Dự báo tích cực, xuất khẩu của HTX có thuận lợi?

Tuy có những tín hiệu tích cực về xuất khẩu nông sản của các HTX trong thời gian tới nhưng bên cạnh đó, nhiều thách thức nếu không được giải quyết thì các HTX cũng khó tận dụng được những thế mạnh sẵn có để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Trong tháng 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 300 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này được cho là thị trường Trung Quốc đang mở rộng hơn cánh cửa cho xuất khẩu nông sản.

Khó cạnh tranh

Nhiều dự báo cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 dự kiến đạt 393 tỷ USD, tăng thêm 22 tỷ USD so với năm 2022. Vậy nhưng, theo không ít HTX, tuy cánh của thị trường xuất khẩu đã rộng mở hơn so với thời gian bị dịch bệnh Covid-19, nhưng nhiều khó khăn và thách thức không nhỏ đang đè nặng lên HTX.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Sơn La) chia sẻ: Xuất khẩu thanh long sang Hà Lan, Pháp, Italia… sẽ nâng cao giá trị nông sản. Vậy nhưng, năm nay, các thị trường châu Âu và Mỹ thực chất vẫn chưa thực sự phục hồi, trong khi vấn đề chi phí vận chuyển vẫn là khó khăn đối với HTX.

Hiện, tiền thuê nhân công đóng gói, tiền thuê kho lạnh bảo quản quả thanh long tươi sau khi thu hoạch tại địa phương, tiền vận chuyển nông sản lên sân bay Nội Bài đều ở mức cao khiến chi phí 1kg tăng lên gần gấp đôi. Nếu mua, thu hoạch thanh long tại vườn là 30.000-35.000 đồng/kg thì lên đến sân bay Nội Bài, chi phí đã tăng lên khoảng 60.000-65.000 đồng/kg.

Đảm bảo chất lượng, chú trọng đáp ứng yêu cầu thị trường sẽ giúp HTX giảm bớt các khó khăn trong xuất khẩu.

Điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận của HTX và giảm sức cạnh tranh của thanh long Việt Nam với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Trong khi thị trường các nước nhập khẩu hàng hóa hiện nay đều có xu hướng đề cao vấn đề giao hàng nhanh, chất lượng cũng đòi hỏi cao hơn.

Nhiều HTX cũng cho rằng hiện nay chỉ ở những thành phố lớn mới có các đơn vị chuyên cung ứng các loại sản phẩm hỗ trợ các hoạt động từ túi bao trái, thùng xốp, thùng cát tông, hộp nhựa… để phục vụ toàn bộ quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản xuất khẩu một cách đồng bộ. Chính vì vậy mà nhiều HTX xuất khẩu phải nhập và vận chuyển các loại vật liệu từ các địa phương khác hoặc phải thu mua từ nhiều nơi nên gia tăng chi phí đầu tư, tốn thời gian.

Ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Làm nông minh bạch, cho biết vấn đề dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt đi liền với xung đột Nga – Ukraine có lẽ sẽ tiếp tục ảnh hưởng theo chiều hướng không tốt đến nền kinh tế các nước, trong đó có các thị trường đang nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam.

Nhiều HTX lại đang đối mặt với tình trạng vốn mỏng hoặc thiếu vốn, lãi vay ngân hàng ở mức cao, tỷ giá ngoại tệ biến động trong khi giá nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn còn cao. Hơn nữa, nhiều HTX vẫn ảnh hưởng và chịu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 nên sức nguồn lực và sức chống chịu giảm dần.

Tối ưu chi phí

Theo các chuyên gia, tình hình xuất khẩu trong năm nay có thể vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn bởi nhiều quốc gia đang bị ảnh hưởng suy thoái, lạm phát. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, dù là xuất khẩu sang thị trường nào thì các đối tác đều có những yêu cầu ngày càng cao trong xuất khẩu. Và một điều các HTX cần lưu ý đó là các thị trường này đều đề cao sức khỏe của người dân nên việc chú trọng sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường cần đặc biệt được chú trọng.

Ngay Trung Quốc, hiện các chuyến hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường này đã tăng cao nhưng nếu các HTX thấy vậy mà chỉ quan tâm chạy đua về số lượng, bỏ qua chất lượng sẽ khiến hàng hóa không đạt chuẩn, tỷ lệ hao hụt cao, thiệt hại về kinh tế lớn.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết việc quản lý quy trình nhập khẩu của Trung Quốc rất hệ thống, khoa học nên khi phát hiện ra những bất ổn trong chất lượng hàng hóa, quy trình sản xuất, phía Trung Quốc thường sẽ kiểm tra, giám sát kỹ hơn. Điều này không chỉ gây khó khăn cho riêng HTX đó, mà còn gây khó khăn chung cho hoạt động xuất nông sản. Chính vì vậy, cẩn thận trong từng bước để bảo đảm quy trình xuất khẩu là không thể bỏ qua.

Bên cạnh đó, để giảm bớt các khó khăn, các HTX cần xem xét làm sao để tối ưu chi phí sản xuất bằng việc cắt giảm những chi phí không cần thiết, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo ông Đỗ Hồng Quân, nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cần phát huy vai trò của mô hình HTX trong việc cung cấp các nguyên liệu, vật liệu, dịch vụ đầu vào để tối ưu chi phí sản xuất cho các HTX. Nếu HTX liên kết trực tiếp với doanh nghiệp cung cấp phân bón cho thành viên cũng sẽ giúp giảm chi phí đầu tư khá lớn, có mô hình giảm đến 30-37% chi phí. Điều này vừa mang lại lợi ích cho người dân, HTX và cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa có nhiều HTX hiện nay làm được điều này.

Có ý kiến cho rằng, trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các HTX cũng cần cần kiên trì bám sát thị trường, bám sát khách hàng để có những phản ứng linh hoạt, kịp thời trước những chính sách, yêu cầu nhập khẩu của đối tác.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Lên đầu trang