Long An

Họ là những nông dân dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn, thất bại để tìm kiếm hướng đi mới, sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. Qua đó, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Làm giàu từ cây rau

Theo chân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) – Trần Thanh Minh, chúng tôi đến vườn rau hữu cơ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm của anh Nguyễn Văn Thành (thành viên HTX Rau an toàn Phước Hiệp). Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật canh tác nên anh giảm 50% chi phí sản xuất và được HTX đến tận vườn thu mua cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg rau. Trung bình mỗi vụ, anh Thành thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thành (bìa phải) dẫn các thành viên Ban Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp tham quan vườn rau

Nhìn những béc tưới tự động xoay vòng trong vườn rau xanh mướt, anh Thành chia sẻ, trước đây, anh trồng cây tùng nhưng hiệu quả kinh tế không cao, do đó, anh chuyển sang trồng rau. Thời gian đầu, anh cũng như nhiều nông dân địa phương chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống, chạy theo sản lượng, sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học. Khi nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng buộc nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, anh quyết định chuyển sang trồng rau theo hướng hữu cơ.

Để nâng cao kỹ thuật, anh tích cực tìm hiểu và tham gia các khóa tập huấn về sản xuất rau quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ứng dụng công nghệ cao do ngành Nông nghiệp địa phương tổ chức. Sau khi nắm vững kiến thức, năm 2018, anh bắt tay vào làm. Đầu tiên, anh đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn rau. Theo đó, hệ thống tưới tự động được lắp đặt cố định dưới mặt đất theo khoảng cách cần thiết, anh chỉ mở khóa là béc tự động phun nước tưới rau. Sử dụng hệ thống tưới nước tự động này, anh chỉ mất gần 1 giờ để tưới vườn rau 0,6ha.

“Nhờ có hệ thống tưới tự động mà độ ẩm của vườn rau được duy trì rất tốt, đặc biệt là tiết kiệm nước, thời gian, công lao động. Bên cạnh đó, tôi cũng sử dụng phân hữu cơ bón lót và thuốc bảo vệ thực vật đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm bảo đảm nguồn rau sạch, chất lượng cho người tiêu dùng” – anh Thành chia sẻ thêm.

Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, việc chủ động đầu tư hệ thống tưới nước tự động của anh Thành là một trong những mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích đối với sản xuất nông nghiệp. Việc phun tưới tự động không chỉ giúp nông dân đỡ tốn công lao động, tiết kiệm chi phí vật tư mà quan trọng hơn là còn tiết kiệm được nguồn nước tưới. Đặc biệt, việc phun tưới tự động giúp các loại cây trồng thẩm thấu nước từ từ, nhờ đó, cây sinh trưởng, phát triển tốt, an toàn, hạn chế sâu, bệnh và đạt năng suất cao.

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Trước kia, gia đình anh Văn Thanh Liêm (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) và nhiều nông dân nơi đây chưa biết đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng, chủ yếu sử dụng sức lao động là chính. Điều này không chỉ làm chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận thấp mà việc tìm kiếm nhân công lao động ngày càng khó khăn. Do đó, anh Liêm ấp ủ ý định ứng dụng khoa học – kỹ thuật (KHKT) nhằm giảm nhân công, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.

Để làm được điều này, anh theo học ngành Bảo vệ thực vật và tham khảo, nghiên cứu các dòng máy khác nhau nhằm đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng từ khâu làm đất đến thu hoạch như máy cấy, máy bay phun thuốc, máy sạ hàng,… Đặc biệt, anh còn sang Trung Quốc tìm hiểu kỹ thuật sử dụng các loại máy ứng dụng trên đồng ruộng. Sau quá trình nghiên cứu, học hỏi, anh bàn bạc với gia đình đầu tư 1 máy cấy, 1 máy bay phun thuốc phục vụ trên 30ha lúa của gia đình. Anh Liêm cho biết: “Khi sử dụng máy cấy giảm từ 150kg lúa giống/ha còn 100kg lúa giống/ha, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 30%/ha. Với những hiệu quả của việc ứng dụng máy móc, thiết bị vào đồng ruộng, gia đình tôi đầu tư thêm máy cấy, máy bay phun thuốc để làm dịch vụ. Hiện gia đình tôi có 2 máy cấy, 7 máy bay phun thuốc, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 50 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng”.

Không chỉ áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, anh Liêm còn mở cửa hàng chuyên kinh doanh, sửa chữa thiết bị máy bay phun thuốc không người lái. Đây là cách anh Liêm chuyển giao KHKT cho nông dân, góp phần xây dựng vùng lúa chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập – Huỳnh Thanh Phong thông tin: “Hiện xã có trên 95% người dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, số còn lại sản xuất nhỏ, lẻ. Đạt được kết quả này, anh Liêm hỗ trợ địa phương rất nhiều bằng việc tổ chức các hội thảo đầu bờ, chuyển giao KHKT,… Có thể nói, anh Liêm là nông dân tiên phong ở địa phương thực hiện tốt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Dám nghĩ, dám làm

Chia tay anh Văn Thanh Liêm, chúng tôi ngược về xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng gặp anh Trương Hữu Trí – một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và có uy tín ở địa phương.

Đón chúng tôi tại trụ sở làm việc khang trang của HTX Nông nghiệp Gò Gòn, anh Trí kể: “Vùng đất Hưng Thạnh nói riêng, huyện Tân Hưng nói chung, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Song, những năm qua, điệp khúc “được mùa, mất giá”, nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng làm đời sống nông dân càng khó khăn hơn. Nông sản bán phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái”.

Năm 2005, anh tham gia HTX Nông nghiệp Gò Gòn và giữ chức vụ Giám đốc HTX. Với vai trò lãnh đạo, anh Trí lên kế hoạch hoạt động với những mục tiêu cụ thể, thiết thực và lộ trình bài bản theo từng giai đoạn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Ngoài ra, anh còn liên kết công ty cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào để trở thành đại lý cấp 1 và tìm được nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng phân phối lại cho thành viên với mức giá tốt nhất, giúp thành viên giảm một phần chi phí sản xuất. Về vấn đề chuyển giao KHKT anh nghiên cứu các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho kinh tế hợp tác để tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ. Riêng đối với việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản, anh lựa chọn, tìm hiểu kỹ từng doanh nghiệp mới bắt đầu ký kết nhằm bảo đảm quyền lợi của hai bên. Nhờ vậy, đến nay, HTX Nông nghiệp Gò Gòn không ngừng phát triển, đời sống thành viên ngày càng nâng lên, nhất là không còn phải chịu cảnh “được mùa, mất giá”.

Nhiều năm gắn bó với nông dân và ngành Nông nghiệp, anh Thành, anh Liêm và anh Trí nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Thế nhưng với họ, chỉ cần nhìn thấy người dân quê mình có được cuộc sống ổn định, ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững là điều hạnh phúc nhất./.

Theo vca.org.vn

Đó là câu chuyện tại hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tây Phú (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Làm cầu nối liên kết nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đơn vị nâng cao thu nhập cho thành viên và góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
 
Các thành viên thường xuyên thăm đồng, trao đổi kỹ thuật sản xuất

HTX nông nghiệp Tây Phú được thành lập năm 2015, gồm 31 thành viên, vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng. Đây là một trong số HTX nông nghiệp điển hình trên địa bàn huyện Thoại Sơn hoạt động hiệu quả, từng bước phát triển. Trung bình mỗi năm, HTX liên kết tiêu thụ khoảng 800ha lúa của thành viên, nông dân địa phương.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp Tây Phú Nguyễn Phi Sơn Hổ cho biết: “Hiện nay, HTX liên kết doanh nghiệp (DN) ký kết hợp đồng bao tiêu lúa sau khi thu hoạch. Vì vậy, các thành viên rất an tâm, phấn khởi với chuỗi liên kết, không phải lo bán lúa ở ngoài, bị thương lái ép giá như trước đây”.

Cùng với tăng cường liên kết DN, đơn vị phát triển đa dạng dịch vụ hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của thành viên và nông dân. Hiện nay, HTX đang cung ứng vật tư nông nghiệp, liên kết tiêu thụ lúa, bơm tiêu chống úng, sản xuất lúa giống và định hướng dịch vụ cung ứng gạo an toàn. Cụ thể, HTX cung ứng, hỗ trợ chi phí vật tư nông nghiệp cho thành viên, gồm: Giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật… từ đầu đến cuối vụ; chiết khấu 5% tổng chi phí đầu vào trong sản xuất.

Song song đó, cán bộ kỹ thuật (của DN liên kết với HTX) cùng nông dân thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, hỗ trợ kịp thời về mặt kỹ thuật, góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.

Ông Bùi Văn Thanh (thành viên HTX) chia sẻ: “Trước đây, đến khi bán lúa, chúng tôi bị thương lái ép giá. Nhưng từ khi vào HTX, tôi không còn sợ cảnh này nữa; giá bán lúa cao hơn trước. Cán bộ kỹ thuật của DN thường xuyên hướng dẫn canh tác, chăm sóc lúa, nên ruộng lúa của tôi đạt năng suất cao, chất lượng tốt”.

Bên cạnh đó, HTX định hướng thành viên và nông dân trồng lúa theo tiêu chuẩn an toàn, cung cấp cho DN thu mua lúa xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập trong sản xuất. “HTX cho thành viên, nông dân đăng ký mô hình sản xuất lúa an toàn, hay sản xuất lúa truyền thống. Nếu chọn mô hình sản xuất lúa an toàn, khi bán lúa sẽ được cộng thêm 100 – 150 đồng/kg lúa, tăng thêm thu nhập trên cùng 1 diện tích. Còn nếu chọn mô hình sản xuất lúa truyền thống, HTX vẫn ký kết hợp đồng với công ty tiêu thụ lúa phù hợp, tạo đầu ra ổn định” – ông Nguyễn Phi Sơn Hổ cho biết thêm.

Hiện nay, HTX nông nghiệp Tây Phú được tỉnh chọn tham gia thí điểm đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025”. Đơn vị tham gia mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Khi tham gia thí điểm, đơn vị được giới thiệu, phổ biến quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đo lường, bảo vệ quyền lợi cho HTX; hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng.

Đồng thời, được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng sản phẩm; được rà soát, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh. Qua triển khai thí điểm, cùng với nhiều HTX khác, HTX nông nghiệp Tây Phú sẽ trở thành kiểu mẫu, tạo sức hút để người dân, tổ chức, DN tham gia, liên kết.

Ông Nguyễn Phi Sơn Hổ chia sẻ, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn DN uy tín để liên kết, đưa ra dịch vụ phục vụ nhu cầu chung của thành viên, tạo ra sản phẩm chất lượng, hạn chế chi phí đầu tư và tăng giá trị sản phẩm, cạnh tranh với thị trường. Mục tiêu ấy hướng đến đảm bảo tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa với giá cả ổn định, cùng nhau phát triển bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Phú Nguyễn Thị Thúy nhận định: “Khi tham gia vào HTX, nông dân không những được hỗ trợ lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, dịch vụ nông nghiệp… rẻ hơn bên ngoài, mà còn được tiếp cận, ứng dụng khoa học – kỹ thuật canh tác mới.

Ngoài ra, HTX nông nghiệp Tây Phú ký hợp đồng liên kết với DN bao tiêu sản phẩm đầu ra, giá thu mua “ngợi” hơn, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, không bị thương lái ép giá. Vì vậy, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền nông dân (đang sản xuất cá thể) tham gia HTX, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững”.

Theo vca.org.vn

Phát huy vai trò kinh tế tập thể, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp làm tốt vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, tạo điều kiện cho đôi bên cùng có lợi.
 
Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh có 25 hợp tác xã tham gia liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp
1. Năm 2005, HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) được thành lập. Thời điểm đó, HTX đối diện với muôn vàn khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ giải thể. Nguyên nhân là Ban Giám đốc HTX thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành cùng với những khó khăn về nguồn vốn nên chưa mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên. Xác định được vấn đề này, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn – Trương Hữu Trí mạnh dạn cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để HTX vay vốn sản xuất và liên kết một công ty (Cty) cung ứng vật tư nông nghiệp cho thành viên HTX với giá bán thấp hơn thị trường; đồng thời, chủ động tìm kiếm các DN liên kết tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Đến nay, HTX liên kết trên 5 DN để cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho các thành viên, tổng diện tích trên 460ha. Ông Trí cho biết: “Khi tham gia HTX, thành viên được hưởng nhiều quyền lợi như mua vật tư nông nghiệp giá thấp hơn thị trường đến khi thu hoạch lúa mới thanh toán; sử dụng các dịch vụ của HTX với giá ưu đãi, thấp hơn bên ngoài từ 50.000-100.000 đồng/ha; lúa bán giá cao hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg và DN đến tận nơi thu mua;… Qua đó, giúp thành viên HTX giảm chi phí sản xuất từ 3-4 triệu đồng/ha. Song, các thành viên phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất của HTX đưa ra như thời gian xuống giống; hạn chế phân bón, thuốc hóa học; sử dụng giống lúa cấp xác nhận;… Trường hợp thành viên không tuân thủ quy trình sẽ bị loại ra khỏi HTX trong thời gian 3 năm. Riêng DN thu mua nông sản sẽ ký hợp đồng với HTX, trong đó, ghi rõ ngày ấn định giá trước thu hoạch từ 10-15 ngày, thời gian thu hoạch, tiền đặt cọc trước 5 triệu đồng/ha. Nếu DN không đến mua lúa đúng thời hạn, thành viên HTX có thể bán ra bên ngoài và không trả lại tiền cọc”.
Với sự hài hòa lợi ích của DN và các thành viên, HTX Nông nghiệp Gò Gòn trở thành đơn vị tiên phong trong liên kết sản xuất, nhất là tạo được lòng tin cho các thành viên. Ông Võ Văn Thưởng (thành viên HTX Gò Gòn) chia sẻ: “Hoạt động của các HTX đều công khai, minh bạch và lấy ý kiến các thành viên. Do đó, các thành viên luôn chấp hành nghiêm túc chủ trương của HTX đề ra”.
Còn HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) xây dựng quy trình sản xuất khép kín hoàn toàn từ đầu vào đến đầu ra thông qua các đối tác như Cty TNHH Con Cò Vàng, Tập đoàn An Nông, Cty TNHH Angel Fine Foods, Tập đoàn Tân Tạo,… Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm – Bùi Văn Tuấn thông tin: “Ban Giám đốc luôn nỗ lực làm tốt vai trò “cầu nối” giữa DN và thành viên HTX với mục đích đôi bên cùng có lợi. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ổn định, ngày càng phát triển mạnh, mang về nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần khẳng định uy tín của HTX, phát huy vai trò của kinh tế hợp tác trong thời kỳ đổi mới”.
2. Thực hiện cánh đồng lớn vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh có 25 HTX tham gia liên kết tiêu thụ với các DN bao tiêu sản phẩm, tổng diện tích trên 14.000ha. Các DN liên kết xây dựng cánh đồng lớn với 3 phương thức: Đầu tư đồng bộ đầu vào và thu mua sản phẩm, đầu tư một phần đầu vào và thu mua sản phẩm, chỉ thu mua sản phẩm.
Vụ Đông Xuân 2022-2023, Cty CP Tập đoàn Lộc Trời triển khai 151 lượt cánh đồng lớn, diện tích 10.300ha với trên 2.100 hộ tham gia. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Phát Lộc, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh – Lê Thanh Sơn chia sẻ: “Vụ Đông Xuân 2022-2023, HTX ký kết với Cty CP Tập đoàn Lộc Trời sản xuất 500ha lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Khi tham gia liên kết, Cty cử cán bộ kỹ thuật đến chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân, giúp nâng cao chất lượng nông sản. Đa số thành viên tham gia liên kết với Cty đều phấn khởi vì bảo đảm được đầu vào và đầu ra. Thực hiện liên kết và tham gia cánh đồng lớn, nông dân giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 2-3 triệu đồng/ha”.
Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi – Lê Hồng Sơn cho biết: “Hiện nay, HTX đóng vai trò quan trọng, làm “cầu nối” giữa DN và nông dân. Thực tế khẳng định, nơi nào HTX mạnh dạn tham gia liên kết cùng DN, đem về lợi ích cho nông dân thì nơi đó phát triển mạnh, tạo sự đồng thuận của các thành viên HTX. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyên, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy việc hình thành và nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện nông dân như tổ hợp tác, HTX; khuyến khích hỗ trợ các DN tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”./.

Theo vca.org.vn

All in one
Scroll to Top