Ngoài sự biến động thất thường của thời tiết, thị trường và giá cả với nhiều rủi ro, các HTX nghề cá, đi biển còn đối mặt với tình trạng lao động ngày càng khan hiếm, giá thuê ngày càng cao.
Gắn bó với nghề đi biển gần chục năm nhưng mấy năm nay, anh Dương Văn Lệnh (Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã nghỉ làm và chuyển sang làm thợ hàn. Theo anh Lệnh, nghề đi biển vừa vất vả, thu nhập lại không tăng mà giảm nên anh quyết định nghỉ.
Thiếu nhân lực, tàu nằm bờ
Việc nhiều người từng gắn bó với nghề đi biển nhưng bỏ nghể, chuyển nghề khiến các tổ hợp tác (THT), HTX khai thác hải sản xa bờ rơi vào cảnh thiếu hụt lao động.
Ông Lý Văn Liểng, Tổ trưởng THT khai thác thủy sản Trường Duy (Kiên Giang) có 12 ghe tàu đánh bắt xa bờ với 84 thành viên, mỗi chuyến đánh bắt kéo dài hơn 3 tháng. Tuy nhiên, hiện nay, lao động trong THT chủ yếu là người lớn tuổi, nhiều người dừng làm nghề nên xảy ra cảnh thiếu hụt lao động. Từ sau Tết, các thành viên THT đều phải ngồi lại để tính toán về nhân lực nhưng vẫn chưa khả quan trong khi thời điểm hiện nay đang là cao điểm của mùa đi biển.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm (Tiền Giang), cũng cho biết nhiều thanh niên hiện nay không còn thấy hào hứng với nghề đi biển, sông nước vì công việc này không hề nhẹ nhàng, thậm chí bấp bênh nhưng nguồn thu lại không có nhiều nổi bật so với những công việc trên bờ.
Theo các HTX có tàu công suất lớn, chuyên đánh bắt xa bờ, ở thời điểm hiện tại, tìm được người lao động đã khó nhưng tìm được lao động trẻ, có chuyên môn, được đào tạo bài bản lại càng khó hơn.
Nhiều HTX đã tạo điều kiện cho thành viên, người lao động tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề đi biển ngắn ngày do địa phương tổ chức nhưng số lượng này cũng chỉ đạt khoảng 40-50% nhu cầu vì nhiều người không hào hứng tham gia.
Khảo sát ở các địa phương phát triển nghề đánh bắt xa bờ cho thấy, tình trạng thiếu lao động đi biển đã diễn ra trong thời gian dài khiến nhiều HTX, THT phải cho nhiều tàu nằm bờ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến sản lượng thủy sản khai thác ở các địa phương ít dần.
Việc các tàu không thể ra khơi cũng đồng nghĩa với các hoạt động hậu cần nghề cá cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Các dịch vụ cung cấp đá cây để ướp cá, dầu, nhu yếu phẩm để vươn khơi cũng không thể tiêu thụ.
Đi liền với đó, nhiều HTX, THT còn gặp khó khăn vì phải đối mặt với khoản tài chính để trả nợ ngân hàng. Bởi để đánh bắt xa bờ, mỗi chiếc tàu có giá lên đến hàng chục tỷ đồng nên các HTX phải vay ngân hàng. Việc hoạt động khó khăn, cầm chừng do thiếu nguồn nhân lực khiến các HTX không có thu nhập để trả nợ ngân hàng.
Hạn chế rủi ro, thu hút lao động
Theo các chuyên gia, việc thiếu lao động chủ yếu là do nghề đi biển vất vả, nguy hiểm. Trong khi hiện nay, chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên trên tàu chưa được quy định cụ thể, gây khó khăn cho các người dân, thành viên HTX và cả doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện.
Chẳng hạn như việc xem xét hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành nghề này. Vậy nhưng điểm khó là nhiều văn bản pháp luật khác về quản lý và khai thác thủy sản như Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ 2019) đã có những quy định mới về phân nhóm tàu cá, phân vùng khai thác thủy sản, văn bằng, chứng chỉ thuyền viên tàu cá, phân vùng khai thác thủy sản…
Điều này khiến các thành viên HTX, THT nghề cá muốn mua bảo hiểm gặp khó khăn trong việc xem xét hồ sơ vì các đơn vị bán bảo hiểm trả lời chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý.
Chính vì vậy, ông Lý Văn Liểng cho rằng, nếu các văn bản pháp luật có những quy định về bảo hiểm một cách cụ thể, rõ ràng thì ngư dân, THT , HTX sẽ an tâm tham gia mua bảo hiểm. “Các cơ quan quản lý nên xem xét việc bắt buộc mua bảo hiểm vào một công ty nào đó gây bất tiện cho người dân, thành viên THT”, ông Liểng nói.
Ngoài vấn đề bảo hiểm, theo các HTX, THT, việc khó tuyển lao động, đặc biệt là các thuyền viên còn do Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT hiện quy định khắt khe về chứng chỉ của thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá… Nếu không đáp ứng được các điều kiện tại thông tư này, tàu sẽ không được ra khơi.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm được đủ các chức danh trên với yêu cầu khắt khe của cơ quan quản lý là điều rất khó khăn đối với các HTX, THT trong thời điểm này. Dù đi thuê lao động tay nghề cao ở nhiều địa phương khác cũng không đáp ứng được nhu cầu.
Theo các chuyên gia, dù biết yêu cầu trong Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT là hướng đến bảo đảm an toàn cho cá tàu cá, giúp nghề đánh bắt xa bờ hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, cần có lộ trình thực hiện phù hợp với thực tế ở các địa phương, vì việc tìm người đã khó và mất thời gian, việc đào tạo người đi biển có chất lượng cao càng mất nhiều thời gian hơn.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để lĩnh vực đào tạo ngành nghề hàng hải, lao động biển có thể thu hút được học viên như: hỗ trợ kinh phí thực tập cho học viên trên các tàu biển. HTX, doanh nghiệp nghề biển cũng cần có chính sách đặt hàng đào tạo khối kỹ thuật trước xu thế tự chủ giáo dục và đào tạo.
HTX, THT nào mạnh và muốn phát triển bền vững có thể áp dụng chính sách hỗ trợ con em thành viên, người lao động đi học nghề, học chuyên nghiệp để sau này ra trường làm việc cho chính các HTX, THT.
Ông Trần Đỗ Liêm cho rằng, muốn thu hút được lao động trong ngành nghề này, cần nâng cao thu nhập cho họ, làm sao đảm bảo thu nhập đó cao gấp 2-3 so với những việc làm ở trên bờ.
Muốn vậy, phải giải quyết được năng suất làm việc của tàu hoặc năng suất 2 đầu bến. Đi liền với đó là các HTX, THT cần ứng dụng công nghệ để các lao động trên tàu đỡ vất vả, hạn chế nguy hiểm. Điều này cần một bước đi đột phá của chính các THT, HTX nhưng cũng cần sự hỗ trợ của địa phương trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng.