Gỡ vướng mắc để HTX thuận lợi trong liên kết hợp tác

Để tháo gỡ hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về liên kết hợp tác. Tuy nhiên, dù đã phát triển thêm được những chuỗi giá trị, hình thành được mối liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp nhưng sau 5 năm đi vào thực tiễn, vẫn còn nhiều HTX gặp khó khi tiếp cận chính sách này.

Thông tin từ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ vào sáng ngày 20/7 tại Sóc Trăng cho thấy, đến nay đã có gần 4.7400 tấn trái cây của tỉnh được tiêu thụ nhờ mối liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp.

Bất cập trong thực hiện

Riêng lĩnh vực thủy sản đã có 7 HTX, tổ hợp tác tại Sóc Trăng liên kết được với các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để tổ chức sản xuất trên diện tích 302ha, và cũng có 13 HTX, tổ hợp tác liên kết được với các đơn vị bao tiêu để thực hiện bao tiêu trên diện tích 517ha…

Có thể thấy, không chỉ riêng Sóc Trăng mà việc hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đến nay đã phát huy hiệu quả nhất định tại nhiều địa phương.

Để thực hiện Nghị định 98, đã có 60/63 tỉnh, thành phố ban hành danh mục các sản phẩm, ngành hàng, chủ lực cần ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết; 57/63 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 98 vẫn còn những vướng mắc nhất định cần được xem xét, tháo gỡ. Cụ thể, theo Nghị định 98, HTX có thể được hưởng 100% chi phí tư vấn liên kết (tối đa là 300 triệu đồng) bao gồm tư vấn nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, phương án sản xuất kinh doanh – phát triển thị trường, tư vấn xây dựng dự án liên kết. Thế nhưng, phần lớn HTX hiện nay rất khó tìm kiếm và hợp tác được với các đơn vị tư vấn, đặc biệt là các đơn vị tư vấn có năng lực.

Trong khi đó, việc xây dựng dự án, kế hoạch liên kết, HTX phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, định mức, vật tư, nhưng đây lại không phải lợi thế của các HTX nên gây lúng túng trong xây dựng dự án, kế hoạch, phương thức liên kết… Chính vì vậy, dù Nghị định 98 có chính sách hỗ trợ về tư vấn nhưng nhiều HTX chưa thể tiếp cận.

Đồng thời, Nghị định 98 được đánh giá là còn chưa thống nhất với các chính sách khác mà Nhà nước đã ban hành, gây khó khăn trong quá trình triển khai tại địa phương.

Điển hình như Quyết định số 1804/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 quy định hỗ trợ HTX tối đa 100% về hạ tầng trong liên kết, nhưng tại điều 8 của Nghị định 98 quy định về hỗ trợ hạ tầng chỉ 30% từ ngân sách nhà nước.

Thúc đẩy liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ giúp giải quyết những tồn tại của ngành nông nghiệp.

Về chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi cũng rất thấp, tối đa chỉ 40%. Trong khi đó, cùng nội dung này tại Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ HTX áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt lại là 100%.

Có thể mỗi chính sách hỗ trợ một mức khác nhau và HTX được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khi đáp ứng được những điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, theo các HTX, việc chưa thống nhất mức quy định trong cùng một nội dung hỗ trợ khiến các HTX gặp khó khăn khi làm việc với các cơ quan quản lý tại địa phương vì họ cho rằng bị trùng lặp, khó kiểm tra hồ sơ gây kéo dài thời gian nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nghị định 98 được cho là thấp hơn so với các chính sách hỗ trợ khác nên gây tâm lý chán nản cho HTX. Trong khi hồ sơ để được kiểm duyệt yêu cầu rất khắt khe.

Đại diện HTX Tân Tiến (Vĩnh Long) cho rằng, thủ tục hồ sơ để nhận chính sách hỗ trợ của Nghị định 98 rất phức tạp, HTX tốn rất nhiều công sức, thời gian và sửa hồ sơ nhiều lần nhưng vẫn chưa hoàn thiện.

Để chính sách đi sâu vào thực tiễn

Một điều mà nhiều HTX nhận thấy đó chính là để tiếp cận được chính sách tại Nghị định 98, nông dân, HTX, doanh nghiệp – đối tượng chính của dự án liên kết, hợp tác phải có đủ năng lực tài chính.

Theo các HTX, điều này là có lý do vì nếu không đủ năng lực, sau khi nhận hỗ trợ, HTX khó duy trì và tiếp tục sử dụng nguồn hỗ trợ đó một cách hiệu quả để phát triển các mối liên kết hợp tác một cách bền vững. Tuy nhiên, xét trên thực tế, nếu HTX đã đủ năng lực tài chính thì rất ít có nhu cầu tiếp cận chính sách hỗ trợ. Trong khi mức hỗ trợ phần lớn chỉ 30-40%, HTX phải có 60-70% vốn đối ứng thì rất khó thu hút được các HTX và cả doanh nghiệp có năng lực…

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí của Nghị định 98 hiện chưa được phân bổ hằng năm mà chủ yếu lồng ghép vào các chương trình, dự án khác. Điều này, như cách ví von của một chuyên gia ngành nông nghiệp, “khiến quá trình tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ của HTX càng bị delay”.

Theo các chuyên gia, xét trên tổng thể của quá trình sản xuất kinh doanh, Nghị định 98 được cho là góp phần hỗ trợ thiết thực giúp các mô hình kinh tế tập thể hoàn thiện, nâng cao các bước trong sản xuất và nhất là sau thu hoạch. Từ đó, giúp các HTX đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng liên kết lỏng lẻo, giá cả bấp bênh…

Tuy nhiên, có thể trong quá trình triển khai Nghị định này đã gặp những bất cập nhất định. Việc hiểu và hỗ trợ HTX tiếp cận Nghị định tại các địa phương chưa được thông suốt nên gây lúng túng trong triển khai. Đi liền với đó là các chính sách như tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, đất đai còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ nên chưa giúp HTX bảo đảm được các yêu cầu về đối tượng nhận hỗ trợ.

Điều mong muốn của đa số HTX hiện nay là các cơ quan quản lý xem xét để có thể sửa đổi về thủ tục hồ sơ, các điều kiện hỗ trợ một cách phù hợp với thực tiễn để nhiều HTX có thể tiếp cận chính sách này.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý địa phương như Sở NN&PTNT, Liên minh HTX một số tỉnh có thể tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ HTX tìm kiếm hoặc liên kết với các đơn vị, đội ngũ tư vấn. Điều này sẽ tạo được độ tin cậy, giúp mỗi dự án liên kết trong sản xuất, tiêu thụ của HTX có đội ngũ tư vấn có năng lực để đồng hành hỗ trợ, từ đó hóa giải được những khó khăn, nâng cao năng lực cũng như khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Thực tế, mỗi tỉnh, thành đã xây dựng được những chuỗi liên kết hợp tác cụ thể, nhưng thực tế các HTX hiện hoạt động đa ngành, mỗi ngành có một đặc trưng riêng và mỗi địa phương lại có điểm khác biệt. Chính vì vậy, cần xây dựng dự án liên kết hợp tác mẫu trên mỗi lĩnh vực để cho các địa phương, các HTX tham khảo.

Các địa phương cũng cần đồng hành với HTX để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 98 và có giải pháp tháo gỡ kịp thời thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước mới đi sâu vào thực tiễn.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang