“Với Luật Hợp tác xã năm 2023 dự kiến được Quốc hội thông qua vào ngày 20/6/2023, số lượng hợp tác xã (HTX) sẽ tăng lên vì có nhiều cơ chế hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX, tương tự như việc hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp”, bà Chu Thị Vinh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hy vọng.
Điểm nổi bật nhất trong Luật Hợp tác xã năm 2023 là mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả tổ hợp tác, thưa bà?
Đúng vậy. Luật Hợp tác xã năm 2012 chỉ áp dụng đối với HTX, liên hiệp HTX. Đây là lỗ hổng pháp luật quy định về kinh tế tập thể, vì cả nước chỉ có khoảng 29.500 HTX và liên hiệp HTX, trong khi có đến 73.000 tổ hợp tác với 1,1 triệu thành viên đã và đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2013-2021, ngân sách nhà nước đã bỏ ra 323 tỷ đổng để đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 362.100 lượt cán bộ, thành viên HTX. Cũng trong giai đoạn này, khu vực HTX được hỗ trợ cho vay vốn với doanh số lên đến 50.882 tỷ đồng… Trong khi đó, cũng là kinh tế tập thể, nhưng tổ hợp tác lại nhận được rất ít sự hỗ trợ. Như vậy là không công bằng, bởi tổ hợp tác có cùng bản chất hợp tác, tương trợ và đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, văn hóa, xã hội, giống như HTX.
Chính vì vậy, Luật Hợp tác xã đã tổ hợp tác vào phạm vi điều chỉnh và dành hẳn một chương để quy định về tổ chức kinh tế này, trong đó có yêu cầu tổ hợp tác khi có góp vốn và hợp đồng hợp tác không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh; tổ hợp tác có quyền đặt tên riêng; được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; được hợp tác kinh doanh với cá nhân, tổ chức để mở rộng sản xuất, kinh doanh; được mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán…
Theo Luật Hợp tác xã năm 2023, tổ hợp tác cũng được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ như HTX. Thưa bà, nếu không có chính sách hỗ trợ tốt hơn, thì không có nhiều tổ hợp tác muốn “lên đời”?
Tổ chức, mô hình hoạt động của tổ hợp tác đơn giản, sơ khai hơn HTX rất nhiều, nên nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ thì phù hợp, nhưng khi hoạt động với quy mô lớn hơn thì tổ hợp tác rất khó cạnh tranh được với HTX, chứ chưa nói tới khu vực doanh nghiệp. Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi từ tổ hợp tác thành HTX là có. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ riêng cho đối tượng này, tương tự như hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Cụ thể, tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX sẽ được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục chuyển đổi; thủ tục hành chính về thuế và chế độ kế toán tối đa trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chuyển đổi. Ngoài ra, Nhà nước còn miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và phí công bố nội dung đăng ký trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan đăng ký kinh doanh; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm. Đặc biệt, HTX chuyển đổi từ tổ hợp tác còn được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo thời hạn do pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định; miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với HTX chuyển đổi từ tổ hợp tác theo thời hạn do pháp luật về đất đai quy định.
Tôi tin rằng, với những hỗ trợ, ưu đãi thiết thực, đúng trọng tâm, trọng điểm, số lượng tổ hợp tác được thành lập mới cũng như số lượng HTX thành lập mới từ tổ hợp tác sẽ tăng nhanh chóng.
Một trong những khó khăn “kinh điển” của kinh tế tập thể là thiếu vốn. Thưa bà, Luật Hợp tác xã và nghị định hướng dẫn tháo gỡ thế nào?
Để xử lý vấn đề “đói vốn” của kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã năm 2023 không hạn chế HTX huy động vốn từ thành viên để sản xuất, kinh doanh. Theo đó, HTX ưu tiên huy động vốn từ thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; trường hợp huy động vốn từ thành viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu mới huy động vốn từ các nguồn khác.
Trong thực tế, nhiều trường hợp, HTX thừa vốn, trong khi các thành viên thiếu vốn. Chính vì vậy, trên cơ sở cho phép của luật, nghị định hướng dẫn sẽ quy định cụ thể tín dụng nội bộ trong HTX. Theo đó, HTX được phép cho thành viên vay vốn nếu thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ gốc và lãi tiền vay.
Đồng thời, để bảo đảm an toàn tài chính cho HTX, việc cho vay cũng sẽ bị khống chế hạn mức theo hướng, cho vay đối với một thành viên tối đa bằng 5% vốn điều lệ của HTX được sử dụng để hoạt động tín dụng nội bộ; lãi suất cho vay, lãi suất huy động vốn của thành viên không vượt quá lãi suất cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. HTX bắt buộc phải tạm ngừng, chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ khi có nợ quá hạn vượt quá 5%. Hoạt động tín dụng nội bộ bị lỗ, thì HTX cũng phải tạm ngừng hoạt động tín dụng nội bộ để tập trung thu hồi nợ và thanh toán công nợ.
Tôi cho rằng, việc cho phép HTX được hoạt động tín dụng nội bộ vừa tạo điều kiện cho khu vực này huy động vốn, vừa linh hoạt trong việc sử dụng vốn, đồng thời tạo ra sức hấp dẫn của HTX đối với các thành viên.