Khó khăn bủa vây HTX chăn nuôi theo chuỗi

Thị trường thịt sản xuất theo chuỗi từ A-Z nhận được sự tham gia của không ít HTX. Vậy nhưng, những HTX này đang phải thu hẹp quy mô, công suất vì chăn nuôi gặp khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Dù làm phép tính cộng, trừ hay nhân chia đi chăng nữa thì ai cũng biết thu nhập của người dân, HTX chăn nuôi và chế biến thịt theo quy trình 3F (Feed-Farm-Food) khó có thể cao trong thời điểm hiện nay.

Cạnh tranh từ nhiều nhiều phía

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long (Hà Nội) cho biết nếu như phân khúc thịt bình dân đang chật vật với nguồn thịt nhập khẩu giá rẻ thì phân khúc thịt sạch, chế biến của các HTX cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp với số lượng tham gia đông đảo. Đặc biệt, vấn đề giá cả, nguyên liệu đầu vào cao thì dù các doanh nghiệp hay HTX cũng đều gặp khó khăn

“Các chuỗi cửa hàng thịt “heo ăn chuối” “heo ăn chay” năm ngoái ra mắt đình đám như vậy nhưng nay không có thông tin về mở thêm chi nhánh mà chủ yếu là các thông tin về khuyến mãi đã cho thấy phân khúc này khó khăn như thế nào”, ông Long cho biết.

Ông Trần Quốc Thắng, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong (TP HCM), cho biết kế hoạch liên kết với các HTX chăn nuôi khác để mở chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong năm nay của HTX đã phải dừng lại vì thành viên giảm 30-40% đàn nuôi. Trong khi đầu ra dồi dào thì sức mua lại yếu.

Theo các HTX, áp dụng quy trình chăn nuôi, chế biến theo hình thức từ trang trại đến bàn ăn sẽ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và là xu thế của thị trường.

Vậy nhưng chi phí để vận hành trang trại, vận chuyển và đưa các sản phẩm này vào các chuỗi bán lẻ lại đang cao hơn so với sản phẩm thịt nóng, thịt tươi. Điều này cũng sẽ đẩy giá sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng tăng lên 20-30% so với thịt tươi.

HTX Hoàng Long đi đầu trong phát triển chuỗi thịt lợn từ A-Z.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng cân nhắc, nâng lên đặt xuống khi mua. Nhất là trong thời điểm nhiều người đang thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn như hiện nay.

Nhiều người cũng chuyển qua mua những thực phẩm chứa đạm có giá rẻ hơn như trứng, cá,… thay vì vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch mua các loại thịt mát.

Thay vì lựa chọn các sản phẩm thịt mát, chế biến theo chuỗi, nhiều người tiêu dùng cũng đã quay trở lại với việc mua thịt ở các chợ truyền thống, mua những loại thịt, phụ phẩm, nội tạng nhập từ nước ngoài với giá dễ chịu hơn.

Khó khăn vẫn ở trước mắt

Theo các chuyên gia thị trường thịt sản xuất theo chuỗi từ A-Z khi mới ra đời nhận được sự quan tâm nhiệt tình của người tiêu dùng. Tuy nhiên chỉ khi nhận thức về sức khỏe, thu nhập, kiến thức dinh dưỡng của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng thì nhu cầu sử dụng loại thực phẩm này cũng tăng lên. Còn hiện nay, nền kinh tế đang gặp khó khăn và tác động trực tiếp đến thu nhập cũng như nhận thức của người tiêu dùng.

Dự báo của Ipsos Việt Nam, cho thấy nhiều người tiêu dùng hiện nay đã hạ tiêu chuẩn mua hàng và dự báo, tình hình này vẫn sẽ kéo dài đến hết quý 3/2024.

Trước dự báo trên, nhiều HTX đang tính toán lại quy mô sản xuất, tìm kiếm hướng đi phù hợp như giảm quy mô, công suất để đợi thị trường đi lên.

Theo đại diện của một số HTX, các doanh nghiệp cùng đi trong lĩnh vực này gặp ít khó khăn hơn là do họ có tiềm lực về vốn, chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi nên cạnh tranh về giá.

Còn tại các điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi sống ở các chợ truyền thống do chi phí đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng như tủ lạnh, tủ trữ đông, tủ mát, phần mềm theo dõi quản lý… rất thấp hoặc không đầu tư nên mặc dù vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có thể chưa đảm bảo nhưng lại cạnh tranh trực tiếp về giá với các cửa hàng thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm của các HTX.

Trước không ít thách thức trên, các chuyên gia cho rằng một trong những khó khăn hiện nay là thịt và các loại nội tạng động vật nhập khẩu không chỉ chiếm lĩnh phân khúc bình dân mà còn chiếm lĩnh cả phân khúc cao cấp. Điều này khiến các HTX dù đầu tư chăn nuôi theo chuỗi khép kín nhưng vẫn rất khó cạnh tranh. Chính vì vậy, cần có giải pháp phù hợp trong nhập khẩu để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như các chuỗi giá trị chăn nuôi trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho rằng để các HTX vượt qua những khó khăn, thách thức trên con đường sản xuất ra những sản phẩm thịt an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang thông điệp to lớn bảo vệ sức khỏe của người dân, các cơ quan quản lý cần tính toán đến việc hạn chế nhập khẩu các loại phụ phẩm, nội tạng động vật.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân, HTX xây dựng và phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín, từ đó động viên khuyến khích kịp thời các cá nhân, HTX tham gia phát triển chuỗi.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top