Hợp tác xã – ‘cầu nối’ giữa doanh nghiệp và nông dân

Phát huy vai trò kinh tế tập thể, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp làm tốt vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, tạo điều kiện cho đôi bên cùng có lợi.
 
Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh có 25 hợp tác xã tham gia liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp
1. Năm 2005, HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) được thành lập. Thời điểm đó, HTX đối diện với muôn vàn khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ giải thể. Nguyên nhân là Ban Giám đốc HTX thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành cùng với những khó khăn về nguồn vốn nên chưa mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên. Xác định được vấn đề này, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn – Trương Hữu Trí mạnh dạn cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để HTX vay vốn sản xuất và liên kết một công ty (Cty) cung ứng vật tư nông nghiệp cho thành viên HTX với giá bán thấp hơn thị trường; đồng thời, chủ động tìm kiếm các DN liên kết tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Đến nay, HTX liên kết trên 5 DN để cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho các thành viên, tổng diện tích trên 460ha. Ông Trí cho biết: “Khi tham gia HTX, thành viên được hưởng nhiều quyền lợi như mua vật tư nông nghiệp giá thấp hơn thị trường đến khi thu hoạch lúa mới thanh toán; sử dụng các dịch vụ của HTX với giá ưu đãi, thấp hơn bên ngoài từ 50.000-100.000 đồng/ha; lúa bán giá cao hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg và DN đến tận nơi thu mua;… Qua đó, giúp thành viên HTX giảm chi phí sản xuất từ 3-4 triệu đồng/ha. Song, các thành viên phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất của HTX đưa ra như thời gian xuống giống; hạn chế phân bón, thuốc hóa học; sử dụng giống lúa cấp xác nhận;… Trường hợp thành viên không tuân thủ quy trình sẽ bị loại ra khỏi HTX trong thời gian 3 năm. Riêng DN thu mua nông sản sẽ ký hợp đồng với HTX, trong đó, ghi rõ ngày ấn định giá trước thu hoạch từ 10-15 ngày, thời gian thu hoạch, tiền đặt cọc trước 5 triệu đồng/ha. Nếu DN không đến mua lúa đúng thời hạn, thành viên HTX có thể bán ra bên ngoài và không trả lại tiền cọc”.
Với sự hài hòa lợi ích của DN và các thành viên, HTX Nông nghiệp Gò Gòn trở thành đơn vị tiên phong trong liên kết sản xuất, nhất là tạo được lòng tin cho các thành viên. Ông Võ Văn Thưởng (thành viên HTX Gò Gòn) chia sẻ: “Hoạt động của các HTX đều công khai, minh bạch và lấy ý kiến các thành viên. Do đó, các thành viên luôn chấp hành nghiêm túc chủ trương của HTX đề ra”.
Còn HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) xây dựng quy trình sản xuất khép kín hoàn toàn từ đầu vào đến đầu ra thông qua các đối tác như Cty TNHH Con Cò Vàng, Tập đoàn An Nông, Cty TNHH Angel Fine Foods, Tập đoàn Tân Tạo,… Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm – Bùi Văn Tuấn thông tin: “Ban Giám đốc luôn nỗ lực làm tốt vai trò “cầu nối” giữa DN và thành viên HTX với mục đích đôi bên cùng có lợi. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ổn định, ngày càng phát triển mạnh, mang về nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần khẳng định uy tín của HTX, phát huy vai trò của kinh tế hợp tác trong thời kỳ đổi mới”.
2. Thực hiện cánh đồng lớn vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh có 25 HTX tham gia liên kết tiêu thụ với các DN bao tiêu sản phẩm, tổng diện tích trên 14.000ha. Các DN liên kết xây dựng cánh đồng lớn với 3 phương thức: Đầu tư đồng bộ đầu vào và thu mua sản phẩm, đầu tư một phần đầu vào và thu mua sản phẩm, chỉ thu mua sản phẩm.
Vụ Đông Xuân 2022-2023, Cty CP Tập đoàn Lộc Trời triển khai 151 lượt cánh đồng lớn, diện tích 10.300ha với trên 2.100 hộ tham gia. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Phát Lộc, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh – Lê Thanh Sơn chia sẻ: “Vụ Đông Xuân 2022-2023, HTX ký kết với Cty CP Tập đoàn Lộc Trời sản xuất 500ha lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Khi tham gia liên kết, Cty cử cán bộ kỹ thuật đến chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân, giúp nâng cao chất lượng nông sản. Đa số thành viên tham gia liên kết với Cty đều phấn khởi vì bảo đảm được đầu vào và đầu ra. Thực hiện liên kết và tham gia cánh đồng lớn, nông dân giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 2-3 triệu đồng/ha”.
Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi – Lê Hồng Sơn cho biết: “Hiện nay, HTX đóng vai trò quan trọng, làm “cầu nối” giữa DN và nông dân. Thực tế khẳng định, nơi nào HTX mạnh dạn tham gia liên kết cùng DN, đem về lợi ích cho nông dân thì nơi đó phát triển mạnh, tạo sự đồng thuận của các thành viên HTX. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyên, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy việc hình thành và nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện nông dân như tổ hợp tác, HTX; khuyến khích hỗ trợ các DN tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”./.

Theo vca.org.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang