Làm gì để thị trường Halal không còn xa vời với HTX?

Thị trường Halal có nhiều tiềm năng nhưng khu vực kinh tế tập thể, HTX là nơi sản xuất trực tiếp ra các nông sản mới chỉ tiếp cận được ở bước đầu, chưa tương xứng với lợi thế sẵn có.

Ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc công ty Consultech JSC, cho biết những năm gần đây đã có nhiều đơn vị và một số HTX bắt đầu quan tâm đến hàng hóa phục vụ thị trường Halal. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp, HTX mới chỉ xuất khẩu nhỏ giọt, chủ yếu thăm dò và làm quen thị trường.

Chưa tận dụng được tiềm năng

Điều này phần lớn là do ngoài yêu cầu chứng nhận Halal và đòi hỏi dây chuyền sản xuất riêng cho sản phẩm Halal thì hiện các nước nhập khẩu đang có sự so sánh về giá bán, chất lượng giữa các doanh nghiệp, HTX Việt Nam với một số đối tác xuất khẩu từ các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan, Trung Quốc…

Theo đó, các doanh nghiệp, HTX Việt Nam chỉ mới “chân ướt chân ráo” tham gia thị trường này, còn các nhà xuất khẩu của Thái Lan, Trung Quốc thì rất dày dạn kinh nghiệm. Họ không chỉ đầu tư về máy móc, quy trình sản xuất mà còn đầu tư về bao bì, sản phẩm cũng đa dạng và bắt mắt hơn.

Chính vì vậy mà thị trường Halal được đánh giá là “mỏ vàng” khi chiếm khoảng 25% dân số thế giới và dự báo tăng lên khoảng 30% vào năm 2050, nhưng các doanh nghiệp, HTX vẫn chưa chinh phục được. Đặc biệt là nhiều HTX mới chỉ đang ở giai đoạn thăm dò, tìm hiểu thị trường.

Để tận dụng thế mạnh sẵn có nhằm chinh phục thị trường Halal, HTX phải tìm hiểu thị trường và có sự đầu tư phù hợp.

Trong khi theo đánh giá hiện nay, nhiều nông sản của các HTX, Liên hiệp HTX đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều HTX còn đạt chứng nhận hữu cơ thế giới và có những điểm tương đồng với yêu cầu chứng nhận Halal cũng như được người Hồi giáo ưa chuộng.

Bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm (Cà Mau) chia sẻ, HTX đang thiếu thông tin thị trường, tiêu chuẩn Halal. HTX cũng chưa hiểu được là sản phẩm tôm sấy sinh thái đạt tiêu chuẩn hữu cơ có được người Hồi giáo ở các nước ưa chuộng hay không?

Còn bà Đinh Thị Yến, Giám đốc HTX Thái Tuấn (Sơn La) cho biết, thị trường Halal rất tiềm năng nhưng bản thân bà và các thành viên cũng chưa biết rõ sản phẩm cá tép dầu khô của HTX đã đạt OCOP 4 sao cần liên kết với đơn vị nào để có những hướng dẫn cụ thể trong xuất khẩu cũng như làm chứng nhận Halal.

Đầu tư đi liền với hiểu thị trường

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường Halal rất tiềm năng, nhất là ở khu vực Trung Đông và một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia. Nếu Trung Đông là cửa ngõ để các HTX doanh nghiệp có thể tiến sâu vào thị trường châu Âu và châu Mỹ thì thị trường Halal ở khu vực Đông Nam Á lại có điều kiện thuận lợi về logistics.

Đặc biệt, yêu cầu về sản phẩm Halal rất nghiêm ngặt nên sản phẩm này hiện không chỉ là lựa chọn của người Hồi giáo mà còn thu hút rất nhiều người tiêu dùng khác trên thế giới có lối sống lành mạnh. Trong khi các mặt hàng như trà, thủy sản hay các sản phẩm nông sản sản khác đều là thế mạnh của các HTX.

Theo thống kê, hiện tỷ trọng lúa gạo, hồ tiêu và rau quả do các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác sản xuất tại các vùng miền đang chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước. Tỷ trọng các nông sản khác và thủy sản chiếm 25-30%, tỷ trọng sản phẩm OCOP chiếm 45%… Đây đều là nguồn hàng tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường Halal.

Đặc biệt, HTX đã đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến và có các chứng chỉ như ISO, HACCP, GMP, GAP… là một điều kiện thuận lợi vì muốn đạt chứng nhận Halal, HTX buộc phải hoàn thiện các chứng nhận này.

Tuy nhiên, điều khiến các HTX quan tâm là mỗi nước nhập khẩu mặt hàng Halal lại có yêu cầu riêng về chứng nhận. Chính vì vậy, khi HTX đang xuất khẩu sang thị trường này mà muốn mở rộng sang thị trường khác thì rất khó khăn, hoặc phải tìm thị trường có chứng nhận Halal tương đồng.

Chẳng hạn như chứng nhận Halal Jakim và Halal Mui chỉ có thời hạn 1 năm. Chứng nhận này giúp sản phẩm của HTX có thể xuất khẩu có giá trị xuất khẩu sang tất cả các nước nhưng trừ Indonesia và GCC. Ngay như Malaysia, Indonesia hiện đã có tiêu chuẩn Halal riêng nhưng hai nước này vẫn chưa công nhận tiêu chuẩn Halal lẫn nhau. Điều này phần nào gây khó cho các HTX và sản phẩm Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc xem xét chứng nhận để xuất khẩu sang thị trường Halal phù hợp là điều cần thiết. Nếu HTX nào có ý thức trong sản xuất, đã tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất và chủ động đầu tư cho sơ chế, chế biến rồi thì quá trình đánh giá, hoàn thiện chứng nhận Halal không quá khó khăn, và cũng không mất quá nhiều thời gian vì chứng nhận Halal cũng có nhiều điểm tương đồng với các chứng nhận sản xuất bền vững.

Một trong những điều cần lưu ý là sau khi đạt chứng nhận, HTX phải luôn luôn duy trì tính hiệu lực của tiêu chuẩn Halal, bởi đây không đơn thuần là yếu tố kỹ thuật mà chính là niềm tin, đức tin của người Hồi giáo.

Bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch-AFT), cho biết người Hồi giáo không sử dụng sản phẩm từ thịt lợn nên việc trà trộn hay không đảm bảo về nguyên liệu không những làm mất uy tín của HTX mà còn bị phạt rất nặng.

Bên cạnh đó, các loại thịt đạt tiêu chuẩn Halal là thịt không dính máu. Việc giết mổ phải được thực hiện theo quy cách Halal. Tức là quá trình giết mổ cũng phải đảm bảo ít gây đau đớn và chết nhanh cho động vật. Ngoài ra, động vật phải được nuôi, chuyên chở, bắt và giữ theo điều kiện nhân đạo.

Hiện, trong Luật Chăn nuôi đã có quy định về chăn nuôi nhân đạo. Nhưng vẫn rất ít HTX, doanh nghiệp làm được điều này hoặc làm chưa trọn vẹn. Chẳng hạn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, công nghệ cao nhưng giết mổ vẫn chưa bảo đảm tính nhân đạo.

Đi liền với đó, sản phẩm Halal muốn chinh phục được người Hồi giáo thì bao bì phải có ngôn ngữ phù hợp, thân thiện với người bản xứ. Bởi, người Hồi giáo rất kỹ tính trong tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top