Hiện nay tình trạng quả thanh trà và một số loại quả trong nước bị các thương lái nhập nhèm dán mác hoa quả nhập khẩu bán tràn lan trên các chợ mạng, chợ đầu mối. Điều này không chỉ khiến người nông dân, HTX sản xuất “thiệt đơn, thiệt kép” mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu của nông sản Việt.
Gần đây ở Hà Nội và một số tỉnh, thành, nhiều người nội trợ tìm mua quả thanh trà gắn mác Thái Lan với giá rẻ, chỉ 70.000đồng/kg. Đáng nói, mức giá này rẻ chỉ bằng một nửa so với quả thanh trà Thái bán tại các cửa hàng hoa quả nhập khẩu.
Từ chuyện thanh trà miền Tây bị "đội lốt"
Đem câu chuyện này trao đổi với ông Huỳnh Văn Cập – Chủ tịch HTX thanh trà ngọt Năm Cập, đơn vị chuyên trồng loại quả này ở Vĩnh Long, được biết, thực chất quả thanh trà được rao bán ngoài thị trường gắn mác Thái Lan được dân buôn mua là từ các vườn Thanh trà miền Tây.
HTX thanh trà ngọt Năm Cập, một trong những HTX trồng loại quả thanh trà ở Vĩnh Long. |
Nói với VnBusiness, ông Huỳnh Văn Cập cho biết, thanh trà được trồng từ lâu đời ở Vĩnh Long và có 2 loại ngọt và chua. Loại ngọt mới được phát triển vài năm gần đây, mức giá khoảng 120.000đ/kg. Loại chua giá khoảng 30.000-40.000đồng/kg.
“Hiện nay HTX đang triển khai sản xuất và kinh doanh loại thanh trà ngọt vì giống này đạt hiệu quả cao và không bị rớt giá”, ông Cập nói.
Nhận định về việc quả thanh trà gắn mác Thái Lan bán với “giá rẻ như cho” ông cập chia sẻ: “Quả thanh trà này là loại thanh trà chua được trồng ở Vĩnh Long, giá chỉ vài chục nghìn/kg nhưng khi ăn sẽ khác hoàn toàn với thanh trà ngọt hoặc thanh trà nhập từ Thái Lan.”
“Quả thanh trà ngọt chúng tôi bán tại vườn đã 120.000đồng/kg rồi. Họ đánh vào tâm lý thích hoa quả nhập của người tiêu dùng, rồi bán quả thanh trà chua, nhập nhèm gắn mác Thái Lan để bán. Nhiều người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ về nguồn gốc dễ bị “lừa”, ông Cập cho hay.
Được biết, quả thanh trà chua khi chín quả có màu vàng sẫm, hình dáng tròn và lá thường có màu xanh đậm hơn. Tuy nhiên khi phóng viên trong vai người đi mua thanh trà thì người bán hàng trên các chợ mạng và vỉa hè vẫn khẳng định 100% đây là thanh trà Thái Lan, do trúng mùa nên mới nhập về được giá rẻ như vậy.
Đến siết chặt quy trình sản xuất và quản lý
Đáng nói, thời gian qua không chỉ quả thanh trà mà nhiều loại hoa quả Việt đã bị các thương lái nhập nhèm, gắn thương hiệu quả nhập khẩu hoặc nhập khẩu quả từ Trung Quốc sau đó gắn mác hoa quả Việt. Đơn cử, thời gian trước quả dâu tây Trung Quốc gắn mác dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu… rồi rao bán giá rẻ tràn lan trên khắp các con phố ở Hà Nội và chợ mạng.
Hay như quả dâu tây Sơn La chủ yếu trồng tại Mai Châu và Mộc Châu nhưng vì chất lượng tốt, ngon nên dù giá cao hơn quả dâu tây nhập từ Trung Quốc nhưng vẫn được người tiêu dùng săn đón.
Khi được hỏi về việc phân biệt các loại nông sản, người tiêu dùng đa phần khẳng định họ không thể phân biệt được nguồn gốc xuất xứ của các loại nông sản này và bày tỏ sự lo lắng khi các loại nông sản Trung Quốc ngày càng tràn lan ra thị trường Việt Nam.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt bị mất thương hiệu ngay trên chính “sân nhà” là do quản lý còn lỏng lẻo, quy trình sản xuất của HTX vẫn ở quy mô nhỏ, một số nông sản chưa có nhãn mác xuất xứ, HTX sản xuất chưa tập trung xây dựng thương hiệu. Trong khi, đa số sản phẩm tiêu thụ ở các chợ truyền thống nên không thể kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá, sản phẩm… Việc HTX tiếp cận với người tiêu dùng cũng khó khăn khi nhà cung cấp muốn đưa sản phẩm vào siêu thị lại liên tục bị hét giá, chiếm dụng vốn…
Ông Huỳnh Văn Cập – Chủ tịch HTX thanh trà ngọt Năm Cập khẳng định, thanh trà mà HTX sản xuất trước khi đến tay người tiêu dùng đều phải đạt đủ yêu cầu về chất lượng quả và dán tem mác đầy đủ. Tuy nhiên, có thể sau đó một số thương lái đã gắn mác quả nhập của Thái Lan.
“Điều này đang gây ảnh hưởng đến uy tín của HTX và cả sự tin tưởng của người dùng dành cho nông sản Việt. Tôi có lời khuyên, người tiêu dùng nên trực tiếp đến nhà vườn hoặc mua tại các địa chỉ kinh doanh uy tín để mua được các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Vừa giúp người tiêu dùng phân biệt được các loại nông sản vừa giúp các HTX quảng bá được chính sản phẩm của mình”, ông Cập nói.
Ông Cập cho biết thêm, thời gian tới HTX sẽ mở rộng diện tích và tăng cường sản xuất để đưa trái thanh trà vào siêu thị và xa hơn nữa là xuất khẩu. Hiện nay, do lượng trái chín đến đâu có người đến đặt mua đến đó nên lượng hàng xuất ra không đủ. Nhân sự và diện tích chưa đạt yêu cầu nên để sản xuất ra lượng lớn vẫn là “bài toán” khó khăn của HTX.
“Để xây dựng thương hiệu trái thanh trà của HTX, HTX đã gửi mẫu trái thanh trà ngọt đến Viện Cây ăn quả miền Nam để phân tích và nhận được phản hồi đạt yêu cầu”, ông Cập nói.