Mỗi năm nước ta sản xuất ra một lượng củ hành rất lớn, trong đó củ hành tím là sản phẩm lợi thế của nhiều địa phương. Tuy nhiên, củ hành tím chưa được xuất khẩu nhiều và đang phải cạnh tranh với nhiều loại hành nhập khẩu nên dễ gặp cảnh “rộ mùa, rớt giá”, nhất là khi khâu bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch còn yếu. Do vậy, ngoài việc cần mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ngay tại “sân nhà”.
Đầu ra gặp khó
Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản xuất hành của nước ta đạt diện tích khoảng 14.000-15.000ha/năm, với sản lượng đạt hơn 216.000 tấn, trong đó hành tím đạt hơn 100.000 tấn. Sóc Trăng đang là địa phương có diện tích trồng hành tím lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 6.500 ha/năm và thời gian thu hoạch chính vụ của hành tím từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Hành tím còn trồng tại các tỉnh Ninh Thuận và Quảng Ngãi, với diện tích tổng diện tích khoảng 1.000 ha/năm. Tỉnh Hải Dương cũng có diện tích trồng hành rất lớn, nhưng chủ yếu các loại hành củ lớn, với diện tích khoảng 5.700 ha/năm.
Củ hành tím tại tỉnh Sóc Trăng và các địa phương trong nước đã được sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn gắn với xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, tạo thuận lợi quảng bá và tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh tiêu thụ khác nhau, song giá bán giảm mạnh khi vào vụ thu hoạch rộ và đầu ra xuất khẩu hạn chế. Người sản xuất còn thiếu thông tin về thị trường, sản xuất còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa ổn định và công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn yếu… Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hành tím là một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh, trồng tập trung tại thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Ðề, với tổng diện tích xuống giống hằng năm khoảng 6.500ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha và sản lượng trên 90.000 tấn. Hành tím có chất lượng cao, đặc biệt là khả năng giữ độ nồng được lâu và chứa nhiều dược tính cùng dưỡng chất có lợi cho sức khỏe nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Những năm qua, hành tím của tỉnh không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia, đem về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, có những thời điểm hành củ không tiêu thụ hết, giá giảm sâu chỉ còn 7.000 đồng/kg, người trồng hành lỗ nặng”. Theo ông Khiêm, giá cả đầu ra củ hành chưa ổn định bởi nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tập quán người dân còn sản xuất riêng lẻ, chưa hợp tác tốt trong sản xuất dẫn đến mối liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ chưa bền vững. Khâu quảng bá sản phẩm còn hạn chế và xuất khẩu còn gặp khó bởi các hàng rào kỹ thuật từ các nước, trong khi hành thường được tập trung thu hoạch rộ theo một mùa vụ chính. Trong tỉnh đã có một số cơ sở chế biến củ hành tím thành gia vị hành phi, dưa củ hành, mứt củ hành… nhưng thị trường tiêu thụ hạn hẹp.
Kết nối giao thương
Ðể hỗ trợ nông dân và các địa phương trồng hành mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Bộ NN&PTNT vừa phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức diễn đàn trực tuyến “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím”. Diễn đàn là dịp thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trao đổi thông tin và thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh. Ðồng thời, chia sẻ, đề xuất nhiều giải pháp nhằm ổn định đầu ra sản phẩm và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho củ hành tím của nước ta. Tại diễn đàn, nhiều đại biểu kiến nghị, ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy nông dân liên kết với nhau và với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Nâng cao khả năng bảo quản, chế biến sản phẩm gắn với xúc tiến thương mại, đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu. Cần xây dựng quy trình chuẩn cho bảo quản củ hành để sản phẩm để được lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng.
Theo ông Trần Triều Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hành Tím Huy Khánh ở tỉnh Sóc Trăng, để đẩy mạnh xuất khẩu hành, cần liên kết giữa các hộ nông dân trực tiếp sản xuất hành tím với doanh nghiệp để hình thành các vùng nguyên liệu và chuỗi liên kết bền vững. Ðặc biệt, cần xây dựng vùng sản xuất tập trung, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, khi xuất khẩu hành sang các thị trường khó tính như Mỹ hay Nhật Bản, họ đều đòi hỏi các giấy chứng nhận về các tiêu chuẩn trong sản xuất như: Global GAP hay GMP… Theo ông Lê Vương Quốc, Phó Giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam, củ hành của Trung Quốc, Ấn Ðộ thường rẻ hơn Việt Nam khoảng 50%. Hành tím Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận sản lượng nhiều, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng chúng ta nhập từ các nước về rất nhiều, gây áp lực cho tiêu thụ nội địa. Ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân thay đổi quy trình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất và giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh về giá trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu.
Năm 2022, nước ta đã xuất khẩu hành, hẹ và tỏi đến hơn 20 thị trường trên thế giới, với kim ngạch đạt 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm trước. Tiềm năng để nước ta tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hành là rất lớn bởi nhiều quốc gia có nhu cầu nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT, tiềm năng, dư địa của thị trường tiêu thụ hành, hành tím vẫn còn rất lớn. Bởi nhu cầu sử dụng hành không chỉ dừng ở việc phục vụ làm thực phẩm đáp ứng nhu cầu ăn uống mà hành, tỏi còn là nguyên liệu quan trọng trong chế biến dược phẩm. Các địa phương phải thay đổi tư duy theo hướng bán hành không chỉ là bán thực phẩm mà là bán nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhiều ngành hàng. Trên cơ sở đó, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất để chuẩn hóa về mặt chất lượng và phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ hành. Hoàn thiện hệ thống logistics, kho bảo quản lạnh để chủ động trước sự biến động của thị trường. Ðầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm và chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ hành để thuận lợi kết nối với các thị trường. Tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hành tím…