Cần có giải pháp về vốn

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long cần có giải pháp về vốn như khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân; ưu tiên sử dụng vốn ODA của các dự án thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế, chính sách vận hành thị trường tín chỉ carbon…

Lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%

Ngày 29.3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị tham vấn các tổ chức quốc tế và tổ chức tín dụng trong nước về Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Dự kiến tháng 4.2023, Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, ĐBSCL là vựa lúa lớn, chiếm 54% diện tích gieo trồng lúa cả nước, năm 2021 đạt gần 3,89 triệu héc ta. Năng suất lúa bình quân ở ĐBSCL cao hơn bình quân cả nước 0,1 – 0,2 tấn/ha và tăng từ 5,47 tấn/ha năm 2010 lên 6,24 tấn/ha năm 2021. Sản lượng lúa ĐBSCL ổn định ở 24 triệu tấn, chiếm 55% sản lượng lúa và chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Tuy vậy, sản xuất lúa gạo của vùng còn nhiều khó khăn, chất lượng lúa gạo, sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu chưa cao. Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, cùng với đó là tình trạng sử dụng chưa hợp lý, thiếu tiết kiệm vật tư đầu vào, đặc biệt là thâm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Địa bàn sản xuất lúa có thể bị thu hẹp do tác động của biến đổi khí hậu và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Me Kong. Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ đang là trở ngại lớn nhất với việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết, chế biến và xuất khẩu, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn.

Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính vô cùng cần thiết. Mục tiêu đến năm 2025 có 500.000ha lúa chất lượng cao; lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%. Đến năm 2030 có 1 triệu héc ta; lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 40%; 100% diện tích áp dụng GAP và tương đương; tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đây là Đề án rất có ý nghĩa trong chuyển đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trên cơ sở Đề án sẽ xây dựng vùng chuyên canh lớn, hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng được thương hiệu gạo Việt. Tuy nhiên, Đề án cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi có thời gian và lộ trình cụ thể. Vì vậy, rất cần có sự đóng góp của các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là những tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian qua, ngành lúa gạo nói chung và vùng ĐBSCL nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), Oxfarm, Australia… Bên cạnh đó, người sản xuất và doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của hệ thống tổ chức tín dụng trong nước như Ngân hàng BIDV, Agribank… 

Đề xuất đối tác quốc tế ủy thác đầu tư

Đại diện WB tại Việt Nam đánh giá Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao có chất lượng tốt, rõ ràng; nhưng để triển khai hiệu quả Đề án, cần có các giải pháp về vốn như khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong giai đoạn sản xuất chuỗi giá trị gạo, thị trường; ưu tiên sử dụng vốn ODA của các dự án thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế, chính sách vận hành thị trường tín chỉ carbon. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với WB xây dựng chương trình quốc gia về 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, trong đó có vấn đề hạ tầng. Từ đó, xác định nhu cầu về kết cấu hạ tầng của các tỉnh để có mức đầu tư phù hợp.

Xác định nông nghiệp, nông thôn là thị trường truyền thống, nông dân là bạn đồng hành, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Quang Hùng cho biết, Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao là cơ hội để ngân hàng đóng góp vào lĩnh vực này, cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực ưu tiên nên lãi suất cho vay thấp hơn thị trường, vì vậy ngân hàng cũng có khó khăn nhất định. Agribank mong muốn các đối tác quốc tế có thể ủy thác đầu tư qua Agirbank để có thể thực hiện Đề án. Hiện nay, ngân hàng cho vay trực tiếp doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, các chuỗi liên kết chưa hình thành, vì vậy ngân hàng rất muốn được cho vay theo chuỗi liên kết để quản lý dòng tiền.

Đại diện các tổ chức dự hội nghị tham vấn đều nhấn mạnh: sẽ đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả Đề án nhằm giúp nâng cao giá trị của sản xuất lúa gạo và góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính như cam kết của Việt Nam với thế giới. Dự kiến trong tháng 4, Đề án sẽ được trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

 

daibieunhandan.vn

All in one
Scroll to Top