Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, năm 2022, TP. Cần Thơ đã công nhận 51 sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm 4 sao, 18 sản phẩm 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của thành phố lên 92.
Mới đây, UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị Tổng kết chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án mỗi xã một sản phẩm năm 2022. Hội nghị tập trung đánh giá kết quả đạt được những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra các giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm làm phong phú, nâng chất sản phẩm OCOP toàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, năm 2022, TP. Cần Thơ đã công nhận 51 sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm 4 sao, 18 sản phẩm 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của thành phố lên 92, gồm 58 sản phẩm 4 sao, 34 sản phẩm 3 sao và 02 sản phẩm có tiềm năng trở thành 5 sao của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN), hộ dân và Hợp tác xã (HTX).
Theo đánh giá, sản phẩm OCOP TP Cần Thơ đạt được tiêu chuẩn hóa về chất lượng và mẫu mã hàng hóa, phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng, từng bước được nâng cao chất lượng quy chuẩn, được thị trường đón nhận.
Tuy nhiên, do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, mùa vụ và giá cả thị trường; việc liên kết sản xuất giữa các chủ thể để hình thành chuỗi giá trị chưa nhiều; HTX nông nghiệp còn ít về số lượng; số ít HTX chất lượng chưa cao; sản phẩm OCOP chưa nhiều về số lượng; chưa có sản phẩm quốc gia đạt chuẩn 5 sao, công tác xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP chưa rộng rãi.
Theo ông Lê Văn Tính, Phó chánh chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ, hiện thành phố chưa có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể về sử dụng kinh phí cho chương trình OCOP, dẫn đến việc lập dự toán và giải ngân kinh phí gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số chủ thể OCOP còn hạn chế về tham gia công nghệ thông tin lẫn tham gia hoạt động quảng bá do các sở, ngành tổ chức nên sản phẩm có chứng nhận OCOP nhưng vẫn giẫm chân tại chỗ…
Trong năm 2023, Cần Thơ dành 3,8 tỉ đồng để thực hiện chương trình OCOP. Theo ông Tính, thời gian tới, các chủ thể cần nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng gắn với nhu cầu trong nước và xuất khẩu để nâng chất lượng các sản phẩm OCOP.