Mệnh danh là vựa lúa gạo, thủy sản, trái cây phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ÐBSCL có hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng, phong phú với những lợi thế riêng có mang đến lợi ích kinh tế – xã hội to lớn, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của toàn vùng và tiến trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, ÐBSCL cũng đứng trước những thách thức tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế, tác động của biến đổi khí hậu, những đòi hỏi khách quan để không bị bỏ lại phía sau. Phát huy những trụ cột bao đời về lợi thế thiên nhiên ưu đãi, nông nghiệp đất Chín Rồng đứng trước bài toán thích ứng với những biến đổi bất ngờ, vươn mình phát triển mạnh mẽ từ nguồn tài nguyên bản địa, từ những bàn tay, khối óc cần cù lao động, không ngừng học hỏi, vững tin hội nhập…
Nhắc đến ÐBSCL, người ta nghĩ đến những cánh đồng lúa bạt ngàn, vùng nuôi thủy sản rộng lớn, vườn cây sum suê hoa trái… Ðó là câu chuyện của nhiều năm trước, còn hôm nay, khi đến với ÐBSCL, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì nông sản đồng bằng không chỉ khoác lên mình diện mạo mới mà còn tạo nên những giá trị rất riêng và có tên tuổi hẳn hoi. Bằng con tim, khối óc gắn bó với vùng đất nghĩa tình, các doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã đã làm nên kỳ tích và không ngừng vươn đến khát vọng đưa nông sản đồng bằng sánh vai trên trường quốc tế.
Tình đất, tình người
Gặp cha đẻ của các sản phẩm giá trị gia tăng làm từ trái dừa sáp Cầu Kè trứ danh, anh Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap), bộc bạch: “Từ lâu, trái dừa sáp như một đứa con tinh thần của người dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Cơm dừa sáp không cứng như các loại dừa thông thường mà dẻo và mềm, nước dừa không lỏng mà sệt có vị ngọt thanh, thơm mát nên có giá bán cao gấp 10 lần trái dừa thông thường. Nhưng câu chuyện trái dừa sáp bao năm qua chỉ dừng lại ở đó. Người tiêu dùng chỉ có thể mua dừa sáp đắt tiền về ăn tươi hoặc xay sinh tố mà không có cách chế biến nào mới hơn nữa. Từ đó tôi tâm nguyện sẽ thay bộ áo mới cho trái dừa sáp và mang đến trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Từ trăn trở và tâm huyết đó, anh Trần Duy Linh đã cho ra đời nhiều sản phẩm làm từ dừa sáp: kẹo dừa sáp ca cao, kẹo dừa sáp lá dứa, cơm dừa sáp sợi, sữa chua dừa sáp sấy giòn tan, dừa sáp sấy khô giòn tan. Ðặc biệt, dừa sáp sấy khô giòn tan được làm từ công nghệ sấy lạnh của Nhật Bản nên giữ được trọn vẹn hương vị và 100% dinh dưỡng của trái dừa sáp tươi. Khi ăn, người tiêu dùng sẽ cảm thấy từng miếng dừa sáp rất giòn và tan dần trên đầu lưỡi”.
Nếu trái dừa sáp gắn liền với địa danh Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh thì trái bưởi da xanh được khơi nguồn và gắn chặt với tỉnh Bến Tre. Ðến Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu ngay vào dịp công ty tất bật chuẩn bị đơn hàng bưởi da xanh xuất đi thị trường Hoa Kỳ, tôi thấy được sự kỳ công, tinh xảo trong hành trình “khoác chiếc áo mới” cho trái bưởi da xanh Bến Tre sang xứ sở cờ hoa. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty, chia sẻ: “Ðối với trái bưởi, ngoài những tiêu chí cơ bản như có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và quy trình canh tác được phía Hoa Kỳ phê duyệt, chiếu xạ trước khi xuất hàng đi thì quốc gia này còn kiểm tra nghiêm ngặt về sinh vật gây hại. Do vậy, trước khi xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ, người công nhân phải qua khâu “làm đẹp” soi đèn từng vị trí nhỏ trên mỗi trái bưởi da xanh, sao cho đảm bảo không có sinh vật gây hại bám được trên trái. Hiện công ty đã xuất được 6 loại trái cây sang Mỹ gồm nhãn, chôm chôm, xoài, vú sữa, thanh long và bưởi da xanh. Trong đó, chúng tôi kỳ vọng vào trái bưởi da xanh hơn cả bởi có thể cạnh tranh từ hương vị đặc trưng, múi mọng nước, vị ngọt thanh, thời gian bảo quản dài”.
Hòa vào dòng chảy làm nên bản sắc, giá trị riêng cho nông sản đồng bằng, câu chuyện khởi nghiệp với dược trà từ nông sản của bà Ðoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie & Panacee là một trong những minh chứng. Bà Ðoàn Thị Hồng Thắm chia sẻ: Nông sản ÐBSCL vô cùng đa dạng, phong phú và trong mỗi loại đều có dược tính nhất định. Y học cổ truyền Việt Nam từng có nhiều khoảng thời gian phát triển rực rỡ nhờ dựa trên nguồn dược liệu Việt, nhưng ngày càng mai một đi, do tính không tiện lợi và không “ngon miệng” của các vị thuốc. Từ thực tế đó, tôi chọn phát triển dòng sản phẩm dược trà với điều tâm nguyện: khai thác được giá trị dược liệu trong nông sản; ứng dụng khoa học của ngành dược vào chiết xuất, chế biến nông sản thành dược liệu chăm sóc sức khỏe; chế biến thành trà – loại thức uống thân thiện với mọi người dân Việt; mùi vị thơm, ngon, dễ uống và quan trọng nhất là phải tiện lợi trong sử dụng. Với “đề bài” đặt ra, bà Ðoàn Thị Hồng Thắm đã cho ra 12 sản phẩm trà hòa tan từ gừng, tía tô, húng chanh, bí đao, sen, gạo lứt… với tính chất cô đặc dược liệu, chế biến tinh gọn, dạng dùng đơn giản và mùi vị thơm ngon.
Cơ hội mới, hành động mới
Với việc không ngừng củng cố nội lực của doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã tại ÐBSCL cộng với hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết đã và sẽ tiếp tục mở đường cho nông sản thâm nhập thị trường thế giới. Tháng 9-2020, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo vào châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA). Và 2 năm sau đó, tháng 9-2022, Lộc Trời trở thành doanh nghiệp tiên phong, tự tin bước vào sân chơi quốc tế, bằng việc bán gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn: Cơm ViệtNam Rice vào Carrefour và Leclerc – 2 hệ thống phân phối hàng đầu với tổng cộng gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích trên toàn nước Pháp. “Ðây là bước tiến đầy ý nghĩa trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo cho doanh nghiệp và cho nông sản Việt Nam trên thương trường quốc tế. Song song với nỗ lực thực hiện sứ mệnh “Cùng nông dân phát triển bền vững”, chúng tôi cũng sẽ cố gắng từng ngày để dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, người Việt Nam đều có thể dùng hàng Việt Nam, dùng gạo Lộc Trời từ Việt Nam” – ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, tự hào.
Sự kiện trái bưởi da xanh mang thương hiệu Chánh Thu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ vào tháng 11-2022 là một trong những kỷ niệm khó quên với doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Thu. Bởi đây cũng là lô bưởi Việt Nam đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Thu chia sẻ: “Lô bưởi này được vận chuyển trong 6 container với tổng sản lượng 100 tấn, trong đó có 4 container đi bằng máy bay và 2 container đi bằng đường biển. Ngày lô bưởi đầu tiên lên đường xuất ngoại, tôi cảm thấy rất tự hào vì mình là người con của mảnh đất Bến Tre đã góp phần đưa trái bưởi của quê hương xứ sở vươn khơi đến một trong những thị trường khó tính trên thế giới. Niềm hạnh phúc càng vỡ òa khi nhiều đồng hương Bến Tre đang định cư tại Hoa Kỳ chia sẻ với tôi về hình ảnh trái bưởi quê nhà đã vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tại đây”.
Hành trình đưa nông sản đồng bằng vươn khơi không chỉ có các doanh nghiệp gạo cội mà còn có các doanh nghiệp còn rất trẻ. Sau 3 năm ra đời, Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) đã đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của mình bằng hợp đồng xuất khẩu sản phẩm mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa sang Nhật vào tháng 8-2021. Thừa thắng xông lên, mật hoa dừa Sokfarm đang hướng đến các thị trường như Trung Quốc, Ðức… Trao đổi với tôi sau chuyến đi tham dự hội chợ Biofach 2023 – Hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ tại Nürnberg, Cộng hòa Liên bang Ðức, anh Phạm Ðình Ngãi, Giám đốc Sokfarm, cho biết: “Lần này, Sokfarm tự hào mang đến 4 dòng sản phẩm thuần thực vật, chuẩn hữu cơ, đạt các chứng nhận về hữu cơ quốc tế như USDA, JAS, ISO22000, FDA: nước tương mật hoa dừa hữu cơ Sokfarm, mật hoa dừa hữu cơ Sokfarm, đường hoa dừa hữu cơ Sokfarm, giấm mật hoa dừa hữu cơ Sokfarm. Tham gia hội chợ lần này, ngoài mục tiêu tìm kiếm khách hàng, Sokfarm cũng mong muốn tìm hiểu văn hóa, xu hướng thị trường, học các kinh doanh của khối châu Âu. Ðây là cơ hội để Sokfarm kết nối và lan tỏa câu chuyện về thương hiệu, về sản phẩm, về hành trình mang nông nghiệp hạnh phúc đi muôn nơi mà tập thể Sokfarm luôn theo đuổi”.
***
Nông sản ÐBSCL đã có những bước tiến dài. Song dưới áp lực của biến đổi khí hậu; suy thoái nguồn tài nguyên đất, nước; áp lực cạnh tranh và yêu cầu ngày càng cao từ khách hàng, đòi hỏi quá trình sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản phải hài hòa cả ba yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường.