Câu chuyện đầm lầy Bài 2: Bước ngoặt chuyển đổi

Có vẻ như Mekong Conservancy Foundation – MCF đang tạo ra bước ngoặt chuyển đổi theo xu hướng kinh tế xanh, tính toán theo hướng tăng trưởng bao trùm dù mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Theo TS Dương Văn Ni: “Phía trước còn nhiều việc phải làm”.

Phát triển sản phẩm - tạo việc làm

Ngày vui của chị em phụ nữ ở HTX Phát Đỉnh.

Nguyên liệu từ các tổ vệ sinh được làm sạch, để ráo rồi qua công đoạn phơi trong nhà màng, một số được đan giỏ, dùng keo cố định, rồi chuyển về trung tâm điều phối của Công ty MCF ở Ngã Năm. Tới đây là hết công đoạn của hợp tác xã. Anh Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc HTX MCF Mỹ Quới, ấp Mỹ Tây A, Xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng mô tả hành trình của năn tượng.

HTX được thành lập vào cuối năm 2021, chính thức hoạt động từ tháng 2-2022, có 9 thành viên. Năm 2022, nhờ cách quản trị chặt chẽ, HTX cung ứng cho Công ty MCF trên 30.000 sản phẩm (10 mẫu theo đơn đặt hàng tùy thời điểm). Năm nay, HTX đặt mục tiêu cung cấp từ 8.000-10.000 sản phẩm/tháng, mở rộng thêm các điểm vệ tinh ở khu vực Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

400 hộ dân tại Mỹ Quới và Mỹ Bình có việc làm từ việc nhận giống năn tượng về trồng gần nhà, cho tới đan giỏ – có thêm thu nhập. Năn tượng qua tay lao động nông thôn thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, mẫu mã theo thiết kế từ người đặt hàng.

Chị Hồng Ni, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng học cách xây dựng vùng nguyên liệu, tiếp tục học cách tổ chức sản xuất từ HTX này. Ban đầu triển khai lớp học đầu tiên ở xã Hòa Tú 1, sau đó có 3 lớp, “thợ cái” từ Công ty MCF (tháng 11-2022) gởi tới dạy. Người học việc không phải đóng tiền và MCF không phải bỏ bao thơ theo kiểu mướn đi học. Tất cả là sự đồng thuận để tìm cách mần ăn bền vững chứ không màu mè lấy có. Tới giờ, có 27 tổ đan với 200 thợ đan, mỗi tuần giao 1.000 sản phẩm. Công ty MCF thanh toán tiền hằng tuần.

Bà Huỳnh Thị Vững, 67 tuổi, trồng lúa, nuôi tôm, năm trúng – năm thất. Mấy năm nay thất nhiều hơn trúng, thấy ông hai Mật trồng cỏ năn tượng, đem về trồng thử, thấy ruộng nó sạch hơn nên vô tổ hợp tác đan giỏ, học một tuần là làm được. Rảnh thì vừa đan giỏ vừa nghe cải lương, tuần nào cũng có đồng vô mua đồ ăn cho cả nhà. Mai mốt nguyên liệu lấy từ ruộng nhà.

“Lấy chồng, có con rồi về quê. Tuổi ngoài 40, hoàn cảnh vầy ai mướn mà đi kiếm việc làm”, chị Đinh Thị Trâm, ấp Huỳnh Công Đê, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên từng làm thợ lột tôm cho xí nghiệp ở Sóc Trăng, nói năn tượng là cơ hội chưa bao giờ chị nghĩ tới.

“Sú thất quá, không biết làm gì?”, bà hai Tuyết, 89 tuổi, nói: “Hồi còn trẻ đan rổ để bắt tép, bắt lươn, bắt cá trong đồng nên hội phụ nữ mở lớp – bà học một ngày là làm được rồi. Mỗi ngày, đan 3-4 cái giỏ, già rồi mà cũng làm ra tiền đó chứ”.

“Trong xóm nhỏ này, lớp trẻ khó theo kịp bà Hai. Bà ngồi đó vừa làm vừa kể chuyện đời xưa. Cười nói suốt ngày nên dù có thể làm tại nhà, nhưng ai nấy vẫn rủ nhau tới đây quây quần bên nhau, người nào quên nút thắt thì người kia chỉ”, Hồng Ni nói.

HTX Mỹ Quới có một khu như vậy. Rảnh rỗi thì người làm văn phòng cũng học để biết mấu chốt của sản phẩm. Chung quanh là nhà màng nóng như lò bánh mì, nhưng phòng đọc sách gắn máy lạnh để con theo mẹ tới đây có thể ngồi chỗ mát mẻ đọc sách. Các cô ở trường gần HTX muốn dạy ngoại khóa thì sử dụng phòng đọc để dạy học trò… thành viên HTX có con học giỏi, thi đậu đại học thì HTX mời tới đây phát phần thưởng. Quản lý phòng đọc là hai cô cậu học phổ thông, con của Giám đốc Toàn, tự nguyện lo chăm sóc phòng đọc ngăn nắp.

Ở bên HTX Phát Đỉnh, vợ của Giám đốc Liêu là cô Luyến, bụng mang dạ chửa vậy đó mà hễ sản phẩm từ các tổ về là cô lọc ra coi loại nào còn lỗi để qua một bên. Hết việc ban ngày, trời sụp tối là ngồi chỉnh sửa lại. Ngày 8-3, nhân lúc HTX tổ chức ngày họp mặt, TS Dương Văn Ni mua một giỏ quà tặng Luyến… căn dặn: Cái giỏ này đan khéo lắm. Mai mốt con nghiên cứu làm ra cái đẹp hơn nha.

Tiêu chí đánh giá mô hình

“Trong một thời gian dài, “lên bờ xuống ruộng” mới ra tìm được mô hình này”, Giám đốc Công ty MCF chia sẻ: “Công ty tập trung nâng cao năng lực xây dựng và vận hành kế hoạch từ tổ nhóm. Hiện nay hệ thống đã làm được, cũng khá bất ngờ khi việc đồng bộ hóa hệ thống nhịp nhàng từ các tỉnh rất nhanh”.

Mỗi tháng Trung tâm điều phối MCF ở Ngã Năm, Sóc Trăng, đưa 30.000-40.000 sản phẩm về Công ty Housewares (Bình Dương) xuất đi Mỹ, Úc… MCF đã thay đổi một cách nhẹ nhàng cụm từ “đi Bình Dương” bằng hình ảnh những chuyến giao hàng đúng lịch, đủ chuẩn. Gần HTX Phát Đỉnh là vợ chồng chị Thúy, từ Bình Dương trở về tham gia tổ hợp tác, làm đầu mối tổ chức sản xuất – kiểm phẩm, giao nhận, “rốp rẻng”, tháo vác hơn người.

TS Dương Văn Ni, Chủ tịch Hội đồng kiêm Giám đốc Quỹ Bảo tồn Mekong (MCF) nói về 5 tiêu chí để triển khai, đánh giá mô hình:

1/Tăng cường, củng cố uy tín của chính quyền, đoàn thể địa phương. Nếu một mô hình nào đó làm có hiệu quả kinh tế nhưng không nâng cao được vai trò của chính quyền và đoàn thể địa phương ở nơi đó thì khó mà đi xa được.

2/Tăng cường tình làng nghĩa xóm hay nói đúng hơn là nuôi dưỡng văn hóa bản địa, làm sao để cho người dân ở đó sống hài hòa, chia sẻ với nhau khi tham gia mô hình.

3/Không làm ô nhiễm, kiệt quệ môi trường tự nhiên – không làm ô nhiễm nguồn nước, tài nguyên đất đai.

4/Phải làm sao giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ, tạo điều kiện củng cố về mặt giáo dục. Nếu mô hình hiệu quả kinh tế tốt nhưng người phụ nữ quá cực khổ, không còn thời gian dạy dỗ con cái thì cũng có nghĩa là sẽ có những rủi ro, xung đột khác.

5/Hiệu quả kinh tế là cái cuối cùng – cần phải có trong quá trình triển khai mô hình.

Những tiêu chí này có thể hoán đổi vị trí tùy thời điểm, tùy nơi xây dựng mô hình – chẳng qua để tăng sự liên kết, thống nhất của cộng đồng, theo TS Dương Văn Ni, mọi thứ chỉ mới bắt đầu, phía trước còn nhiều việc phải làm. Không chỉ cỏ năn tượng mà bồn bồn, thủy trúc đang được MCF nghiên cứu như lợi thế làm sạch môi trường để phát triển cây trồng – vật nuôi một cách bền vững, giảm chỉ số chất thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế xanh.

Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản… là những nước có ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phát triển với những dấu ấn tinh tế, độc đáo, thâm nhập và thiết lập được mối quan hệ thương mại rộng rãi tại các thị trường lớn.

“Thái Lan chia sản phẩm thủ công ra 2 nhóm: (1) Loại bình dân, sản xuất số lượng lớn và kết hợp với các sản phẩm khác như bán xoài, sầu riêng… đựng trong các sản phẩm bình dân, kiểu bán “bia kèm mồi”. (2) Loại cao cấp hơn, bán giá cao hơn, làm đẹp và cầu kỳ hơn bán hàng mỹ nghệ và thời trang. Loại thứ 2 bán cho giới nhà giàu theo xu hướng “thuận thiên” như một khẳng định phong cách “natural based” hiện đại như một trách nhiệm xã hội của giới thành đạt, PGS.TS Lê Anh Tuấn góp ý.

Thái Lan luôn có 5 bước thực hiện dự án phát triển toàn diện ngành nghề đặc thù sản phẩm cách tân có giá trị văn hóa truyền thống: 1. Quá trình hướng nghiệp, lập kế hoạch và thiết lập các quan hệ trong cộng đồng; 2. Xác định các sản phẩm nổi bật; 3. Phát triển sản phẩm, bao gồm chất lượng và thiết kế sản phẩm; 4. Marketing và phân phối sản phẩm; 5. Đánh giá dự án và các hoạt động hậu dự án. Hiện nay, họ phát triển chiến lược Bio- Circular- Green (Sinh học – tuần hoàn – kinh tế xanh).

Ở CHLB Đức, Phòng Thương mại và công nghiệp (German Foreign Chamber of Commerce and Industry) còn giúp Phòng Thương mại của ngành thủ công Đức (Chamber of Skilled Craft) các bí quyết thương mại miễn phí cho các doanh nghiệp và Liên đoàn Doanh nghiệp nhỏ và vừa thủ công Đức (ZDH) kết nối mạng lưới để có thể đảm đương các dự án có quy mô hơn 120 triệu EURO.

Ở Nhật, từ lâu GS Morihiko Hiramatsu đã xem phương châm “hành động địa phương – tư duy toàn cầu” là cách đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh cho những sản phẩm đặc thù, giàu giá trị truyền thống.

Theo Báo Cần Thơ

All in one
Scroll to Top