Sẽ có đổi mới và đột phá trong dự thảo luật HTX sửa đổi?

Giải quyết được khó khăn về vốn cho HTX là một trong những nhu cầu cấp bách nhất của HTX, là một trọng tâm của dự án Luật HTX sửa đổi đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thiện. Và nút thắt về vốn này có lẽ bắt đầu được tìm ra khi các chuyên gia, đặc biệt lãnh đạo và các cơ quan của Quốc hội đã cho những ý kiến quan trọng cho dự thảo Luật.

Hầu hết các HTX đều thiếu vốn ngay từ khi mới thành lập. Điều đó cũng dễ hiểu, khi đa phần nông dân, hộ gia đình khi gia nhập HTX đều đã khó khăn và thiếu vốn cho chính bản thân cá nhân hay gia đình của mình. Họ muốn cải thiện kinh tế thông qua việc tham gia HTX.

Các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt các HTX vẫn đang thiếu vốn trầm trọng.

Đi vào hoạt động, các HTX lại càng cần vốn và cần nhiều. Để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, HTX bắt buộc phải tiếp cận bằng các cách để có vốn. Những nội dung trong điều 56 của dự thảo 6 Luật HTX về việc HTX phải ưu tiên huy động vốn thực ra là không khả thi, cả về luật pháp lẫn thực tế thị trường.

Từ trước đến nay, với các HTX có tín dụng nội bộ, cho vay thành viên, thì cũng chỉ được huy động tối đa bằng 30% vốn điều lệ. HTX nhỏ bé, tài chính yếu, vốn điều lệ ít nên nếu có huy động được cũng là rất ít theo giới hạn này.

Mới đây nhất, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã có ý kiến rõ ràng, các HTX không phải là QTDND thì không được thực hiện huy động như các tổ chức tín dụng. Theo NHNN, hoạt động này cần gọi đúng là HTX vay nội bộ từ các thành viên và không được phép cho vay lại.

Cho phép thành lập doanh nghiệp trong HTX?

Như vậy, để có vốn hoạt động các HTX chỉ còn cách truyền thống và tốt nhất là vay vốn Quỹ hỗ trợ HTX và vay thương mại từ các ngân hàng. Dù vay ở đâu, nhất là vay từ các TCTD, về nguyên tắc các HTX đều phải có tài sản đảm bảo theo quy định. Đây chính là vướng mắc, khó khăn lớn nhất của các HTX để tiếp cận vốn vay, kể cả khi có đầy đủ phương án kinh doanh khả thi.

Và nút thắt này có thể sẽ được dần gỡ ra bằng những gợi ý, đề xuất, ý kiến mang tính đổi mới, đột phá từ chính cơ quan lập pháp là lãnh đạo và các ủy ban quan trọng nhất của Quốc hội.

Theo đó, HTX được thành lập doanh nghiệp trong HTX theo luật doanh nghiệp. Có thể hiểu là doanh nghiệp “con” trong HTX hay doanh nghiệp do HTX thành lập và chi phối.

Như vậy, những gì mà HTX bị bất lợi hơn, không bình đẳng như các doanh nghiệp khác có thể đạt được qua doanh nghiệp “con” của mình này. Đó cũng là một cách để HTX có thêm nhiều phương án, có thêm sự linh hoạt chủ động trong việc khai thác cơ hội thị trường, mở rộng thị trường, phục vụ thành viên tốt hơn.

Đây cũng chính bước đi tất yếu trước những đòi hỏi của thị trường. Trên thực tế, đến nay cũng đã có những HTX hoạt động hiệu quả, họ thành lập một hay nhiều doanh nghiệp “con”, doanh nghiệp trực thuộc HTX.

Thay đổi quan niệm về tài sản chung không chia?

Tiếp theo, các HTX chắc chắn sẽ vui mừng khi sắp tới sẽ được sử dụng tài sản chung, được sử dụng tài sản hình thành từ đầu kết cấu hạ tầng, trang thiết bị sản xuất kinh doanh,v.v để là tài sản đảm bảo vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Trước đó là ý tưởng đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và bây giờ là các ý kiến chính thức của lãnh đạo và cơ quan Quốc hội với cơ quan soạn thảo luật. 

Có thể nói, đây là một nội dung đổi mới thật sự, mang tính đột phá của Luật HTX sửa đổi nếu được thông qua. Khi đó, có thể những quy định từ trước, hay nói rộng hơn là quan điểm từ trước về tài sản chung không chia hay quỹ chung không chia của HTX phải thay đổi để phù hợp. Bởi vì, khi đã là tài sản đảm bảo, trong trường hợp xấu, HTX không trả được nợ vay, thì tài sản đảm bảo sẽ bị xiết nợ. Chẳng hạn tài sản này sẽ bị cấn trừ nợ, sẽ thanh lý, sẽ bị chuyển nhượng, sang tên, bán cho chủ sở hữu mới,… 

Chính các khái niệm, quy định phức tạp, bất cập từ trước đến nay và cả trong dự thảo luật HTX sửa đổi về tài sản chung không chia hay quỹ chung không chia của HTX đã gây khó hiểu, tranh cãi và cả bất bình ngay trong khu vực HTX.

Tại sao như vậy?  Đó là bởi vì, tài sản của HTX là tài sản thuộc sở hữu của tập thể các thành viên đã góp vốn vào HTX. Nhà nước hay chính quyền không tham gia góp vốn điều lệ của HTX, và do đó không phải là người chủ sở hữu hay đồng chủ sở hữu tài sản của HTX.

Vai trò của Nhà nước, của chính quyền ở đây là vai trò, chức năng quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Nói một cách khác, chữ “tập thể” ở đây là một nhóm người có xác định rõ ràng, chứ không phải là “toàn dân” hay “toàn thể cả cộng đồng” một cách khá chung chung, không xác định cụ thể, rõ ràng.

Với rất nhiều HTX kiểu cũ thời trước và kể cả đã chuyển đổi, Nhà nước hay chính quyền trước kia đã giao cho HTX sử dụng quản lý một số tài sản, ví dụ như sân kho, nhà xưởng, trạm thủy lợi, hồ chứa nước, kênh mương,v.v.

Để tránh nguy cơ thất thoát nếu các tài sản này, có thể bị bán, bị phân chia, chuyển nhượng và cuối cùng lọt vào tay cá nhân, cần phải nhìn nhận rõ ràng, minh bạch. Đó là các tài sản nói trên được Nhà nước hay chính quyền giao cho HTX, về bản chất đó chỉ là cho HTX mượn hay cho HTX thuê. Có thể mượn hay thuê có thời hạn, kể cả không có thời hạn. Có thể thuê giá rẻ hay miễn phí.

Nhưng đó vẫn là tài sản mà HTX đi mượn, là tài sản đi thuê. Tài sản đó thuộc sở hữu của Nhà nước và chính quyền quản lý, đại diện sở hữu. HTX không phải là chủ sở hữu tài sản đó và HTX sẽ phải trả lại, thanh lý việc thuê, mượn khi hết hạn, khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hay khi HTX không còn nhu cầu cầu sử dụng, HTX giải thể hoặc phá sản.

Các tài sản khác của HTX, kể cả tài sản của Nhà nước đã được HTX mua lại, khi đã thừa nhận là tài sản thuộc sở hữu của HTX thì theo hiến pháp, Bộ luật dân sự và pháp luật liên quan, HTX phải được quyền định đoạt, quyết định tài sản đó, kể cả tài sản được cho, tặng và đã chuyển quyền sở hữu cho HTX.

Do đó, việc các HTX, thành viên HTX lo lắng, không yên tâm là có lý do. Đó là quy định về việc chuyển giao tài sản chung không chia, quỹ chung không chia này cho HTX khác hay bàn giao cho chính quyền. Và đây chính cũng là lí do chủ đạo, tại sao các HTX không muốn trích lập quỹ chung nhiều, luôn đấu tranh với cơ quan soạn thảo sao cho tỷ lệ bị trích này ít nhất. 

Ở hầu hết các nước có khu vực HTX phát triển, các HTX cũng có quỹ chung và quỹ này được tích lũy hàng chục, trăm năm nên rất lớn, lớn hơn nhiều lần vốn điều lệ. Quỹ chung này họ cũng không chia, nhưng là sở hữu của HTX và đó là do họ tự không muốn chia, chứ không phải là không được phép chia.

Tài sản thuộc sở hữu HTX được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ như đối với tài sản của các doanh nghiệp tư khác. Khi HTX giải thể hay hợp nhất chẳng hạn, HTX có quyền tự quyết chia hay không chia tài sản thuộc sở hữu của mình, thông qua điều lệ và Đại hội nghị quyết thành viên. HTX có quyền hiến tài sản cho Nhà nước, tặng lại cho cho Hiệp hội HTX, cho Liên minh hay tặng cho một HTX khác theo ý chí của tập thể thành viên HTX.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Lên đầu trang