Chuyển đổi số để hợp tác xã phát triển

Hiện cả nước có hơn 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao có sử dụng công nghệ thông tin. Các mô hình này đang góp phần thúc đẩy nông nghiệp thông minh, nông thôn số trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn so với số hợp tác xã đang hoạt động.
 
 
Đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu.
Hợp tác xã (HTX) Chế biến chè Phìn Hồ được thành lập từ năm 2008 do các gia đình người Dao ở thôn Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) thành lập. Thời gian đầu khi chưa áp dụng chuyển đổi số, doanh thu của HTX chỉ vào vài trăm triệu/năm, nhưng hiện nay đã thu mua từ 650 tấn đến 900 tấn chè búp tươi của người dân, tiêu thụ từ 90 đến 100 tấn chè thành phẩm; doanh thu của HTX khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Thực tế có khá nhiều HTX đã từng bước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh… để tăng doanh thu. Điển hình như, hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap. Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Còn công nghệ số eGap giúp hợp tác xã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau.
Hiệu quả đem lại từ chuyển đổi số với HTX là rất lớn song thực tế cho thấy, việc triển khai số hóa, liên kết để HTX phát triển vẫn còn rất nhiều đáng bàn. Hiện nay các HTX trên cả nước hoạt động đúng Luật HTX 2012 nhưng đa phần có quy mô nhỏ, ít thành viên. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp thiếu vắng vai trò của HTX trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, nhìn chung việc chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của các HTX vẫn còn chậm, chưa toàn diện. Nhiều HTX, nông hộ vẫn loay hoay với câu hỏi nên chuyển đổi số như thế nào. Thành viên HTX trình độ công nghệ nói chung còn lạc hậu, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất manh mún, đứt đoạn.
Theo ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình HTX đã có nhiều kết quả tích cực với hơn 29.000 HTX và liên minh HTX đã được thành lập; trong đó nông nghiệp chiếm đa số với hơn 70%. Tuy nhiên, theo ông Đông, hoạt động của HTX còn nhiều khó khăn và thách thức. “HTX của chúng ta phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu và sự liên kết hợp tác giữa các tổ chức để tăng cường sử dụng các sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh chưa cao. Đặc biệt, hiện nay HTX đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập người lao động đã cải thiện nhưng còn thấp, chưa bằng 50% so với khu vực doanh nghiệp” – ông Đông nhận xét.
TS Nguyễn Trung Kiên – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thẳng thắn nhìn nhận, nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế quan trọng và thu hút lượng lao động lớn nhưng lại có mức độ ứng dụng công nghệ thấp và tụt hậu so với thế giới. Chuyển đổi số nói chung là xu thế tất yếu của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi số nông nghiệp ở Việt Nam trên thực tế rất thấp, khái niệm chuyển đổi số còn mơ hồ với người nông dân, thậm chí với cả doanh nghiệp.

Giới chuyên gia nhận định, chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, từ thành viên HTX và phải được thực hiện trên từng thước đất, chứ không chỉ là công việc của doanh nghiệp. Để người dân, thành viên HTX chuyển đổi số hiệu quả, điều đầu tiên là họ buộc phải tự thay đổi nhận thức, tư duy để lựa chọn bước đi phù hợp, thực hiện tiến trình ứng dụng công nghệ số có tính bắt buộc.

vca.org.vn

All in one
Lên đầu trang