Các quy định trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) nếu có cái nhìn dài hạn và hiện đại hơn sẽ giúp kinh tế tập thể, HTX thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế và thời đại công nghiệp 4.0.
Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam công bố tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể”, đến hết năm 2021, khu vực kinh tế tập thể, HTX mới chỉ có 41,1% HTX được giao đất, quy hoạch vị trí để xây dựng trụ sở.
HTX khó tiếp cận đất đai
Điều này cho thấy các HTX vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất, thuê đất hoặc tích tụ đất đai để phát triển sản xuất kinh doanh theo quy mô lớn.
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có những HTX chuyển đổi từ HTX kiểu cũ sang HTX kiểu mới và HTX kiểu mới thành lập khi đã có Luật HTX năm 2012.
Nếu như khoảng 40% mô hình kiểu cũ chuyển đổi lên HTX kiểu mới có đất đai xây dựng trụ sở thì chỉ có khoảng 10% mô hình HTX kiểu mới có đất nhưng chủ yếu do tự thuê, mua và rất ít HTX được giao đất. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng đa số HTX kiểu mới hiện nay phải mượn nhà của các giám đốc, thành viên làm trụ sở.
Ông Chu Văn Hoàng, Giám đốc HTX Đan Phượng (Hà Nội) cũng cho biết vấn đề giao đất, cho thuê đất cho HTX vẫn chưa được thực hiện nên khoảng 95% HTX ở Hà Nội hiện nay chưa có trụ sở. Các HTX phải mượn trụ sở là trụ sở xã, nhà văn hóa thôn, hoặc đi thuê.
Theo các chuyên gia, do Luật Đất đai 2013 và ngay trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện vẫn thiên về hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, mà chưa quan tâm đến sản xuất hàng hóa và càng chưa quan tâm đến khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Cụ thể là mới chỉ có 2 điều trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập đến HTX. Đó là Điều 3, khoản 31 về giải thích từ “Tổ chức Kinh tế bao gồm doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX…” và điều 200, khoản 2 về quyền sử dụng đất của HTX khi giải thể, phá sản nhưng đây cũng chỉ là những nội dung mang tính điều kiện, chung chung.
“Tôi chưa thấy những điều, khoản liên quan trực tiếp đến kinh tế tập thể, HTX trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, GS. TS Đỗ Thế Tùng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá, đồng thời cho rằng ngay cả những điều, khoản tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa tư nhân quy mô lớn phát triển cũng đề cập rất hạn hẹp đến kinh tế tập thể, HTX như Điều 145 “Hạn mức giao đất nông nghiệp” và điều 146 về “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân” cũng đang thoát ly thực tiễn và gây trở ngại cho phát triển kinh tế hàng hóa quy mô lớn của chính các HTX.
Dân gian có câu “Buôn tài không bằng dài vốn”, muốn tiếp cận được vốn, các HTX phải có đất. Nhưng điều này đang rất khó khăn với HTX. Việc HTX phải mượn nhà của thành viên, nhà văn hóa… để làm trụ sở đủ cho thấy tình trạng khó khăn của HTX như thế nào.
Vậy nhưng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay không chỉ ít đề cập đến HTX mà còn chưa quan tâm đủ đến các HTX ở các lĩnh vực. Hiện, Dự thảo cũng chỉ đưa HTX vào diện giao đất, cho thuê đất, không phải đấu thầu đất. Và cũng chỉ có HTX nông nghiệp được đưa vào diện miễn giảm thuế giao đất, thuê đất.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, chính những chính sách này cũng không đáp ứng được với ngay cả HTX nông nghiệp. Vì yêu cầu của mô hình nông nghiệp kiểu mới phải là mô hình kinh tế đa năng. HTX không chỉ cần có nhà kho, kỹ thuật mà còn phải đầu tư cho chế biến, sơ chế. Muốn vậy, HTX phải có đất để xây công xưởng và đầu tư vùng nguyên liệu, vật tư…
Ông Nguyễn Tiến Quân, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết hiện các nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới chỉ tập trung hỗ trợ đất sản xuất cho HTX nông nghiệp, chưa có chính sách tập trung cho HTX nông nghiệp làm các dịch vụ đa năng khiến các HTX nông thôn rất khó phát triển.
Cụ thể như vấn đề giao thuê đất cũng phải trải qua đấu giá đã hạn chế sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể, chưa nói đến vấn đề giao đất, thuê đất cũng chỉ tập trung đối với HTX nông nghiệp mà quên đi các HTX vận tải. Trong khi các HTX này đóng góp không nhỏ cho kinh tế xã hội, chứ không chỉ dừng lại ở việc phục vụ thành viên.
Hay mô hình HTX tiểu thủ công nghiệp nếu thực hiện đấu thầu để thuê các khu đất có tiềm năng phục vụ sản xuất kinh doanh thì rất khó vì không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp, các khu công nghiệp.
Còn mô hình HTX môi trường đang gắn với các hoạt động dân sinh, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội bền vững nhưng muốn được giao đất, thuê đất phải thông qua đấu giá thì không khuyến khích được HTX này phát triển.
Giải cơn "khát" đất
Có thể thấy, không chỉ trong các văn bản của Đảng mà ngay trong thực tiễn sản xuất ở trong nước và thế giới hiện nay đều cho thấy, kinh tế tập thể, HTX không chỉ là một tổ chức kinh tế với vai trò chính là vì lợi ích của thành viên mà HTX còn là một tổ chức xã hội, là con đường đi lên của người nghèo, người yếu thế, nông dân hạn chế vốn, hạn chế đất đai… Nhưng Dự Luật Đất đai (sửa đổi) hiện vẫn quy định HTX (HTX nông nghiệp) phải thông qua đấu giá mới được thuê đất, giao đất.
Theo các chuyên gia, việc này đang làm yếu đi vai trò thiết thực của mô hình HTX và khiến HTX khó thu hút thành viên. “Nếu cứ thông qua đấu thầu, đấu giá thì HTX muôn đời không có đất để phát triển sản xuất”, ông Nguyễn Tiến Quân nhấn mạnh.
Để giải quyết những khó khăn trong tiếp cận đất đai của các HTX, bà Lê Thị Tâm cho rằng quy định muốn chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp ít nhất phải được UBND cấp tỉnh chấp nhận trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay là chuyện “khó như lên trời” với HTX vì vừa tốn kém chi phí xây dựng phương án sử dụng đất nông nghiệp và tiến hành các thủ tục để được UBND tỉnh chấp thuận. Trong khi HTX vẫn phải chấp hành các quy định về sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng. “Do vậy, quy định này là thừa đối với HTX nông nghiệp”, bà Tâm phân tích.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 22 – NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chỉ rõ những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, HTX đến năm 2030, tầm nhìn 2045: “…ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…”, nhưng Dự thảo Luật Đất đai hiện chưa có cái nhìn dài hạn cho các HTX phát triển trong thời đại 4.0.
Chính vì vậy, các quy định về đất đai đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX không chỉ thể hiện các nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 20-NQ/TW mà còn phải bảo đảm các nội dung trong Nghị quyết 22.
Vì theo PGS. TS Trần Kim Chung, Hội đồng Lý luận Trung ương, để tiến tới và hoàn thiện các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mô hình HTX có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ người dân, thành viên ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và liên kết với doanh nghiệp…
Trước những bất cập và thực tiễn đầy khó khăn trong tiếp cận đất đai của khu vực kinh tế tập thể, HTX, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng tình trạng chỉ có khoảng 10% HTX kiểu mới ở Ninh Bình tiếp cận được đất đai cũng đã phản ánh tình trạng chung của HTX cả nước.
Chính vì vậy cần phải tạo điều kiện thuận lợi để cho khu vực này phát triển. Trong đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng đến tình trạng tích tụ đất đai, lập kế hoạch sử dụng đất để HTX thuê; có chính sách ưu đãi về thuê đất, giao đất cho HTX không thông qua đấu thầu…
“Đặc biệt, HTX không chỉ làm kinh tế đơn thuần mà còn làm chức năng xã hội nên nếu so về mặt kinh tế thì HTX không thể cạnh tranh được với khu vực khác như các doanh nghiệp nên rất cần chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể trong quá trình hoàn thiện Luật Đất đai”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.