhận thêm đơn của khách đặt, chị Hà hối hả điều phối hoạt động của HTX, không chút mệt mỏi. Sau khi sản phẩm đã chất lên xe, chị dẫn chúng tôi đi tham quan một vài nhà vườn của các thành viên. Dọc theo trục đường chính đổ bê tông, hai bên là những vườn cây xanh mướt lúc lỉu những trái cam, ổi.

Tại một vườn cam bạt ngàn quả xanh, mỗi quả tương đương một nắm tay, anh Đỗ Văn Hiệp – thành viên HTX đang phun thuốc bảo vệ thực vật. Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, anh Hiệp cho biết tham gia HTX ngay từ những ngày đầu thành lập. “Trước kia nhà tôi nghèo lắm, trồng cam chưa có kinh nghiệm, năng suất kém, cam bán ra giá rẻ mạt, chi phí sản xuất nhiều, lãi lời không được bao nhiêu. Mỗi vụ cam, thương lái vào vườn cắt trả có 10 – 15 ngàn mỗi cân. Thời điểm 10 năm trước, gia đình quanh năm ăn đong, làm lụng vất vả mà đời sống vẫn chật vật. Nhưng từ khi vào HTX, được phổ biến kỹ thuật chăm sóc cây, được hỗ trợ vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, cuộc sống đã khác hẳn, không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để”, anh Hiệp vui vẻ kể.

Nhờ HTX bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra, với diện tích canh tác 1 mẫu cam, 8 sào ổi, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Hiệp thu lãi khoảng 200-250 triệu đồng/năm.

Không chỉ có hộ anh Hiệp, mà nhiều gia đình khác cũng khấm khá từ khi trở thành thành viên HTX. Điển hình là gia đình ông Đinh Tiến Hạnh – một trong những thành viên có kỹ thuật chăm bón tốt, chất lượng quả của vườn nhà ông gần như ngon nhất HTX.

Ông Hạnh cho hay, với vườn cam rộng 1,5 ha mỗi năm cho thu 40-50 tấn, 1 ha ổi khoảng 18-20 tấn. Trước khi vào HTX, mỗi mùa vụ, thương lái vào vườn mua rẻ chỉ 10 – đến 13 ngàn đồng/kg cam, 7 – 10 ngàn/kg ổi, cả năm chỉ cho lãi 70-90 triệu đồng.

“Nhiều khi vào vụ, chi tiêu sinh hoạt hết, chẳng còn tiền, lại chạy vạy vay mượn để mua phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư sản xuất. Nhưng từ khi vào HTX, vật tư đầu vào được trợ giá, chúng tôi được mua rẻ hơn so với thị trường từ 20-30% giá bán. Thiếu tiền đầu tư, HTX cho vay lãi suất rất thấp. Khi thu hoạch, chúng tôi yên tâm vì có HTX bao tiêu hết loạt sản phẩm với giá cao hơn thị trường có khi tới 2.000 đồng/kg cam, 1.000 đồng/kg ổi. Bán cho HTX, trừ đi chi phí, mỗi năm nhà tôi thu khoảng 270-300 triệu đồng, cuộc sống sinh hoạt nhờ đó dễ chịu hơn trước”, ông Hạnh chia sẻ.

Tất cả các thành viên HTX đều yên tâm sản xuất, bởi người đứng đầu HTX là nữ giám đốc tuổi trẻ, tài cao, luôn quan tâm hỗ trợ các thành viên nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thương hiệu, từ đó nâng cao thu nhập cho mỗi thành viên.

Theo lời kể của các thành viên, chị Hà là Giám đốc nhưng chịu khó không khác nào nông dân, chị xuống vườn cùng bà con, tận tình hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu hái, phân loại quả đem tiêu thụ cho bà con. “Nắng mưa, sương gió chẳng việc gì khiến chị ngại ngần, người nhỏ nhắn mà bưng bê xốc vác chẳng kém thanh niên”, một thành viên nói.

Khởi nghiệp từ chiếc xe thồ đến “kiện tướng” bán buôn trong “làng nông sản”

Được biết, người phụ nữ đứng đầu HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang xuất phát điểm là một cô giáo, đã từng có 4 năm đứng trên bục giảng nắn từng nét chữ cho các em nhỏ lứa tuổi chập chững đến trường. Tuy nhiên, trước những áp lực kinh tế, chị Hà buộc phải xa rời mái trường để bắt đầu khởi nghiệp trên con đường thoát nghèo cho bản thân và cho hàng chục hộ gia đình sau này.

Trải lòng về thời điểm đầu làm kinh tế, chị Hà kể, xác định “phi thương bất phú”, chị đi buôn với chút vốn liếng ít ỏi, kinh nghiệm chưa có, đi khắp nơi nhập hàng, thử buôn đủ loại hàng từ quần áo, đồ gia dụng, giày dép… nhưng chẳng có mặt hàng nào thành công.

Nhiều lúc chán nản muốn bỏ cuộc, sau chị quay về quê hương, ngẫm quê mình nhiều mặt hàng nông sản, sao mình không tiêu thụ cho bà con nông dân?. “Nghĩ sao làm vậy, tôi vào các vườn thu mua khi thì rau, lúc lại củ quả, lượm nhặt mỗi thứ một chút mang ra chợ bán. Lãi không được bao nhiêu, mà nhiều lúc tôi còn bán lỗ, vì bán lẻ người ta tính từng cân từng lạng mà tôi bán kiểu 1, 2 cân tính 1 cân, chỗ lẻ thì khuyến mãi! Bán hàng xởi lởi nên rất đông khách mua, nhưng xởi lởi quá sinh lỗ!”, chị Hà nhớ lại những ngày tháng long đong.

Rồi chị “vắt tay lên trán” nghĩ, khách đông chứng tỏ mình có duyên buôn bán. Giờ làm thế nào có lãi, một ý nghĩ lóe lên, bán sản phẩm thường giá rẻ không được là bao nên chị quyết định chuyển sang bán hàng chất lượng. Và thế là chị đi tìm những vườn trồng rau quả ngon, sạch thu gom bán ra thị trường hướng tới khách hàng thu nhập khá.

Dấu mốc tạo nên bước phát triển đột phá của chị Hà là cuối năm 2015, đầu năm 2016, tại Ecopark đã diễn ra một hội chợ triển lãm hàng nông sản, thực phẩm. Nhận thấy cơ hội chào hàng, chị điều khiển xe thồ, hai bên sọt đựng hàng trăm túi quà, mang ra đứng ở cổng hội chợ tặng cho khách đến thăm quan. Trong mỗi túi quà có vài quả ổi, cam và một tấm card visit mang tên “Nhà vườn Thu Hà”.

Hai ngày hội chợ diễn ra, chị đứng đủ 2 ngày tặng quà, tổng hết gần 400 túi quà, chi tới 5 triệu đồng với hy vọng khách ăn thấy ngon sẽ hồi âm, đặt mua sản phẩm.

Ngày đầu tiên, khoảng chục người hồi đáp, ngày thứ hai may mắn gặp một chị tên là Uyên rất hiểu biết về kinh doanh – người sau này đã gợi ý cho chị Hà thành lập HTX.

“Thấy con bé đen nhẻm, gầy gò, thồ chiếc xe đầy ắp hàng, chị Uyên sau khi được tặng hàng, mua ủng hộ tôi 10 cân cam, ổi. Sau đó, do thấy ngon, buổi chiều chị quay lại mua thêm 25 cân để làm quà biếu. Và chị đã trở thành khách quen của tôi từ đó đến nay. Hai buổi hội chợ đó cũng đã mang lại cho tôi gần 30 khách hàng “ruột” đến từ Hải Phòng,Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội… Lượng khách bán cho các mối ruột này hàng năm lên tới hàng tấn. Nhiều khách hàng quen mua của tôi 5-7 năm nay, giờ chỉ quen tên, bán mua qua cuộc điện thoại chứ chưa biết mặt”, chị Hà kể.

Chị Hà chia sẻ, rất biết ơn chị Uyên – người đã gợi ý về việc nên kinh doanh ở quy mô lớn: “Chị Uyên từng bảo với tôi rằng sao có hàng chất lượng mà không thành lập công ty để tạo thương hiệu cho mình? Tôi hỏi muốn làm thương hiệu phải làm gì thì chị nói phải thành lập công ty. Gợi ý đó một lần nữa khiến tôi trăn trở, và một năm sau, khi quyết tâm thành lập công ty cũng là lúc chính quyền huyện Văn Giang chủ trương khuyến khích thành lập HTX. Tìm hiểu Luật HTX, nguyên lý hoạt động, thấy được tính nhân văn của HTX trong việc hỗ trợ các thành viên, tôi quyết định đứng ra kêu gọi thành lập HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang”.

Trải bao khó khăn, giờ HTX có vị thế tương đối vững chắc. Không những bao tiêu đầu ra sản phẩm của các thành viên, chị Hà còn liên kết, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho một số HTX, hộ nông dân ở một số tỉnh, thành thông qua việc đảm nhiệm cung cấp 10 ngàn suất ăn mỗi ngày cho các bếp ăn tập thể. Lượng nông sản xuất bán của HTX và kênh liên kết tiêu thụ nhờ một tay chị Hà đưa ra thị trường bình quân khoảng 60 tấn quả, 15 tấn rau củ mỗi tháng. Sản phẩm rau củ quả của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh… đã và đang chiếm được lòng tin, sự yêu thích của người tiêu dùng. Nhiều người đã gọi chị là “kiện tướng” bán buôn trong “làng nông sản”.

Năm 2021, giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, mọi hoạt động giao thương, đi lại của người dân bị thắt chặt gây áp lực không nhỏ trong việc tiêu thụ hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng. Khắc phục khó khăn, chị Hà đã cùng Hội đồng quản trị HTX đẩy mạnh tiêu thụ thông qua các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, trang Facebook, Zalo… Nhờ vậy, hàng hóa của HTX được tiêu thụ tốt. Bên cạnh đó, chị còn hỗ trợ nông dân ở tỉnh Bình Thuận tiêu thụ trên 40 tấn thanh long, trên 30 tấn dưa hấu cho Bắc Giang, trên 30 tấn nhãn của huyện Khoái Châu…

Bình quân doanh thu của HTX đạt gần 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng.

Không vì mối lợi mà làm mất chữ tín

Để người phụ nữ sắc vóc nhỏ nhắn làm được những điều lớn lao, tiêu thụ lượng hàng khủng mỗi tháng, một trong những tiêu chí để sản xuất kinh doanh thành công như ngày hôm nay được chị Hà hết sức chú trọng đó chính là “chữ tín”.

Chị chia sẻ, đã có đơn vị muốn ký hợp đồng mua bán với HTX lượng hàng tiêu thụ mỗi ngày 1 tạ nông sản nhưng thực tế lại cam kết với khách hàng rằng lượng hàng lấy từ HTX là 1 tấn. Dấu hỏi đặt ra là 9 tạ hàng kia, họ lấy nguồn gốc từ đâu? Dù đơn vị này trả giá rất cao cho 1 tạ sản phẩm để lấy thương hiệu của HTX nhưng chị Hà vẫn thẳng thắn từ chối.

Theo quan điểm của chị Hà: “Tên mặt hàng gắn với HTX, cũng chính là gắn với thương hiệu của tôi. Tôi không thể vì mối lợi nhỏ trước mắt đồng ý cho họ làm ăn nhập nhèm mất hết uy tín của mình, của HTX”.

Có thể nói, những thành công của HTX Rau củ quả an toàn Văn Giang có được ngày hôm nay phần lớn đến từ những hỗ trợ của các ban ngành liên quan của huyện Văn Giang từ các cơ chế chính sách, thông thoáng, giúp HTX kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho HTX nói riêng và kinh tế tập thể nói chung có những bước tiến phát triển. Đặc biệt trong năm qua, Liên minh HTX tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ cho các thành viên của HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với mức lãi suất thấp để các thành viên yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Về phía HTX, thành công trong sản xuất kinh doanh của HTX thời gian qua có sự nỗ lực không nhỏ của Ban quản trị cũng như các thành viên, tất cả đều làm tốt vai trò của mình, tạo sự gắn kết bền vững giữa HTX và thành viên thấy rõ vai trò “bà đỡ”, tính nhân văn, sự gắn kết, tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên và Ban quản trị.

Chị Hà chia sẻ, thời gian tới, HTX chú trọng phát triển sản phẩm chất lượng cao hướng tới sản xuất an toàn hơn, tạo chất lượng nông sản ngày càng ngon, sạch, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường ngày càng thông minh. “Muốn làm được điều này, quan trọng là tất cả các thành viên, Ban quản trị phải hết sức đồng lòng trong việc tạo ra một quy trình sản xuất, kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm. Ban quản trị phải làm việc một cách nỗ lực, sáng tạo, nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường từ đó đưa ra định hướng phát triển đúng đắn”, chị giãi bày.

Rời vườn cam, chúng tôi tin vài năm sau trở lại nơi đây, sắc xanh của ổi, sắc vàng của cam sẽ ngập tràn đất Văn Giang bởi người phụ nữ lăn lộn xuống ruộng với dân, thu hái phân loại, nâng niu từng thứ rau, củ quả đem tiêu thụ cho dân, cùng những trăn trở sao cho bán giá có lợi nhất, giải quyết những đau đáu về sự vất vả một nắng hai sương của những bà con trên mảnh đất quê hương mình sẽ tạo nên những bước tiến nhảy vọt cho HTX. Cũng chính từ đó, thức quà thơm ngon, dịu ngọt của quê hương Văn Giang sẽ vươn xa đến khắp mọi miền đất nước.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Mặc dù đã chính thức bước vào giai đoạn chính vụ nhưng “thủ phủ” nhãn lồng Hưng Yên những ngày gần đây vẫn bao trùm một bầu không khí trầm lắng. Năm ngoái, cũng vào thời điểm này, men theo các tuyến đường làng, từng đoàn xe tải, xe máy của các thương lái từ các tỉnh thành khắp nơi trên cả nước nối đuôi nhau đến tận nhà vườn thu mua nhãn. Năm nay, thương lái, doanh nghiệp vẫn vào vườn nhưng không dồn dập, thị trường mua bán so với mọi năm kém sôi động.

Năm nay, vùng nhãn Hưng Yên đối mặt với bất lợi, trời không chiều lòng người, thời tiết khắc nghiệt đã khiến người dân đất nhãn thất thu nặng.

“Trời” không chiều lòng người

Chia sẻ với phóng viên VnBusiness bằng chất giọng trầm buồn, bà Trần Thị Bắc – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu (xã Hồng Nam, TP Hưng Yên) cho biết, năm nay, nhãn ra hoa bạt ngàn, đáng ra sẽ cho vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, cũng chính thời điểm đó đã xuất hiện một đợt mưa kéo dài, trong đó 2 ngày có mưa a xít đã làm hỏng gần hết lượng hoa vừa trổ bông. Nhãn không đậu quả gây thiệt hại tới 60- 70% sản lượng dự kiến thu hoạch.

Thời tiết bất lợi ảnh hưởng lớn tới sản lượng nhãn lồng Hưng Yên năm nay, chỉ một số ít nhà vườn có kinh nghiệm vẫn đạt được tỷ lệ ra hoa, đậu quả như bình thường.

HTX nhãn lồng Nễ Châu được thành lập từ năm 2016, đến nay có 37 thành viên, diện tích canh tác trên 20 ha, bình quân mỗi năm thu 300 tấn nhãn. Sản lượng nhãn tiêu thụ tại thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu đã mang lại nguồn thu lớn cho các thành viên.

Tuy nhiên, theo bà Bắc, năm nay, ước tính lượng nhãn thu hoạch của cả HTX chỉ xấp xỉ trên dưới 80 tấn. Vườn nhãn nhà bà cũng thiệt hại nặng nề bởi thời tiết, gây thất thu tới 65% sản lượng thu hoạch theo dự kiến.

Thời tiết khắc nghiệt cũng khiến HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (xã Tân Hưng, TP Hưng Yên) thất thu. Nếu như hàng năm, với 40 ha diện tích canh tác, lượng nhãn thu hoạch đạt hàng trăm tấn thì năm nay chỉ còn khoảng 90 tấn.

Không chỉ chịu áp lực từ “ông trời”, thị trường nhãn với sức ép lớn như yếu tố cung vượt cầu, giá cả xuống thấp trong khi nhãn Hưng Yên chất lượng tốt lúc nào cũng cao hơn mặt bằng chung của những loại nhãn thường trên thị trường tới 10 giá cũng phần nào ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm.  

Áp lực thừa cung và hàng “đội lốt”

Những năm gần đây, nhiều địa phương trên cả nước phát triển vùng trồng nhãn với lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng như Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Đắk Lắk… Một số nơi có diện tích vùng trồng lớn áp đảo như Sơn La, đưa ra thị trường sản lượng tiêu thụ rất lớn. Tại Sơn La, có những hộ gia đình thu hoạch thu tới 300 tấn nhãn/vụ – tương đương sản lượng của một HTX nhỏ ở Hưng Yên. Sự phát triển bùng nổ vùng trồng tại nhiều địa phương đã khiến thị trường nhãn cung vượt cầu, giá nhãn sụt giảm mạnh.

Theo ông Trần Ngọc Hoa – Phó Giám đốc HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, nếu như cách đây 5 năm, nhãn thu mua tại vườn có giá 30 – 40 ngàn đồng/kg, thì 2-3 năm trở lại đây giảm sâu. Như năm ngoái, giá nhãn chính vụ dao động trong khoảng từ 15 – 25 ngàn đồng/kg. Trong khi giá vật tư đầu vào, giá nhân công ngày càng tăng, mà giá bán thấp khiến lợi nhuận của người trồng nhãn thu được không cao như trước.

Ông Hoa cho biết, HTX vừa ký kết hợp đồng với một chủ vựa nhãn tại Hà Nội chuyên giao hàng cho các siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và các chợ lớn. Giá của HTX đưa ra là 25 ngàn đồng/kg, chi phí vận chuyển HTX tự chịu, trừ mọi chi phí xăng xe, nhân công vận chuyển, hao hụt trọng lượng của quả nhãn tươi, giá bán còn lại chỉ khoảng 23 ngàn đồng/kg. Giá này tương đương với năm ngoái, vậy mà vẫn bị khách chê cao, vì nhập nhãn Sơn La chỉ với giá 12 ngàn đồng/kg.

“Đương nhiên, về chất lượng, nhãn Hưng Yên vẫn có những thế mạnh, đặc trưng riêng về độ thơm ngon mà nhiều loại nhãn khác không thể sánh bằng. Song, có một thực tế là không ít người tiêu dùng vẫn ham rẻ, thích mua những loại nhãn có giá thấp hơn”, ông Hoa cho hay.

Điều đáng nói là thương hiệu nhãn Hưng Yên hiện đang bị không ít tiểu thương vì mối lợi trước mắt đã không ngại nhập nhèm nguồn gốc, trà trộn các loại kém chất lượng, mạo danh nhãn Hưng Yên bán tràn lan trên các tuyến đường ở thị trường lớn Hà Nội, thậm chí ngang nhiên bán nhãn nhái ngay tại… chính đất nhãn!

Ông Trần Văn Mý – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng xót xa: “Đến ngay trên đất nhãn, các tiểu thương cũng không ngần ngại “treo đầu dê bán thịt chó”, đưa sản phẩm giả, mạo danh nhãn Hưng Yên bán với giá cao ngất – 30, 40 thậm chí 50 ngàn đồng một cân nhãn lồng giả”.

Hồi tháng 5, trong khi tại đất nhãn Hưng Yên chưa có bất kỳ HTX nào hái nhãn xuất bán ra bên ngoài thì tại Hà Nội và Hưng Yên đã xuất hiện các xe chất ngất nhãn đề biển Nhãn lồng Hưng Yên có mặt trên nhiều tuyến phố. Ông Mý cho biết, có thương lái Hưng Yên sang ngay tỉnh Hà Nam thu mua một vòng, chỉ qua cây cầu Yên Lệnh đã “hô biến” nhãn tỉnh bạn thành nhãn lồng Hưng Yên.

“Tôi cũng như những người dân Hưng Yên vô cùng bức xúc với thực trạng trên. Khách hàng bỏ tiền ra mua nhãn đặc sản mà mua phải hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng. Sự nhá nhem, nhập nhèm của những tiểu thương này đã gây hiểu lầm về chất lượng, giảm uy tín thương hiệu đặc sản Hưng Yên. Điều đó khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin vào nhãn Hưng Yên, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người trồng nhãn chân chính. Tôi đề nghị các cơ quan, ban ngành phải có biện pháp mạnh tay, ngăn chặn hành vi gian lận của những đối tượng này”, ông Mý nói.

Trồng nhãn hướng hữu cơ không lo ế

Về phía người trồng nhãn, nhận thức rõ áp lực của thị trường, những năm gần đây, một số nhà vườn, HTX đã chuyển đổi mô hình canh tác sang hướng hữu cơ, vừa giúp bảo vệ sức khỏe người trồng, nâng cao chất lượng quả nhãn từ đó giữ vững vị thế, phát triển thương hiệu sản phẩm quê hương.

Sản xuất nhãn hướng hữu cơ là phương pháp canh tác chuyển đổi giảm thiểu dần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, từ đó dần thay thế bằng những sản phẩm sinh học an toàn với môi trường, không gây hại sức khỏe cho người canh tác. Theo đó, phân bón hóa học được thay thế bằng các loại phân chuồng ủ hoai mục kết hợp chế phẩm vi sinh. Một số nơi dùng ngô, cá, đỗ tương ủ với chế phẩm vi sinh trong vòng 6 tháng tạo ra loại phân bón sinh học. Để xua đuổi côn trùng, ngăn ngừa sâu bệnh dùng gừng, tỏi, ớt giã ra làm thuốc xịt. Bên cạnh đó, người trồng nhãn còn phun dung dịch nano bạc thay thế thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó quả nhãn không bị tồn dư hóa chất, tăng độ thơm ngon, nâng cao sức khỏe người tiêu dùng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ…

Một trong những người tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ ở Hưng Yên là anh Bùi Văn Sử – Phó Giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu (xã Hồng Nam, TP Hưng Yên). Trong năm 2022, anh đã chuyển đổi 1,5 ha vườn nhãn sang hướng hữu cơ, nên bán được nhãn với giá 40 ngàn đồng/kg, thu được hơn 200 triệu đồng. Năm nay, vườn nhãn hướng hữu cơ nhà anh Sử đã được doanh nghiệp thu mua gần 2 tấn với giá 45.000 đồng/kg.

Từ thành công của anh Sử, một số thành viên đã được HTX hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi sản xuất. Anh Sử cho biết, ban đầu thuyết phục các thành viên rất khó. Không ít người băn khoăn anh làm được nhưng họ làm liệu có bán giá cao được như anh không? Để hỗ trợ các thành viên, anh Sử đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn quy trình, hỗ trợ phân bón đầu vào và đảm bảo đầu mối thu mua nhãn nếu đạt chuẩn chất lượng.

Những thành công từ việc chuyển đổi hướng trồng nhãn sang hữu cơ đã góp phần nâng cao giá trị quả nhãn Hưng Yên. Vườn nhà ông Mý có 1ha đã chuyển đổi hướng hữu cơ, chất lượng quả nhãn được thị trường trong và ngoài nước tin dùng. Năm nào, ông cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ xa. Ông Mý khoe: “Tôi vừa nhận 3 cuộc gọi đặt hàng, có đơn vài yến, có đơn 7-8 tạ, thậm chí có khách còn nói là còn bao nhiêu sẽ thu mua hết. Nói chung, nhãn sản xuất hướng hữu cơ lúc nào cũng đắt hàng, làm bao nhiêu khách thu mua bấy nhiêu, không bao giờ lo ế”.

HTX Quyết Thắng hiện có 10 ha nhãn đã chuyển đối sản xuất theo hướng này. Ông Mý cho hay, hiện HTX đang làm thương hiệu nên chấp nhận bán giá không chênh nhiều so với nhãn VietGAP. Nhãn hướng hữu cơ tại vườn hiện được bán với giá 30.000-35.000 đồng/kg. Vườn nhãn của nhà ông Mý, khách đã đặt mua hết từ trước mùa vụ.

Trong khi đó, gia đình ông Trịnh Văn Cương, đội 8, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam sở hữu gần 4.000 m2 đất trồng nhãn đường phèn – loại nhãn chất lượng hàng đầu của Hưng Yên có hình dạng quả hơi vuông, mùi thơm đặc trưng riêng, năm nào cũng cho 4-6 tấn nhãn. Trong bối cảnh nhiều nơi mất mùa, nhưng vườn nhà ông Cương năm nay trái vẫn ra sai đẹp.

“Vấn đề tiêu thụ chưa bao giờ phải nghĩ, không phải lo quảng bá sản phẩm, hàng năm gần giáp vụ, khách quen của tôi đã điện thoại về đặt hàng. Năm nay, cả vườn nhãn cho sản lượng hơn 6 tấn đã có khách đặt mua hết, chỉ chờ ngày thu hoạch. Năm ngoái, tôi bán nhãn với giá 70.000 đồng/kg, năm nay bán khoảng 75.000-80.000 đồng/kg”, ông Cương chia sẻ.

Khẳng định vị thế nhãn đặc sản Hưng Yên, bà Trần Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Kim Hưng – doanh nghiệp được Sở Công Thương Hưng Yên ủy thác liên kết hỗ trợ hàng chục nhà vườn và các HTX trồng nhãn trên địa bàn tỉnh cho rằng, ngày nay, giống nhãn Hưng Yên đã đưa sang một số tỉnh trồng đạt sản lượng, hiệu quả kinh tế cao như Sơn La, Đắc Lắk. Tuy nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, cách thức canh tác của người Hưng Yên đã tạo cho quả nhãn đặc sản nơi đây có độ thơm ngon, hương vị đặc trưng riêng không thể lẫn vào đâu được. Nhãn Hưng Yên vẫn là thứ quả được nhiều thực khách “khó tính” tin dùng. Việc cải tiến kỹ thuật trồng nhãn theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất, sự an toàn cho người tiêu dùng mà chất lượng quả nhãn còn được nâng tầm, thơm ngon hơn.

Theo bà Hiền, giá nhãn Hưng Yên cao hơn thị trường cũng không đáng lo, bởi người tiêu dùng giờ rất thông minh, biết sản phẩm nào ăn ngon, sạch, dù giá có cao vẫn được chấp nhận. Chỉ cần sản phẩm chuẩn chất lượng thì không lo vấn đề tiêu thụ.

“Phát triển nâng tầm thương hiệu sản phẩm là xu hướng của các nhà vườn, các HTX trong giai đoạn thị trường mở như hiện nay. Đây vừa là nhu cầu tất yếu để phát triển kinh tế, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng bảo tồn giống đặc sản “tiến vua” nức tiếng của người dân quê nhãn”, bà Hiền nói.  

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Xưa nay, không ít người có quan niệm làm kinh tế giỏi là phải khôn ngoan, lanh lợi, quyết đoán mới nhanh giàu. Tuy nhiên, ở Hưng Yên có một vị giám đốc HTX làm kinh tế rất giỏi, với lối tư duy “làm ăn muốn thu lợi nhuận tốt phải biết thật thà, chịu thiệt”. Cũng chính lối tư duy “độc lạ” này đã giúp ông từng bước đưa HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (xã Tân Hưng, TP Hưng Yên) trở thành một trong những HTX top đầu của tỉnh.

Giữa cái nắng nóng, oi ả cuối tháng 7 của miền quê vùng Đồng bằng sông Hồng, dọc theo triền đê khoảng 5km từ trung tâm TP Hưng Yên, chúng tôi tìm đến thôn Quyết Thắng hỏi thăm nhà ông Trần Văn Mý – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng. Thật ngạc nhiên, từ đầu làng cuối xóm, già trẻ, lớn bé không ai là không biết ông Mý – người đàn ông “giàu” nhất làng

Chất lượng là tiêu chí đầu tiên

Căn nhà của ông Mý nằm trong con ngõ nhỏ, tường bao cũ với hàng gạch xây nguyên vữa không trát xi, rêu phong cùng năm tháng. Trong căn nhà cổ ba gian các cụ để lại, mọi thứ đều giản dị, đơn sơ như chính chủ nhân của nó.

Giám đốc Trần Văn Mý (áo trắng) giới thiệu quy trình sản xuất nhãn sạch của HTX Quyết Thắng.

Tiếp đón chúng tôi là một người đàn ông trung niên, dáng người dong dỏng, làn da rám nắng, bàn tay gân guốc, dáng đi nhanh nhẹn, khuôn mặt mang vẻ chân chất của một lão nông thuần túy với nụ cười tươi tắn, cùng giọng nói sang sảng thân thiện kể những câu chuyện hết sức mộc mạc về quá trình làm kinh tế của HTX.

Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, ông Mý cho biết, HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng được thành lập từ năm 2017, đến nay có 17 thành viên, sở hữu khoảng 40ha vườn nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 30ha nhãn đã được cấp mã vùng xuất khẩu.

Năm 2019, HTX đã ký kết hợp đồng với hãng hàng không Vietnam Airlines, sản phẩm nhãn của HTX đã có mặt trên các chuyến bay từ nội địa đến quốc tế, trở thành món tráng miệng thơm ngon, phục vụ hành khách trong mỗi chuyến bay. Năm 2021, HTX là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tham gia xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhãn sang các nước châu Âu, tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn 30 tấn nhãn xuất khẩu được bán với giá 60.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu khoảng 1,8 tỷ đồng cho HTX .

Trên thị trường nội địa, nhãn và các sản phẩm từ nhãn của HTX Quyết Thắng được tiêu thụ mạnh ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tại các siêu thị lớn, các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, nhãn và các sản phẩm từ nhãn của HTX đã và đang có mặt trên các kệ hàng góp phần đa dạng các sản phẩm thực phẩm sạch, phục vụ người tiêu dùng thông minh.

Giống nhãn Hương Chi, T6 siêu ngọt hiện đang được trồng tại vườn nhà ông Mý có chất lượng thơm ngon đặc biệt. Với đặc điểm cùi dày, mềm, vỏ mỏng, dóc hạt, hương thơm tự nhiên, vị ngọt thanh, chùm sai quả, thương hiệu nhãn của HTX Quyết Thắng làm “ngọt lòng” bất cứ thực khách nào mỗi khi được thưởng thức.

Ông Mý cho biết, để đạt chất lượng cho xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa, ông luôn tuân thủ và yêu cầu các thành viên HTX thực hiện quy trình sản xuất sạch hướng tới hữu cơ vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm lại không gây ô nhiễm môi trường, không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng và người sản xuất.

“Muốn tạo ra sản phẩm nhãn chất lượng, người sản xuất phải luôn thật thà, cẩn trọng trong từng công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, làm vườn”, ông Mý nói.

Không chỉ trồng nhãn chất lượng, ông Mý còn rất năng động, linh hoạt tìm tòi, sáng tạo trong khâu tổ chức tiêu thụ nhãn cho các thành viên và các hộ liên kết trên địa bàn xã. Theo ông Trần Văn Pháp – Phó Giám đốc HTX, mỗi mùa vụ, HTX đứng ra thu mua, tiêu thụ khoảng 30% sản lượng thu hoạch cho các hộ thành viên với giá cao hơn giá thu mua ngoài thị trường khoảng từ 5.000-7.000 đồng/kg nhãn.

Vì sao HTX chỉ hỗ trợ tiêu thụ được 30% lượng sản phẩm cho các thành viên? Ông Pháp cho biết, vì HTX chỉ thu mua nhãn có chất lượng cao, đảm bảo quy trình sản xuất sạch, đồng đều về kích cỡ, độ tươi ngon trong từng quả nhãn, là hàng loại một, mẫu mã đẹp. 70% còn lại, các thành viên bán cho các thương lái, đây cũng là một trong những kênh tiêu thụ tương đối hiệu quả.

Mùa vụ năm 2022 vừa qua, tổng sản lượng nhãn của HTX đạt khoảng trên 100 tấn, tổng doanh thu lên tới 3,5 tỷ đồng, HTX tham gia thu mua cho các thành viên khoảng 30 tấn, với số tiền ngót nghét 1 tỷ đồng.

“Chịu thiệt” để hút khách

Những năm gần đây, để đẩy mạnh tiêu thụ, hạn chế sức ép lúc cao điểm nhà nhà ồ ạt thu hoạch nhãn, Giám đốc Trần Văn Mý đã mạnh dạn tiên phong mở thêm mảng hoạt động du lịch sinh thái cho khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại vùng trồng cây đặc sản lâu năm của địa phương. Loại hình du lịch này thu hút khá nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Ông Mý cho hay, du khách vào vườn không phải đóng góp bất cứ chi phí nào, được tham quan, trải nghiệm và trực tiếp hái nhãn ăn thoải mái. Mỗi năm ước tính có đến 15-17 lượt đoàn khách với 300-400 du khách ghé vườn nhãn, sau khi trải nghiệm sản phẩm thấy ngon, khách thường mua về làm quà biếu. Sản lượng nhãn tiêu thụ qua kênh này mỗi mùa vụ đạt khoảng 15% tổng sản lượng thu hoạch, thu về khoảng hơn 500 triệu đồng.

Cho khách vào vườn ăn thoải mái như vậy, không thu một đồng phí nào, ông có sợ lỗ không? Ông Mý nói một cách rất quả quyết: “Đã xác định làm kinh tế phải biết đầu tư, biết chịu thiệt. Chúng tôi đang trong quá trình quảng bá thương hiệu, mong mỗi du khách đến với vườn nhãn “quần nát” vườn. Càng nhiều khách du lịch đến và mang nhãn ra khỏi vườn, thương hiệu nhãn đặc sản Hưng Yên ngày càng có tiếng vang xa”.

Ông Mý chia sẻ, nhiều du khách ăn xong thấy ngon mua về, cũng có khách ăn xong thấy ngon xin tiếp một chùm, mà mỗi chùm to có đến hàng trăm quả, lên đến cả cân, nhưng ông vẫn thoải mái mời khách nếm thử. Quan điểm của ông là làm thương hiệu phải biết “chịu thiệt”.

Bên cạnh nguồn thu từ bán nhãn, HTX còn có các sản phẩm phụ như mật ong, long nhãn. Sản lượng của các sản phẩm này mỗi năm khoảng 1-2 tấn, với giá bán 140.000 đồng/kg, thu về khoảng 140 -280 triệu đồng cũng phần nào bù đắp chi phí cho hoạt động du lịch trải nghiệm tại vườn nhãn.

“Ví thử, nếu như khoản thu này không đủ bù đắp, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận vì chúng tôi đang trong quá trình phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm lan rộng các vùng miền, tôi chấp nhận sẵn sàng chịu thiệt miễn sao du khách hài lòng tiếp tục quay trở lại, hoặc giới thiệu với bạn bè, người quen tham quan, mua nhãn”, ông Mý nói.

Ông Trần Văn Hiếu – Kiểm soát viên HTX cho biết, du lịch sinh thái tham quan trải nghiệm vườn nhãn đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, từ mô hình vườn nhãn nhà Giám đốc, HTX đặt ra yêu cầu xem xét nhà vườn phải hội đủ các điều kiện, thứ nhất nhãn phải đảm bảo chất lượng, thơm ngon, mẫu mã đẹp. Thứ hai, chủ vườn phải mến khách, tiếp đón khách niềm nở, sẵn lòng chịu thiệt, cho khách ăn thử thoái mái không được tiếc thì HTX mới đưa khách vào vườn nhà đó. Hiện tại, ngoài vườn nhà ông Mý, HTX đang triển khai đưa thêm 2 – 3 vườn của các thành viên khác vào hoạt động.

Phương châm của ông Mý là kinh doanh du lịch muốn thành công trước hết phải mến khách, sẵn sàng chịu thiệt. Phát triển bất cứ loại hình nào cũng phải cẩn trọng từng bước, chậm cũng được, làm đến đâu chắc đến đó, không làm ồ ạt, dễ mất thương hiệu.

Không dừng lại ở phát triển cây ăn quả đặc sản, HTX còn phát triển thêm dịch vụ nuôi cá lồng trên sông. Phát huy thế mạnh vùng nước sông Hồng, sau 4 năm đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi thủy sản từ các địa phương có thế mạnh, Giám đốc Trần Văn Mý quyết định hướng HTX phát triển theo ngành nghề mới là nuôi thủy sản. Thời điểm đầu, hồi năm 2020, HTX phát triển mô hình nuôi cá trong 20 lồng gồm các loại: cá chép, trắm, lăng, rô phi, diêu hồng… với sản lượng mỗi lồng cho thu hoạch 10 tấn cá/năm. Đến nay, HTX sở hữu 60 lồng cá, tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 600 tấn mỗi năm, doanh thu đạt 36 tỷ đồng.

Bên cạnh doanh thu bán cá, HTX cũng đồng thời phát triển du lịch sinh thái cho khách thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông những ngày hè nắng nóng, trải nghiệm câu cá, các sản phẩm cá tươi được chế biến trực tiếp tại khu vực nhà bè nơi đặt trực tiếp các lồng cá. Sản phẩm du lịch đã hấp dẫn nhiều du khách trong nước và khách nước ngoài đến trải nghiệm, tuy nguồn thu chưa lớn nhưng cũng góp phần gợi mở hướng đi mới cho HTX.

Chưa dừng lại ở đó, ông Mý còn dẫn dắt HTX tham gia trồng cây dược liệu cung cấp cho một công ty dược với cam kết thu mua sản phẩm đầu ra ổn định, đảm bảo người trồng luôn có lợi nhuận. Ban đầu, HTX bắt tay trồng thử nghiệm cây địa hoàng trên 2ha. Thực tế hai năm qua cho thấy, vườn địa hoàng nếu được chăm sóc tốt trong 6 tháng sẽ cho thu hoạch 1 lần, hiệu quả kinh tế đạt 20 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, ông Mý còn khuyến khích các thành viên nuôi gà… cung cấp thêm sản phẩm phụ cho dịch vụ du lịch, sao cho khách đến với Tân Hưng được ăn nhãn ngon, gà sạch, cá tươi…

“Được đón tiếp niềm nở, phục vụ tận tình chu đáo, khách sẽ nhớ tới chúng tôi. Và Tân Hưng sẽ trở thành điểm đến hàng năm của du khách mỗi khi có nhu cầu trải nghiệm”, ông Mý nói.

Khi được hỏi sau bao năm lăn lộn, theo ông, bí quyết thành công để thắng trong kinh doanh là gì? Chia sẻ hết sức cởi mở, ông Mý cho rằng làm sản xuất, kinh doanh, điều đầu tiên thật cần thiết là phải có cái tâm, luôn thật thà, thẳng thắn, tuân thủ đúng quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng.

“Hàng ngon bảo ngon, chưa đạt chuẩn phải thẳng thắn thừa nhận, tìm cách rút kinh nghiệm nghiên cứu phương pháp đưa ra sản phẩm tốt nhất. Có sản phẩm tốt rồi, phải biết quảng bá trên mọi phương diện, tận dụng sự phát triển của mạng lưới truyền thông, công nghệ, mạng xã hội để nhiều người biết đến. Làm thương hiệu, không ngại chi phí bỏ ra ban đầu, chấp nhận chịu thiệt, mời khách hàng thử sản phẩm, khi có thương hiệu rồi người bán và khách hàng phải tin tưởng lẫn nhau”, ông Mý “bật mí”.

Bán hàng bằng “niềm tin”

Chị Trần Thị Phương – một thành viên HTX chia sẻ: “Ông Giám đốc HTX có cách bán hàng lạ lắm, nhiều khi khách ở đâu gọi điện thoại đặt hàng bảo ông ấy chuyển đi tỉnh này, tỉnh khác, có những đơn hàng lên đến vài triệu đồng, ông cũng không cần thu tiền trước. Lạ thay, bao năm qua, bán hàng online, bán hàng qua điện thoại cho những khách chưa biết mặt, doanh số thu được có khi lên đến hàng trăm triệu đồng dù không thu tiền trước nhưng chưa bao giờ ông bị lừa mất nghìn nào”.

Rồi câu chuyện do chính ông Mý kể: Ba năm trước, con trai ông bị gãy chân phải ra một bệnh viện trên Hà Nội mổ gấp. Ông lên chăm con, mang nhãn vào biếu các bác sỹ trong khoa và các bệnh nhân cùng phòng điều trị bệnh với con mình. Trong mỗi túi quà, ngoài trái nhãn đặc sản cây nhà lá vườn, ông đều kèm theo một chiếc card visit. Và thế là từ đó, năm nào ông cũng có nguồn khách hàng là các bác sỹ tại bệnh viện này, lượng hàng được đặt qua đơn có khi lên đến vài tạ mỗi vụ.

Thật lạ trong cách làm thương hiệu của ông Giám đốc HTX Quyết Thắng vừa có cái gì đó chân chất của người nông dân, vừa mang tính thức thời với tư duy một nhà kinh doanh có tài nhạy bén, biết nắm bắt thời cơ một cách mau lẹ. Trong con người có nước da ngăm ngăm, mảnh khảnh ấy còn nhiều lắm những trăn trở hoài bão với khát khao mang lại đời sống khá giả cho các thành viên HTX, các hộ nông dân trong vùng, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, thịnh vượng.

Chia tay vị Giám đốc của nông dân, trong tôi gợi lên nhiều cảm xúc. Đó là, sự thành công luôn bắt nguồn từ những điều đơn giản, nhưng nhận ra những điều đơn giản và vận hành nó đem lại hiệu quả hẳn phải có một tấm lòng. Những đau đáu, trăn trở về lĩnh vực mình hoạt động mới đem lại thành quả cho bản thân và ban tặng trái ngọt cho cuộc đời.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top