Mặc dù HTX là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, còn doanh nghiệp là đầu tàu trong chuỗi giá trị sản xuất. Vậy nhưng, nhiều yếu tố đang khiến hoạt động liên kết này chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp, nên còn hạn chế trong khai thác tiềm năng của chuỗi liên kết.
HTX nông nghiệp công nghệ cao La’farm Ân Phong (Bình Định) đang đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và muốn mở rộng quy mô sản xuất.
HTX khó khăn, doanh nghiệp chưa mặn mà
Nhưng việc thuê đất, vay vốn tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Đi liền với đó là sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, bão lũ nên dù biết hiệu quả của mô hình nông nghiệp công nghệ cao, HTX cũng không dám đầu tư mạnh. Theo ông Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTX Ân Phong, những khó khăn trên cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp hạn chế liên kết với HTX.
Có thể thấy, một trong những điều khiến HTX và doanh nghiệp chưa đến được gần nhau đó là nông nghiệp là ngành nghề phụ thuộc vào thời tiết nên rủi ro cao, bấp bênh. Ngoài ra, nhiều HTX nông nghiệp không đủ vốn, không đủ công nghệ, quy mô chưa lớn nên không bảo đảm cung cấp nguyên liệu, sản phẩm liên tục cho doanh nghiệp.
Còn về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị cho biết cũng gặp vướng mắc khi đầu tư vào nông nghiệp và liên kết với HTX vì hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản của HTX cao hơn thị trường 10-15%. Nhưng xét về lợi nhuận cho thành viên HTX thì có thể chưa đủ so với những gì HTX phải bỏ ra để bảo đảm quy trình sản xuất. Nhiều HTX có thể chấp nhận giá mua đó chủ yếu là để xây dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường. Nhưng về lâu dài, mối liên kết này khó bền vững.
Chia sẻ về khó khăn khi liên kết với HTX, một doanh nghiệp thu mua và kinh doanh bột sắn dây ở Hải Dương, cho biết ngành hàng của đơn vị được miễn thuế VAT khi xuất khẩu. Nhưng hiện nay, các thủ tục hành chính phục vụ hoàn thuế diễn ra rườm rà, mất rất nhiều thời gian gây khó khăn trong việc bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như khó khăn trong trả tiền cho HTX, người dân liên kết bán nguyên liệu.
Ngoài ra, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ với những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng khó tiếp cận. Bởi theo đơn vị này, Nghị định quy định chỉ những doanh nghiệp đầu tư ở cấp xã mới được nhận hỗ trợ, còn đầu tư tại cấp phường, thị xã không được hỗ trợ là chưa công bằng và càng đẩy xa mối liên kết giữa doanh nghiệp với HTX, nông dân.
Cần ngồi lại với nhau
Qua tìm hiểu từ những HTX hoạt động hiệu quả trên cả nước, có thể thấy rằng những HTX này đều xây dựng và thu hút được doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Nhiều doanh nghiệp hiện nay còn tham gia góp vốn làm thành viên HTX, hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường. Chính vì vậy, chỉ có đẩy mạnh liên kết giữa HTX và doanh nghiệp mới giải quyết được những khó khăn thực tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, mấu chốt để HTX và doanh nghiệp liên kết được với nhau là cần sự chuyên nghiệp đến từ cả hai phía. Cả HTX và doanh nghiệp cần phải biết tôn trọng nhau trong liên kết và chịu trách nhiệm với cam kết của mình khi ký kết hợp đồng.
Tuy nhiên, muốn tìm ra lợi ích hài hòa, cả HTX và doanh nghiệp cần ngồi lại và bàn bạc với nhau để tìm ra hướng đi lâu dài. Một trong những khó khăn của các HTX hiện nay là thiếu vốn, thiếu công nghệ. Điều này doanh nghiệp cần xác định HTX là đầu vào cung cấp nguyên liệu. Nếu thiếu HTX, doanh nghiệp khó có thể duy trì được sản xuất kinh doanh, nhất là với những doanh nghiệp chuyên sơ chế, chế biến nông sản.
Nhưng ngược lại, những khó khăn về đất đai, tiếp cận chính sách hỗ trợ mà cả HTX và doanh nghiệp đang gặp phải thì cần phải có bàn tay của Nhà nước để tháo gỡ. Chẳng hạn như những bất cập về Luật Đất đai, về đầu tư cơ sở hạ tầng, về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… đang cản trở liên kết giữa HTX, doanh nghiệp nên cần nhanh chóng được giải quyết.
Ông Nguyễn Sỹ Bính, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nuôi trồng Thủy sản Phất Cờ (Quảng Ninh) cho biết, để thu hút doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, các cơ quan quản lý phải tháo gỡ khó khăn cho HTX khi vay vốn.
Bởi hiện nay, để được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thành viên HTX phải có diện tích nuôi được cấp phép theo đúng quy hoạch và lồng nuôi phải bảo đảm về vật liệu. Vậy nhưng địa phương lại chưa có hướng dẫn và thực hiện phân định rõ phần vùng nuôi thủy sản trên biển nên các thành viên không thể đầu tư cho sản xuất. “Trong khi phát triển thủy sản trên biển đang là chủ trương được Nhà nước khuyến khích”, ông Bính chia sẻ.
Một vấn đề cần quan tâm hiện nay để thu hút doanh nghiệp liên kết với HTX đó là bản chất của nông nghiệp là chịu tác động trực tiếp từ thiên tai, dịch bệnh có khả năng sẽ ập tới bất kỳ lúc nào. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất và lợi nhuận của HTX và doanh nghiệp. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần có những cơ chế thiết thực để hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nếu chẳng may gặp khó khăn, thậm chí rơi vào cảnh “trắng tay”. Do đó, cần xem xét phát triển các loại hình bảo hiểm nông nghiệp với điều kiện phù hợp, có như vậy, HTX và doanh nghiệp mới có thể yên tâm liên kết và đầu tư lớn hơn.