HTX nông nghiệp Tây Phú được thành lập năm 2015, gồm 31 thành viên, vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng. Đây là một trong số HTX nông nghiệp điển hình trên địa bàn huyện Thoại Sơn hoạt động hiệu quả, từng bước phát triển. Trung bình mỗi năm, HTX liên kết tiêu thụ khoảng 800ha lúa của thành viên, nông dân địa phương.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp Tây Phú Nguyễn Phi Sơn Hổ cho biết: “Hiện nay, HTX liên kết doanh nghiệp (DN) ký kết hợp đồng bao tiêu lúa sau khi thu hoạch. Vì vậy, các thành viên rất an tâm, phấn khởi với chuỗi liên kết, không phải lo bán lúa ở ngoài, bị thương lái ép giá như trước đây”.
Cùng với tăng cường liên kết DN, đơn vị phát triển đa dạng dịch vụ hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của thành viên và nông dân. Hiện nay, HTX đang cung ứng vật tư nông nghiệp, liên kết tiêu thụ lúa, bơm tiêu chống úng, sản xuất lúa giống và định hướng dịch vụ cung ứng gạo an toàn. Cụ thể, HTX cung ứng, hỗ trợ chi phí vật tư nông nghiệp cho thành viên, gồm: Giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật… từ đầu đến cuối vụ; chiết khấu 5% tổng chi phí đầu vào trong sản xuất.
Song song đó, cán bộ kỹ thuật (của DN liên kết với HTX) cùng nông dân thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, hỗ trợ kịp thời về mặt kỹ thuật, góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.
Ông Bùi Văn Thanh (thành viên HTX) chia sẻ: “Trước đây, đến khi bán lúa, chúng tôi bị thương lái ép giá. Nhưng từ khi vào HTX, tôi không còn sợ cảnh này nữa; giá bán lúa cao hơn trước. Cán bộ kỹ thuật của DN thường xuyên hướng dẫn canh tác, chăm sóc lúa, nên ruộng lúa của tôi đạt năng suất cao, chất lượng tốt”.
Bên cạnh đó, HTX định hướng thành viên và nông dân trồng lúa theo tiêu chuẩn an toàn, cung cấp cho DN thu mua lúa xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập trong sản xuất. “HTX cho thành viên, nông dân đăng ký mô hình sản xuất lúa an toàn, hay sản xuất lúa truyền thống. Nếu chọn mô hình sản xuất lúa an toàn, khi bán lúa sẽ được cộng thêm 100 – 150 đồng/kg lúa, tăng thêm thu nhập trên cùng 1 diện tích. Còn nếu chọn mô hình sản xuất lúa truyền thống, HTX vẫn ký kết hợp đồng với công ty tiêu thụ lúa phù hợp, tạo đầu ra ổn định” – ông Nguyễn Phi Sơn Hổ cho biết thêm.
Hiện nay, HTX nông nghiệp Tây Phú được tỉnh chọn tham gia thí điểm đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025”. Đơn vị tham gia mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Khi tham gia thí điểm, đơn vị được giới thiệu, phổ biến quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đo lường, bảo vệ quyền lợi cho HTX; hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng.
Đồng thời, được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng sản phẩm; được rà soát, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh. Qua triển khai thí điểm, cùng với nhiều HTX khác, HTX nông nghiệp Tây Phú sẽ trở thành kiểu mẫu, tạo sức hút để người dân, tổ chức, DN tham gia, liên kết.
Ông Nguyễn Phi Sơn Hổ chia sẻ, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn DN uy tín để liên kết, đưa ra dịch vụ phục vụ nhu cầu chung của thành viên, tạo ra sản phẩm chất lượng, hạn chế chi phí đầu tư và tăng giá trị sản phẩm, cạnh tranh với thị trường. Mục tiêu ấy hướng đến đảm bảo tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa với giá cả ổn định, cùng nhau phát triển bền vững.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Phú Nguyễn Thị Thúy nhận định: “Khi tham gia vào HTX, nông dân không những được hỗ trợ lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, dịch vụ nông nghiệp… rẻ hơn bên ngoài, mà còn được tiếp cận, ứng dụng khoa học – kỹ thuật canh tác mới.
Ngoài ra, HTX nông nghiệp Tây Phú ký hợp đồng liên kết với DN bao tiêu sản phẩm đầu ra, giá thu mua “ngợi” hơn, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, không bị thương lái ép giá. Vì vậy, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền nông dân (đang sản xuất cá thể) tham gia HTX, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững”.