Việc thúc đẩy “mở đường lớn” xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc – thị trường tiêu dùng tỷ dân, là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam nói chung, của các HTX nói riêng, tiến tới xóa bỏ điệp khúc “được mùa mất giá”..
Giữa tháng 3/2023, Cần Thơ chính thức xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Đây được đánh giá là sự kiện bản lề giúp sầu riêng Cần Thơ khẳng định chỗ đứng tại thị trường lớn này.
Cơ hội xuất khẩu tỷ USD
Ông Trần Thiện Thanh, Phó Giám đốc HTX Sầu riêng Trường Phát (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), đơn vị liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, cho biết HTX có diện tích 20ha, với 20 hộ tham gia, tuổi cây trung bình từ 5 – 15 năm, giống sầu riêng Ri 6, ngoài ra còn trồng mới thêm khoảng 10ha.
Nhờ sản xuất khoa học, HTX đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và được cấp 2 mã vùng trồng xuất sang thị trường Trung Quốc. HTX Trường Phát cũng đã thỏa thuận và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài với giá từ bằng đến cao hơn giá thị trường.
Sầu riêng là một trong hơn 10 loại trái cây có “visa” chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Có một điểm chung là hầu hết các loại trái cây của Việt Nam đều được người tiêu dùng đất nước tỷ dân ưa chuộng bởi chất lượng và mẫu mã.
Minh chứng là vào đầu tháng 3 vừa qua, tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)”, nhiều doanh nghiệp nước này cho biết rất cần mua hàng Việt.
Ông Tô Vạn Quang, đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng có trụ sở tại Quảng Tây, thông tin công ty dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Công ty cũng có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, cá basa, cá hố và các loại hải sản khác.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,27 tỷ USD, đưa nước này thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20,2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản.
Theo chuyên gia, nông thủy sản Việt nói chung và ngành hàng rau quả nói riêng dự báo bứt tốc mạnh nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng. Các mặt hàng xuất khẩu sang nước này cũng đang được hưởng lợi lớn khi các cửa khẩu biên giới hai nước đã được khôi phục thông quan trở lại và Việt Nam gần đây đã ký nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản vào thị trường Trung Quốc.
Cách nào nâng cao thị phần?
Nhờ những thành công của quá trình xúc tiến thương mại, các mặt hàng nông sản của Việt Nam rõ ràng đang có cơ hội rất lớn để chinh phục người tiêu dùng Trung Quốc, mang lại giá trị hàng tỷ USD. Nhưng phải làm gì để hiện thực hóa cơ hội lại là việc không dễ.
Năm 2022, xã Phước Tân (Phú Riềng, Bình Phước) có 2 HTX trồng sầu riêng được lựa chọn làm hồ sơ và kiểm tra trực tuyến về cấp mã số vùng trồng.
Trong đó, HTX cây ăn trái Nông Thành Phát đã được phê duyệt của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) đối với mã số vùng trồng được xuất khẩu chính ngạch.
Dù rất vui mừng khi cánh cửa xuất khẩu đã mở, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cây ăn trái Nông Thành Phát, khẳng định việc giữ vững được “tấm vé thông hành” cũng là một thách thức.
Theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, để giữ vững mã vùng trồng, trước kỳ thu hoạch 30 ngày, HTX phải hoàn thiện hồ sơ để đánh giá lại toàn bộ hoạt động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn mã vùng trồng để duy trì hiệu lực của mã vùng trồng.
“Với các tiêu chuẩn ngặt nghèo, thành viên HTX luôn phải nắm rõ quy trình, tuân thủ thực hiện và hợp tác với cơ quan chức năng để duy trì mã số vùng trồng”, Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Hòa nói.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy chất lượng chính là chìa khóa để nông sản Việt mở cửa đồng thời nâng cao vị thế, thị phần tại Trung Quốc. Vì vậy, ngành nông nghiệp nói chung và các HTX nói riêng cần tiếp tục hoàn thiện sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Trước đó, đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu), trong một diễn đàn giao thương cũng đề xuất Bộ NN&PTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển…
“Để thắng trên thị trường, phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah nói.
Có thể thấy, để không đánh mất cơ hội, bản thân các HTX, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, chất lượng cao, mẫu mã đẹp.
Trước hết là phải chuẩn hóa được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc. Việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu với quy trình sản xuất giàu kỹ thuật không chỉ giúp HTX đảm bảo chất lượng mà còn góp phần giảm thiểu chi phí, hạ giá thành để sản phẩm cạnh tranh mạnh hơn.
Bên cạnh sự nỗ lực của HTX, doanh nghiệp, cũng cần thêm các cơ chế, chính sách thiết thực hơn từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị dễ dàng hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường…