Thu hút nông dân, hộ cá thể vào HTX

HTX là một mô hình kinh tế phổ biến và được khuyến khích phát triển ở Việt Nam. Nếu thu hút được thêm nhiều nông dân, hộ cá thể vào HTX sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, tạo được nhiều việc làm cho người nông dân, góp phần vào việc ổn định xã hội.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến cuối năm 2022, cả nước có 29.021 HTX (tăng hơn 2.000 HTX, tương ứng tăng 7% so với năm 2021), 125 liên hiệp HTX (tăng 18 liên hiệp HTX, tương ứng tăng khoảng 17%).

Quy mô thành viên chưa lớn

Tổng số thành viên khu vực kinh tế tập thể là gần 8 triệu thành viên, trong đó hơn 5,9 triệu thành viên của HTX, 851 HTX thành viên của liên hiệp HTX, và hơn 1 triệu thành viên tổ hợp tác. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 976,3 nghìn người.

Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng ở hầu hết các tỉnh, thành phố cho thấy, mô hình kinh tế tập thể, HTX phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể, HTX là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Khu vực kinh tế tập thể, với nòng cốt là HTX còn đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào thu nhập của khoảng 5,9 triệu thành viên, từ đó tác động đến đời sống của hàng chục triệu người thuộc hộ gia đình thành viên.

Tuy nhiên, một điều mà nhiều HTX ở các tỉnh thành đang phải đối mặt là tình trạng quy mô thành viên nhỏ (50 – 299 thành viên), hoặc siêu nhỏ (từ 7 – 49 thành viên).

Việc HTX có số lượng thành viên ít dẫn tới vốn điều lệ của các HTX cũng tỷ lệ thuận. Với các HTX có quy mô thành viên siêu nhỏ, vốn điều lệ thường dưới 1 tỷ đồng. Đi liền với đó là hạn chế về đất nên khó phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, khó phát triển mô hình cánh đồng lớn và thậm chí còn gặp nhiều khó khăn khi liên kết với doanh nghiệp. Chính vì vậy mà theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước mới có 6.925 chuỗi liên kết nông nghiệp.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết những nước đang phát triển ở châu Âu có đến 60% sản lượng nông sản đi qua HTX. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ đạt 10% và cũng chỉ có khoảng 24% HTX có liên kết với doanh nghiệp. Như vậy, Việt Nam đang thiếu liên kết, tổ chức lại nông dân làm ăn theo HTX.

Thậm chí, nhiều HTX đã thành lập nhưng do số lượng thành viên quá khiêm tốn nên sau một thời gian không huy động, mở rộng được vốn, không phát triển được sản xuất kinh doanh nên buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Thu hút nông dân, hộ cá thể vào HTX là con đường làm ăn kinh tế hiệu quả.

Việc HTX có quy mô nhỏ là do một bộ phận người dân không thích sản xuất theo quy trình hoặc trong quá trình hoạt động, HTX gặp khó khăn nên thành viên xin rút lui hoặc chuyển đổi sang mô hình khác. Ông Phạm Văn Bán, Giám đốc HTX thanh long Bắc Bình (Bình Thuận) cho biết khi thành lập, HTX có 20 thành viên nhưng khi dịch bệnh xảy ra, trái thanh long xuống giá, người dân là thành viên rút khỏi HTX khá nhiều khiến quy mô HTX đã nhỏ nay còn nhỏ hơn, chỉ còn 9 thành viên.

Ông Bán chia sẻ dù rất muốn có thêm thành viên nhưng tâm lý người dân cho rằng vào HTX phải sản xuất theo quy trình, phải bảo đảm mã số vùng trồng, phải sản xuất đồng bộ để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc… thì rất khó hoặc chưa quen, nên chần chừ.

Theo ông Trịnh Văn Thinh, Giám đốc HTX nhãn lồng Nam Hồng (Hưng Yên), có nhiều chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dự án do HTX liên kết với các đơn vị khác và muốn mời người dân tham gia để từng bước liên kết làm thành viên với HTX cũng rất khó. Điều này có thể do họ chưa có niềm tin vào HTX hoặc mong muốn có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Thu hút thành viên song hành với nâng "chất"

Bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch-AFT), cho biết trước thực trạng như vậy chỉ có thay đổi ý thức từ chính người nông dân mới giúp họ bớt khó khăn, trắc trở trong sản xuất. Chỉ có liên kết tham gia HTX, tuân thủ quy trình, sản xuất theo chuỗi thì mới giải quyết được bài toán đầu ra cho chính người nông dân. Trong khi nhân tố quyết định đến hiệu quả sản xuất vẫn là những người trực tiếp tham gia sản xuất là nông dân, thành viên HTX.

Thực tế chứng minh, với những nông dân có vốn ít, đất ít vẫn có thể cho doanh nghiệp hoặc HTX thuê, sau đó tham gia làm thành viên tại HTX sẽ giúp giảm chi phí, tăng giá trị nông sản, từ đó có lợi nhuận nhiều hơn. Như tại HTX Nông nghiệp Tân Hưng (Kiên Giang), nhờ thay đổi tư duy, đã có 325 người dân là đồng bào dân tộc Khmer tham gia làm thành viên, từ đó giúp HTX thuận lợi phát triển mô hình cánh đồng lớn.

Tuy nhiên, để có được điều này, ông Lê Minh Hải, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX Tân Hưng cho rằng HTX cũng phải mở thêm các dịch vụ, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu và tạo lòng tin cho người dân.

Bên cạnh việc tạo lòng tin từ các HTX, theo các chuyên gia, cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước về phát triển HTX, thu hút thành viên vào HTX. Chẳng hạn như tại Nhật Bản, thời kỳ trước đây, khi nông dân còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người dân khi tham gia HTX. Chỉ sau này khi kinh tế của người dân ổn định, có tích lũy vốn, Nhật Bản mới có quy định người dân tham gia HTX phải đóng góp vốn. Chính vì vậy mà đến nay, 98% nông dân là thành viên của hơn 850 HTX.

Hay ở Thái Lan, mỗi HTX ở nước này có đến hàng nghìn thành viên, thậm chí mỗi tỉnh chỉ có một HTX. Điều này một phần là do nước này khuyến khích nông dân tham gia làm thành viên HTX từ việc việc gắn các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân qua tổ chức HTX. Cơ chế hỗ trợ chính sách cũng phù hợp với thực tế của người dân, thành viên HTX. Trong đó có mô hình HTX tín dụng làm nền tảng hỗ trợ thành viên vay vốn với lãi suất thấp hơn, hay đầu tư các trung tâm công nghệ ở các địa phương để người dân, HTX dùng máy móc, ứng dụng công nghệ miễn phí. Những điều này giúp nâng cao năng lực của HTX, từ đó thu hút nông dân tham gia. Đặc biệt là những người chưa là thành viên cũng cảm thấy không yên tâm vì không tham gia HTX.

Trước thực trạng chỉ có khoảng 30% trong tổng số hơn 9 triệu hộ nông dân tham gia HTX, PGS TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng Ban Chính sách phát triển (Bộ NN&PTNT), cho rằng thu hút thành viên phải đi đôi với nâng cao chất lượng HTX thì mới giúp người dân, thành viên tin tưởng vào HTX.

Trong quá khứ, một HTX nhiều thành viên nhưng không có vốn góp nên HTX tan rã. Trước thực trạng này nên mới có HTX kiểu mới, nhưng muốn có HTX kiểu mới thì phải giải thể HTX kiểu cũ. Tuy nhiên, nếu phát triển HTX kiểu mới nhưng HTX kiểu mới hoạt động không tốt thì đến một thời kỳ nào đó, HTX kiểu mới cũng thành HTX kiểu cũ.

“Nếu chỉ nhìn thành viên ở thời điểm hiện tại thì HTX chưa thể phát triển lâu dài. Muốn thu hút người dân vào HTX thì phải định hướng xây dựng cho HTX quỹ xã hội, để sau này khi không còn sức làm việc trong HTX thì họ vẫn có thu nhập để sống. Vì hiện chỉ những người tham gia trực tiếp mới được tham gia đóng bảo hiểm”, PGS TS Chu Tiến Quang phân tích.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang