Huyện Cờ Đỏ đã đẩy mạnh phát triển toàn diện nền nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị trên cùng một diện tích góp phần to lớn vào việc nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, huyện đã tập trung nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất để phát triển nông nghiệp chất lượng cao, sản xuất sạch và tăng trưởng xanh bền vững…
Trên cơ sở xác định thế mạnh là sản xuất lúa chất lượng cao, huyện đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển các cánh đồng mẫu (CĐM), cánh đồng lớn (CĐL) và mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản. Qua đó phát triển sản xuất theo quy mô lớn, chất lượng cao gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật tiên tiến và có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Mô hình CĐM và CĐL được huyện Cờ Đỏ triển khai thực hiện từ vụ đông xuân 2011-2012 với diện tích ban đầu chỉ 428ha đến nay đã nhân rộng hầu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với diện tích đạt hơn 11.000 ha/vụ và có nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân. Vụ đông xuân 2022-2023, huyện Cờ Đỏ xuống giống 21.589ha lúa, chủ yếu là các giống lúa thơm như Đài Thơm 8, RVT, ST 24, Jasmine 85, OM 18… Vụ này có 11.332ha lúa của 4.270 hộ nông dân tham gia CĐM, CĐL và 20 đơn vị, doanh nghiệp, hộ tiểu thương tham gia liên kết, bao tiêu lúa cho nông dân. Còn vụ hè thu 2023, Cờ Đỏ xuống giống được 21.488ha lúa, với chủ yếu là các giống lúa chất lượng và lúa thơm như OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8 và RVT, trong đó có 11.139ha lúa tham gia các mô hình CĐM và CĐL.
Diện tích lúa tham gia CĐM và CĐL trên địa bàn huyện Cờ Đỏ đã không ngừng gia tăng và mô hình này đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Ông Nguyễn Danh Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Dũng ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Với sự liên kết giữa các hộ dân gắn với sự tham gia cung ứng các loại vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp, nông dân ổn định được đầu ra sản phẩm và có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm. Vụ lúa đông xuân 2022-2023, HTX có 220ha lúa của 101 hộ dân tham gia sản xuất các giống lúa Đài Thơm 8 và Jasmine 85, với năng suất đạt bình quân 1,15 tấn/công tầm lớn và được doanh nghiệp thu mua lúa tươi giá 6.700-6.750 đồng/kg, trừ đi chi phí bà con có lời hơn 4 triệu đồng/công. Còn vụ hè thu 2023, 220ha lúa tại HTX sạ giống OM 18 và đã thu hoạch được 50% diện tích. Năng suất lúa tươi đạt bình quân 850 kg/công và được doanh nghiệp bao tiêu với giá 6.700 đồng/kg, cao hơn 100 đồng/kg so với giá thị trường vào thời điểm thu hoạch. Ước tính vụ này nông dân có lời trên 2,5 triệu đồng/công”.
Theo ông Dũng, vụ lúa thu đông 2023 tới đây, HTX tiếp tục liên kết sản xuất lúa ngon, chất lượng cao và an toàn theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và dự kiến mở rộng vùng sản xuất từ 220ha lên 270ha do hiện có thêm nhiều hộ dân đăng ký tham gia HTX.
Nhiều hộ dân cũng đã nâng cao được thu nhập nhờ xây dựng, phát triển được các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng đổi mới, đa dạng cơ cấu cây trồng vật nuôi. Ông Bùi Thanh Bình ngụ xã Đông Hiệp, cho biết: “Gia đình tôi có 6 công đất, trước đây dù sản xuất 3 vụ lúa/năm nhưng mỗi năm chỉ kiếm lời từ 40-50 triệu đồng trở lại. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, gia đình tôi đã có thu nhập cao gấp 5 lần so với trước nhờ phát triển trồng các loại cây ăn trái phục vụ xuất khẩu là cây mít Thái và mãng cầu xiêm. Trong nhiều tháng qua, giá trái mít Thái và mãng cầu xiêm luôn duy trì ở mức khá cao nên người trồng có thu nhập rất tốt”. Với lợi thế có nguồn nước ngọt quanh năm, cùng nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và có các hệ thống đê bao, thủy lợi khá tốt, huyện Cờ Đỏ đã từng bước phát triển đa dạng thêm nhiều loại cây trồng vật nuôi khác, nhất là trồng cây ăn trái. Hiện huyện Cờ Đỏ có tổng diện tích vườn cây ăn trái hơn 4.843ha, tập trung chủ yếu tại các xã Thới Hưng, Đông Hiệp, Trung Hưng… Nhiều diện tích vườn cây ăn trái đang giúp nông dân có doanh thu và lợi nhuận cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Được sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng tại địa phương, nông dân cũng đã liên kết thành lập các HTX và tổ hợp tác trồng cây ăn trái nhằm phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, an toàn, đạt theo các tiêu chuẩn và chất lượng đáp ứng yêu cầu cả của cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hằng năm huyện Cờ Đỏ cũng có hơn 5.000ha sản xuất rau màu các loại, hơn 6.000ha nuôi trồng thủy sản và huyện cũng có đàn gia súc gia cầm khá lớn. Trong gần 5 tháng đầu năm 2023, huyện đã xuống giống gieo trồng rau màu các loại đạt hơn 3.400ha, đạt 68,01% so với kế hoạch. Diện tích thả nuôi thủy sản đạt hơn 2.111ha, đạt 35,19% so với kế hoạch. Tổng đàn gia súc gia cầm trên địa bàn huyện hiện đạt 220.533 con.
Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, huyện đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp cho từng vùng sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, đặc biệt xây dựng được Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đây là cơ sở để chuyển đổi các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Chuyển đổi và phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn, có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, sản xuất theo quy trình VietGAP, SRP, an toàn sinh học…