Với khoảng 24-25 triệu tấn lúa mỗi năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa của cả nước và đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu; đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp… Nhiều năm qua vùng ĐBSCL khẳng định vai trò tiên phong trong sản xuất và xuất khẩu gạo cả nước. Tuy nhiên, trong tình hình mới, việc sản xuất lúa gạo ĐBSCL cần mạnh dạn thay đổi theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.
Tín hiệu tích cực
Những ngày này, nông dân các tỉnh ĐBSCL vô cùng phấn khởi khi lúa đông xuân đầu vụ được giá cao và rất dễ bán. Ông Trần Văn Khoa, ngụ xã Đông Bình, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), cho hay: “Vụ này, gia đình canh tác gần 2ha lúa, nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, năng suất đạt khoảng 7,5 tấn/ha. Hiện thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng giống IR 50404 từ 6.500-6.600 đồng/kg, các giống lúa chất lượng cao từ 7.000-7.100 đồng/kg, lúa Nhật 7.700-7.900 đồng/kg, lúa ST24 khoảng 8.000 đồng/kg… với giá này nông dân lãi 25-30 triệu đồng/ha trở lên”. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ đông xuân 2022-2023 sản xuất khoảng 74.000ha, với chiều hướng thuận lợi này hứa hẹn nông dân sẽ bội thu.
Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) chỉ cánh đồng lúa rộng hơn 900ha của hợp tác xã đang chuẩn bị thu hoạch vào những ngày tới, trong không khí được mùa, được giá nên bà con rất vui mừng. “Thời gian qua, hợp tác xã đẩy mạnh áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, triển khai đồng loạt cơ giới hóa; tăng cường liên kết với doanh nghiệp nhằm tiết giảm các khoản chi phí, đồng thời tăng chất lượng lúa đáp ứng cho các thị trường xuất khẩu. Với tình hình giá lúa cao như hiện nay thì bà con xã viên sẽ thu lời rất khá…”.
Theo Bộ NN&PTNT, nếu như năm 2022 nước ta đạt kỷ lục mới về xuất khẩu gạo với khoảng 7,2 triệu tấn, mang về hơn 3,49 tỉ USD, thì những tháng đầu năm 2023 tình hình lúa gạo trên thị trường tiếp tục sôi động, tạo niềm tin cho nông dân và doanh nghiệp an tâm phát triển. Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong hơn 10 năm qua, nước ta luôn giữ vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, với mức dao động từ 5-7 triệu tấn mỗi năm, trong đó vùng ĐBSCL đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu. Việc xuất khẩu gạo đạt được nhiều tiến bộ như vậy là nhờ chúng ta tăng cường cơ cấu chủng loại gạo thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ gạo thơm, đặc sản và gạo trắng cao cấp, từ đó mang lại giá trị gia tăng cao. Hiện, một số chủng loại gạo đặc sản của Việt Nam đã có giá xuất khẩu tương đương với gạo thơm Thái Lan. Riêng phân khúc gạo trắng của nước ta gần đây có lúc giá vượt trên gạo của Ấn Độ và Thái Lan. Một thành công nữa là gạo Việt Nam đã thâm nhập được các thị trường khó tính như EU và bước đầu có thương hiệu…
Phát triển bền vững, đảm bảo môi trường
Mặt được là vậy, tuy nhiên trước biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn mặn, ngập úng, lũ lụt, nhiệt độ cao làm thiệt hại sản xuất lúa. Cụ thể, đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 ở ĐBSCL đã làm giảm trên 1 triệu tấn lúa là bài học cần rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, xét trên phạm vi toàn cầu việc canh tác lúa gây nên 10% tổng lượng phát thải methane; riêng ở Đông Nam Á canh tác lúa gây nên 25-33% tổng lượng phát thải methane của khu vực. Ứng phó với vấn đề này, các tỉnh ĐBSCL có nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa được triển khai và đạt kết quả khả quan. Điển hình như đưa vào sản xuất các giống lúa chịu mặn cho vùng ven biển, ứng dụng bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu đã giúp điều chỉnh thời vụ né được xâm nhập mặn cho 600.000ha không bị tổn thất vào năm 2019. Chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) thực hiện từ năm 2015 đến 2022 ở ĐBSCL đã ứng dụng quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm” trên 180.000ha lúa đem lại hiệu quả tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính và tăng thu nhập cho nông dân…
Đặc biệt là hiện nay, Bộ NN&PTNT đang triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Qua đó nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại, đáp ứng đa mục tiêu là nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo và thu nhập cho nông dân; bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đạt trên 500.000ha, sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (tương đương 3,8 triệu tấn gạo); lợi nhuận của nông dân đạt trên 35%; giảm phát thải khí nhà kính trên 10%… Đến năm 2030, diện tích canh tác lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu héc-ta, sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (tương đương 7,7 triệu tấn gạo); lợi nhuận của nông dân đạt trên 40%, giảm phát thải khí nhà kính trên 20%. Bên cạnh đó, lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt 2,3 triệu tấn (chiếm 30% sản lượng gạo trong vùng đề án). Tổng mức đầu tư giai đoạn từ năm 2023-2030 hơn 40.000 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách, vốn trong dân và các nguồn vốn khác…
Để đảm bảo tiêu chí tăng trưởng xanh, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL hỗ trợ nông dân tăng cường sử dụng giống chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP, sản xuất lúa bền vững, lúa hữu cơ; thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, từ đó tạo ra hạt gạo đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của quốc tế, cũng như các nước nhập khẩu trên thế giới…
Việt Nam là nước có lợi thế cạnh tranh về sản xuất lúa trên thế giới khi xét về điều kiện sinh thái tự nhiên (trồng được nhiều thời vụ khác nhau trong năm), có đồng bằng trồng lúa vào loại phì nhiêu nhất của khu vực; diện tích, năng suất và sản lượng đều có vị trí cao trên thế giới. Thống kê bình quân năng suất lúa cả nước đạt hơn 6 tấn/ha trên diện tích 7 triệu héc-ta, đây là thành tựu về năng suất ấn tượng của thế giới. Riêng vụ đông xuân ở ĐBSCL, năng suất lúa đạt trên 7 tấn/ha… Tuy nhiên, nếu muốn duy trì năng suất lúa lâu dài không suy giảm, cần chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất lúa sang hướng bền vững và tăng trưởng xanh. |