Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cùng sự đầu tư thích đáng cho công nghệ chế biến, bảo quả, quả thanh long ở Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) những năm qua luôn cho giá trị cao, ngay cả trong thời kỳ thị trường chủ lực Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid”.
Anh Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc), cho hay khi Trung Quốc đóng cửa, HTX vẫn có những thị trường khác rất mạnh. Để làm được điều này, các sản phẩm chất lượng cao được HTX xuất tươi theo yêu cầu của đối tác, còn lại đưa vào chế biến sâu.
Sức mạnh từ chế biến sâu
Việc tăng hàm lượng khoa học – kỹ thuật, chủ động giảm lượng xuất thô để tăng tỷ lệ chế biến sâu đã và đang giúp HTX Hòa Lệ liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững giữa bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt với sự góp mặt của cả các mặt hàng trong nước và ngoại nhập.
Đến nay, HTX có 10 loại sản phẩm chế biến từ trái và hoa thanh long. Điển hình như nước ép thanh long, rượu thanh long, mứt, trà hoa thanh long, bông thanh long sấy… Các sản phẩm lần lượt chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản.
Ở trong nước, các sản phẩm thanh long tươi và chế biến của HTX cũng rất được lòng người tiêu dùng. Thanh long Hòa Lệ hiện là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bình Thuận. Sản phẩm hoa thanh long sấy chấm kho quẹt hay nước mắm gừng là một trong những đặc sản gây ấn tượng mạnh với khách du lịch.
Tương tự, HTX Bảo Minh (Chiềng Khoong, Sông Mã, Sơn La) cũng đang là một trong những điển hình đã tìm ra hướng đi mới nhằm thích ứng với biến động thị trường thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, đầu tư các kho lạnh nhằm bảo quản sản phẩm, chuyển hướng chế biến sâu.
Giám đốc HTX Bảo Minh Phạm Thùy Trang cho biết, trong 2 năm qua, HTX chủ động đầu tư 3 kho lạnh với sức chứa lên đến hàng nghìn tấn, nhằm phục vụ việc thu mua nông sản cho người dân và chuyển hướng một phần sang chế biến sâu.
Đơn cử, chỉ tính riêng vụ nhãn năm 2021, HTX đã tiêu thụ hơn 1.100 tấn nhãn tươi. Đồng thời, chuyển đổi 70% sản lượng nhãn sang chế biến long nhãn để xuất sang Trung Quốc. Hiện tại, HTX Bảo Minh đang tiến hành thu mua khoảng 1.000 tấn ngô hạt và 3.000 tấn sắn tươi để chế biến xuất khẩu.
Để phục vụ chế biến xuất khẩu, HTX đã chủ động hoàn thiện các khâu sản xuất, bắt đầu với việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh thái.
Cụ thể, 100% diện tích nhãn nguyên liệu phục vụ chế biến của HTX hiện được triển khai theo quy trình hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, nguồn nước tưới đảm bảo độ trong, sạch, không lẫn tạp chất gây ảnh hưởng sức khỏe.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Có thể thấy, chế biến sâu chính là nhân tố quan trọng để HTX giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản một cách căn cơ, triệt để, nâng cao giá trị sản xuất. Tuy nhiên, để hoạt động chế biến nông sản diễn ra mạnh mẽ hơn, các chuyên gia cho rằng cần xem HTX, doanh nghiệp là trung tâm của chính sách hỗ trợ.
Trước hết là về phía địa phương, các chính sách hỗ trợ HTX cần được đẩy mạnh, đồng thời đi sát với thực tiễn hơn. Đáng chú ý, theo các HTX, các chính sách hỗ trợ của địa phương chính là “chìa khóa” để các đơn vị thúc đẩy chế biến.
Đơn cử, tại HTX thanh long sạch Hòa Lệ, theo Giám đốc HTX Đỗ Thanh Hiệp, từ năm 2018, đơn vị đã ký kết liên kết chuỗi với 4 HTX trên địa bàn huyện, cộng với hàng trăm hộ nông dân sản xuất thanh long ở các khu vực lân cận.
Song song đó, HTX nỗ lực nâng tầm sản phẩm qua khẳng định những chứng nhận GlobalGAP, HACCP, OCOP 4 sao… Nhờ vậy, HTX liên kết tiêu thụ cùng các công ty xuất nhập khẩu tiêu thụ xuất khẩu hàng năm khoảng 10.000 tấn.
Kết quả đó đạt được là nhờ sự quan tâm hỗ trợ từ Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận và dự án UNDP hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh hóa, giảm khí phát thải nhà kính để sản phẩm của HTX đủ tầm đi xúc tiến thị trường các tỉnh, thành trong nước và Hội chợ trái cây lớn nhất châu Á Fruit Lugistica ASIA tại Thái Lan.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và các địa phương cũng cần tăng cường xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ và xây dựng, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, cấp mã vùng đối với nông sản.
Cùng với sự hỗ trợ của địa phương, theo các chuyên gia, Việt Nam có thể học kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… hỗ trợ rất mạnh không chỉ cho HTX, doanh nghiệp chế biến nông sản mà cho các HTX, doanh nghiệp chế tạo máy công nghiệp, từ đó giúp hạ giá thành máy móc, thiết bị kỹ thuật.
Khảo sát cho thấy, các HTX, doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi như yêu cầu phức tạp về thủ tục thẩm định, ngân hàng chưa chấp nhận tài sản đảm bảo trên đất hoặc chấp nhận nhưng định giá rất thấp, kể cả các tài sản có giá trị cao như nhà kính, nhà lưới…
Việc đẩy mạnh chế biến để giảm xuất thô rõ ràng là điều không dễ. Để làm được, bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị sản xuất, các cơ quan quản lý cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, nhất là chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kết nối từ nhà máy sản xuất đến vùng nguyên liệu, để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển công nghiệp chế biến.