Năm 2017, xã Thới Ðông, huyện Cờ Ðỏ được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn thôn mới (NTM). Không thỏa mãn trước những kết quả đạt được, Thới Ðông luôn chú ý đến việc cải thiện, nâng chất lượng các tiêu chí theo Bộ Tiêu chí xã NTM nâng cao. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, xã Thới Ðông đã đạt toàn bộ 19 tiêu chí và vinh dự được công nhận xã NTM nâng cao.
Chia sẻ về hành trình tiến tới xã NTM nâng cao, ông Nguyễn Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Thới Ðông, cho biết: “Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu mới và yêu cầu đạt cao hơn so với trước như chỉ tiêu 8.4 (tiêu chí số 8) ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế – xã hội và tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM; tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; tiêu chí số 15 về hành chính công… Nhưng với sự đồng lòng, chung sức từ phía người dân và sự quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn từ các cấp, việc hoàn thiện các tiêu chí đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, diện mạo và đời sống người dân nông thôn thêm khang trang, sung túc”.
Một số tiêu chí, chỉ tiêu đạt tỷ lệ cao, mang tính bền vững có thể kể đến: giao thông, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, thu nhập, y tế, xây dựng cảnh quan môi trường và xử lý rác thải… Hiện xã có 3,5km đường liên xã (tuyến đường Cờ Ðỏ – Nóc Bằng) được đầu tư nhựa hóa 100%, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Ðường trục xã đến ấp dài 19,3km đều được bê tông hóa mặt đường từ 3,5-4m, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, vận chuyển về nơi xử lý rác tập trung của huyện đạt 100%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,07%. Bên cạnh đó, Thới Ðông còn triển khai nhiều mô hình thu gom rác thải như: mô hình phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày; mô hình phụ nữ tự phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình hay mô hình thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật của Hội Nông dân xã…
Xã cũng tập trung vào các điểm mới của bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có yêu cầu về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn phải có sản phẩm chủ lực bán trên kênh thương mại điện tử; ứng dụng chuyển đổi số để để truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực… Trên địa bàn xã có 2 hợp tác xã: Hợp tác xã Ðông Xuân và Hợp tác xã Trung Hòa. Trong đó, Hợp tác xã Trung hòa được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ cấp giấy xác nhận truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm gạo; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất VietGAP trên lúa, với diện tích 18ha/4hộ. Nhờ tích cực tái cơ cấu ngành Nông nghiêp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, không ngừng tăng giá sản xuất, thu nhập bình quân của xã năm 2022 đạt 65,619 triệu đồng/người/năm, tăng 24,769 triệu so với năm 2017; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2,45%…
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng NTM của Thới Ðông còn gặp nhiều cản ngại: một bộ phận còn nhận thức chưa đầy đủ về xây dựng NTM, chưa tự giác cùng cộng đồng xây dựng các công trình dân sinh, cải tạo cảnh quan môi trường; hình thức sản xuất hợp tác trong nông nghiệp có phát triển nhưng chưa có chiều sâu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; việc áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất còn chưa rộng rãi…
Từng bước khắc phục khó khăn cũng như hướng đến mục tiêu cao hơn, ông Nguyễn Văn Thơm, cho biết: “Thới Ðông xác định sau khi được công nhận xã NTM nâng cao sẽ tập trung ngay vào việc nâng chất các tiêu chí, làm nền tảng tảng tiến lên xã NTM kiểu mẫu. Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo của cán bộ, người dân trong quá trình tổ chức thực hiện các tiêu chí. Ðồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội qua đó tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho người dân gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; nâng cao thu nhập; cải thiện môi trường sống nông thôn theo hướng hiện đại, bản sắc…
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh: Danh hiệu xã NTM nâng cao không chỉ dừng lại ở việc được công nhận bằng các quyết định mà sâu xa hơn là phải tạo nên bản sắc, sự khác biệt. Bản thân chúng ta phải nhận thấy được sự chuyển mình từ xã NTM lên NTM nâng cao khác nhau như thế nào, xã NTM nâng cao của mình khác gì với xã NTM nâng cao lân cận… Để tạo nên sự khác biệt đó, các xã NTM nâng cao nói chung và xã NTM nâng cao Thới Đông nói riêng cần phát huy nội lực, xác định rõ lợi thế của địa phương. Đồng thời, chú trọng các tiêu chí bản lề, mang tính đòn bẩy như: phát triển sản xuất nâng cao thu nhập để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phát triển hạ tầng nông thôn (điện, đường, trường, trạm); quan tâm giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; xây dựng cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch đẹp…