Việc ùn ứ, rớt giá nhiều loại nông sản của người dân, HTX trong thời gian qua là do mất cân đối cung cầu. Tuy nhiên, nếu các HTX chú trọng nghiên cứu đặc trưng vùng miền, áp dụng phương pháp rải vụ sẽ giúp cung cầu gặp nhau, tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”.
Nhiều địa phương hiện nay chưa chú trọng vấn đề quy hoạch nên chưa hỗ trợ người dân, HTX định hướng sản xuất. Ngoài ra, việc kiểm soát cây giống cũng được cho là chưa chặt chẽ nên xảy ra tình trạng phát triển nóng về diện tích nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả, ngay cả ở những vùng không có lợi thế.
Thay đổi cách sản xuất
Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, ngoài đầu tư cho sơ chế, chế biến sâu thì ngay từ khâu trồng trọt, chăn nuôi cũng cần áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để bảo đảm đầu ra nông sản trong cả năm.
Và, nhiều HTX hiện đã nắm bắt được điều này, chủ động sản xuất theo tín hiệu thị trường, tuân thủ quy định của thị trường và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất.
HTX Ngọc Lan (huyện Mai Sơn, Sơn La) là một điển hình. Tuy bưởi da xanh không phải là cây truyền thống của địa phương nhưng để hạn chế tình trạng thừa cung, HTX đã áp dụng kỹ thuật rải vụ. Bởi chính vụ vào tháng 8, sản lượng bưởi trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, hơn nữa thu hoạch vào mùa mưa nên bưởi thường không ngon, bán bị mất giá.
Khi HTX điều khiển được bưởi ra quả trái vụ, các thành viên là người được hưởng lợi nhiều nhất bởi bưởi trái vụ có giá cao hơn 20-30% so với chính vụ. Và vì trái vụ nên lượng bưởi khan hiếm hơn, do đó cũng “đắt khách” hơn.
Hay như Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), để hạn chế tình trạng thanh long phải giải cứu đã kết hợp chặt chẽ các hộ liên kết để nắm bắt diện tích, thời điểm sản xuất và thu hoạch, dự kiến sản lượng, sau đó thông tin tới các đơn vị phân phối và nắm bắt về giá, nhu cầu để kết nối tiêu thụ thanh long bền vững. Tổ hợp tác cũng chủ động và khuyến khích hộ liên kết, thành viên chủ động cập nhật thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Việc tuân thủ lịch thời vụ, không xuống giống ồ ạt tại một thời điểm của các HTX, tổ hợp tác đang là cách làm hay để tránh tình trạng dư thừa cục bộ nông sản.
Những HTX, tổ hợp tác đang chú trọng tìm hiểu nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng đi liền với sử dụng giống phù hợp chất đất, điều kiện tự nhiên của địa phương gắn với phát triển chuỗi giá trị cũng giúp giảm tình trạng thu hoạch tập trung, tránh rủi ro về đầu ra cho thành viên HTX, người dân.
Đặc biệt là sầu riêng của Việt Nam hiện đang có lợi thế cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan nhờ được trồng rải vụ, thu hoạch quanh năm, còn sầu riêng Thái Lan chỉ có một mùa. Nếu phát triển được thế mạnh này sẽ là điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu trái sầu riêng Việt Nam.
Giải phóng "gánh nặng" bằng kiến thức
Nhìn vào thị trường và thay đổi tư duy trong sản xuất là điều cần thiết, nhưng để làm được không hề dễ. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng qua thực tế sản xuất của người dân và các HTX cho thấy, diện tích sản xuất rải vụ, trái vụ vẫn còn chưa lớn.
Điều này một phần là vì, khi trồng rải vụ, nếu không nắm chắc về kỹ thuật thì sẽ xảy ra tình trạng lạm dụng chất kích thích, vừa khiến gia tăng chi phí cho người dân và HTX, vừa làm mất cân bằng sinh thái.
Ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh, cho biết muốn cho thanh long ra trái vụ, người trồng phải đầu tư mua đèn về thắp đồng loạt. Đó là chưa kể sản xuất trái vụ nếu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, biến đổi khí hậu thì rất dễ bị dịch bệnh, mất mùa, thua lỗ.
Điển hình như HTX Nông nghiệp tổng hợp Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), từng rơi vào cảnh rau trồng trái vụ phát triển kém, sâu bệnh phá hoại nên thành viên thất thu nặng nề. Trong khi diện tích rau màu của HTX lên đến 250ha.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện nay chỉ có cây thanh long là có diện tích tương đối lớn, sản xuất tập trung theo mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp nên thuận lợi cho sản xuất rải vụ với quy mô lớn. Còn các cây khác có diện tích sản xuất vẫn nhỏ lẻ nên khó khăn trong áp dụng các kỹ thuật rải vụ, tổ chức sản xuất.
Để hạn chế tình trạng này, GS.TS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng cơ quan quản lý tại các địa phương cần xây dựng, thực hiện tốt lịch thời vụ các loại cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương cần có sự phối hợp để thống nhất quy hoạch, kế hoạch sản xuất, tiêu thụ theo lịch thời vụ nhằm bảo đảm đầu ra cũng như hiệu quả mà sản phẩm của người dân, HTX làm ra.
Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để người dân, thành viên HTX không bị thiếu thông tin thị trường, mù mờ trong sản xuất, cần đẩy mạnh tri thức hóa nông dân. Bởi trong nền kinh tế thị trường, nông dân, thành viên HTX không chỉ là những người sản xuất giỏi mà còn phải là người kinh doanh giỏi để mang lại lợi nhuận cho chính mình.
Nhưng muốn làm được vậy, cần nhiều hơn nữa các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, HTX và đưa các chính sách đó vào thực tiễn đời sống.
Còn hiện nay, theo ông Hâu, nhiều hỗ trợ từ các chính sách về tam nông và kinh tế tập thể đã có nhưng còn manh mún, lắt nhắt, ít chính sách hỗ trợ vốn và cũng chỉ có một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật…
Những chính sách này chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân, HTX chủ động sản xuất kinh doanh, trong khi nông dân, HTX cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh và bằng nguồn vốn rộng mở.