PGS.TS. CHU TIẾN QUANG – Nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển kinh tế nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong hợp tác xã (HTX). Bởi lẽ, nếu cho phép, rất có thể sẽ hình thành thị trường tài chính trong HTX và làm sai lệnh bản chất của vốn góp vào HTX.
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ Năm này, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội bấm nút, Ban soạn thảo cần cân nhắc một số vấn đề.
Định nghĩa đúng hơn về bản chất hợp tác xã
Tổ chức Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) đưa ra định nghĩa về HTX ở thế kỷ XXI như sau: “HTX là một hiệp hội tự chủ của những người tự nguyện đoàn kết tham gia để đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hóa của họ thông qua một doanh nghiệp đồng sở hữu và được kiểm soát một cách dân chủ”.
Như vậy, theo ICA, bản chất của HTX được phản ánh bởi 2 loại tổ chức, đó là “hiệp hội tự chủ” và “doanh nghiệp đồng sở hữu”. Theo đó, cần hiểu HTX là một loại hình doanh nghiệp đặc thù mà chủ sở hữu không phải một hoặc một nhóm thành viên mà thuộc về tất cả các thành viên góp vốn. Không phân biệt góp nhiều hay ít, các thành viên đều có quyền sở hữu như nhau đối với HTX và tham gia quản lý HTX theo nguyên tắc dân chủ, mỗi người một phiếu biểu quyết.
Với tính chất là một doanh nghiệp đồng sở hữu của các thành viên góp vốn, HTX thực hiện 2 hoạt động song song, đó là hoạt động phục vụ thành viên của chính nó và hoạt động kinh doanh với khách hàng không là thành viên. Trong đó, hoạt động phục vụ thành viên là chủ yếu và không mang tính chất lợi nhuận, còn hoạt động kinh doanh với khách hàng không là thành viên là thứ yếu và mang tính chất lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa HTX có 2 thị trường để vận hành và phát triển, gồm thị trường nội bộ (hình thành bởi các giao dịch giữa HTX với khách hàng là thành viên nhằm phục vụ thành viên) và thị trường bên ngoài (hình thành bởi các giao dịch kinh tế giữa HTX với khách hàng không là thành viên nhằm kinh doanh thu lợi nhuận, lợi nhuận này phải thuộc về tập thể thành viên).
Làm rõ đặc trưng của hợp tác xã
Từ bản chất trên đây, người viết cho rằng, HTX có 5 đặc trưng kép.
Thứ nhất, đặc trưng kép về vai trò “kinh tế và xã hội” nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thành viên. Trong đó, “vai trò về kinh tế” có ý nghĩa tạo điều kiện cho thành viên phát triển kinh tế, “vai trò xã hội” có ý nghĩa tạo mối quan hệ xã hội tốt đẹp giữa các thành viên cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro.
Thứ hai, đặc trưng kép về thành viên, gồm thành viên chính và thành viên liên kết tạo nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ đủ lớn và ổn định để HTX hoạt động có hiệu quả. Trong đó, nhóm thành viên chính phải góp vốn, còn thành viên liên kết không góp vốn mà chỉ đóng phí để được sử dụng sản phẩm, dịch vụ do HTX cung ứng.
Trong những năm qua, do chưa chú trọng phát triển thành viên nên số lượng thành viên trong các HTX rất ít, các HTX không có thị trường nội bộ đủ lớn để hoạt động hiệu quả. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã cho thấy, số lượng HTX tăng, nhưng số lượng thành viên lại giảm đi dẫn tới hoạt động dịch vụ phục vụ thành viên không có điều kiện để phát triển. Các HTX buộc phải hướng vào hoạt động kinh doanh ra thị trường bên ngoài. Vì vậy, cần có quy định HTX phải phát triển thành viên chính và thành viên liên kết hàng năm để tạo thị trường nội bộ đủ lớn cho HTX hoạt động.
Thứ ba, đặc trưng kép về “hoạt động phục vụ thành viên” và “hoạt động kinh doanh với khách hàng không là thành viên”. Đặc trưng này có ý nghĩa xác định rõ chức năng vừa phải đáp ứng các nhu cầu kinh tế, xã hội và văn hóa của thành viên đặt ra, vừa có cơ hội tham gia thị trường bên ngoài để phát triển thông qua hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp đồng sở hữu. Trong thực hiện đặc trưng này thì hoạt động phục vụ thành viên là cơ bản, là lý do để tổ chức HTX tồn tại, còn hoạt động kinh doanh có ý nghĩa bổ trợ, tạo điều kiện HTX phát triển lớn mạnh hơn trong kinh tế thị trường.
Thứ tư, đặc trưng kép về thị trường gồm thị trường nội bộ và thị trường bên ngoài. Trong thị trường nội bộ thì HTX sử dụng giá nội bộ có lợi cho thành viên, còn giao dịch bên ngoài thì HTX sử dụng giá thị trường. Dự thảo Luật cần xác định rõ vấn đề này, đồng thời cần quy định rõ thu nhập của HTX từ các giao dịch nội bộ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, khác với giao dịch bên ngoài là lợi nhuận phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đó, làm rõ sự khác biệt của HTX với các loại hình công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp.
Thứ năm, HTX có đặc trưng kép về sở hữu gồm sở hữu thành viên và sở hữu chung tập thể. Theo đó, thu nhập của HTX từ các giao dịch bên trong (thặng dư) có thể phân phối lại cho thành viên là chính, còn thu nhập từ bên ngoài là lợi nhuận sau thuế phải đưa vào tích lũy cho tập thể là chủ yếu. Luật cần quy định rõ điều này.
Mặt khác, dự thảo cũng cần quy định rõ khi HTX cần huy động vốn thì phải huy động từ thành viên là chính, nếu không đủ mới huy động từ bên ngoài.
Quy định rõ việc kiểm toán
Dự thảo Luật cũng cần cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong HTX. Bởi lẽ, thành viên góp vốn vào HTX không phải để kiếm lời, mà để thể hiện trách nhiệm của họ trong tham gia vào HTX. Người ta sẽ chỉ chuyển nhượng vốn nếu có lợi nhuận từ đồng vốn đó, nếu cho phép chuyển nhượng vốn góp, rất có thể sẽ hình thành thị trường tài chính trong HTX và làm sai lệnh bản chất của vốn góp vào HTX.
Kiểm toán HTX cũng là một vấn đề vô cùng bức thiết. Luật Hợp tác xã năm 2012 đã đề cập vấn đề này nhưng chưa rõ. Dự thảo Luật lần này đã quy định rõ hơn, song cần phân biệt kiểm toán nội bộ khác với kiểm toán HTX. Kiểm toán HTX không chỉ là kiểm toán, mà còn phải tư vấn, giúp các HTX hoạt động không rủi ro. Kinh nghiệm của nhiều nước thực hiện kiểm toán HTX cho thấy đây là giải pháp ngăn ngừa các rủi ro cho HTX. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ các HTX phải thực hiện kiểm toán kể từ ngày thành lập, các hình thức và nội dung kiểm toán kết hợp tư vấn phát triển phù hợp với các HTX mới thành lập và HTX đã hoạt động lâu năm.
Một điểm đáng lưu tâm nữa là, dự thảo Luật đã đưa ra các chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường… để HTX phát triển. Song, cần làm rõ hơn tính đồng bộ của các chính sách này theo 3 nhóm sau. Một là, nhóm chính sách định hướng cho HTX phát triển. Hai là, nhóm chính sách tạo động lực, hỗ trợ ưu đãi để HTX có điều kiện thuận lợi phát triển. Ba là, nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro cho các HTX.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định về điều kiện để thụ hưởng chính sách, nhưng chưa quy định về việc khi hưởng chính sách thì HTX phải cam kết gì để bảo đảm hiệu quả của chính sách. Dự thảo nên bổ sung quy định về vấn đề này.