Nông dân bắt kịp xu thế mới 

Nông nghiệp Cần Thơ chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, xanh, sạch, chất lượng và giá trị cao. Với sự tiếp sức của ngành chức năng, nông dân đã chuẩn hóa sản xuất, đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường…

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại một hộ xã viên của HTX rau an toàn Trí Vinh.

LIÊN KẾT SẢN XUẤT LỚN​

Ðến với vùng ngoại thành huyện Vĩnh Thạnh, chúng tôi hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên yên bình, những cánh đồng lúa bạt ngàn và tận mắt nhìn thấy sự “thay da, đổi thịt” của vùng quê. Giao thông phát triển thuận tiện đi lại, nhiều công trình thủy lợi, trạm bơm điện hiện đại chủ động tưới tiêu nước cho nông nghiệp…

Ðưa chúng tôi tham quan cánh đồng lúa xanh mướt màu mạ non, ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Khiết Tâm ở huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Vụ đông xuân 2022-2023, xã viên thực hiện mô hình cánh đồng lớn, trồng các loại lúa thơm Ðài Thơm 8 và OM 18 đạt các tiêu chuẩn và chất lượng theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. HTX không chỉ sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP, mà còn trồng lúa gạo bền vững đạt theo tiêu chuẩn quốc tế SRP. Hiện HTX có 40 thành viên, với diện tích đất canh tác lúa hơn 340ha và đã có 6 trạm bơm điện phục vụ cho các cánh đồng liên kết. HTX dự kiến mở rộng quy mô 300 thành viên, với diện tích canh tác hơn 3.000ha, nhằm đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao”.

Nông dân trồng các loại rau màu, cây ăn trái cũng liên kết, hợp tác sản xuất theo quy mô lớn, sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc HTX rau an toàn Trí Vinh ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, phấn khởi nói: “HTX có 12 thành viên, với diện tích canh tác rau màu hơn 12,5ha áp dụng sản xuất theo VietGAP. Với việc liên kết các nông hộ nhỏ lẻ lại với nhau, HTX phát triển sản xuất quy mô lớn và được ngành chức năng hỗ trợ chuẩn hóa sản xuất theo hướng an toàn, thực hiện xây dựng mã số vùng trồng, logo cho sản phẩm. Ðồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh rau màu thông qua áp dụng các công nghệ cao, đặc biệt đầu tư trồng rau màu trong nhà lưới kết hợp với hệ thống phun tưới tự động. Ứng dụng công nghệ thông tin và mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đưa sản phẩm lên quảng bá, tiêu thụ tại các siêu thị, sàn thương mại điện tử”.

Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, huyện Phong Ðiền, để xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ, nông dân HTX xây dựng mã số vùng trồng, áp dụng sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP và đang hướng đến sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ. HTX cũng đang thu hút thêm xã viên mở rộng quy mô sản xuất. HTX hiện có 45 thành viên, với diện tích canh tác hơn 45,5ha, với 2 loại cây trồng chủ lực là vú sữa và sầu riêng.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại huyện Vĩnh Thạnh.

BẢO ĐẢM TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Nhiều sản phẩm nông sản của Cần Thơ bây giờ tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, kênh thương mại điện tử và xuất khẩu. Nhờ chuẩn hóa sản xuất theo hướng chất lượng cao và an toàn nhiều loại lúa gạo, trái cây và thủy sản của nông dân và các HTX tại thành phố bước đầu thâm nhập thành công vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước EU. Ðồng thời, nông dân và các HTX có điều kiện liên kết, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp và siêu thị để hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Ðể nâng cao chất lượng sản phẩm tăng thu nhập, nông dân cần tiếp tục cùng các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp, thực hiện sản xuất đảm bảo theo các quy chuẩn nhằm có đầu ra tốt. Sản phẩm không những tiêu thụ mạnh ở trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế”. Ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất bao tiêu nông sản cho nông dân, phối hợp các doanh nghiệp, sở, ngành có liên quan để có các hoạt động hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến thành phố liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Doanh nghiệp tham gia hướng dẫn nông dân thực hiện các thủ tục, quy trình sản xuất đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, xây dựng mã số vùng trồng, nhãn hiệu sản phẩm.

Cần Thơ đã có gần 1.500ha diện tích sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, Global GAP… Thành phố xây dựng được 99 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, với 260 sản phẩm được xác nhận trong chuỗi. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, mô hình cánh đồng lớn lúa thực hiện từ vụ hè thu 2011, với diện tích ban đầu chỉ 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh, nhưng đến nay đã được nhân rộng hầu khắp các quận, huyện trồng lúa, với tổng diện tích hơn 33.570 ha/vụ, trong đó có 10.000ha lúa sạch, hơn 560ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP và SRP. Thành phố đã có hơn 500ha sản xuất rau màu và cây ăn trái theo VietGAP, 46 mã vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu. Diện tích nuôi thủy sản đạt theo VietGAP và các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn như BMP, BAP, ASC hiện đạt 296ha. Thành phố hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, đảm bảo an toàn sinh học và đã hình thành được 274 trang trại chăn nuôi, trong đó có 4 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi và 4 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP.

Ðể minh bạch hóa các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng các sản phẩm nông sản, TP Cần Thơ ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã xây dựng đưa vào vận hành hệ thống thông tin các công cụ hỗ trợ phục vụ đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa dựa trên mã QR và cổng thông tin điện tử: check.cantho.gov.vn. Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp rất cần thiết nhằm minh bạch hóa chất lượng sản phẩm hàng hóa và thực hiện tốt công tác quản lý, tạo an tâm, thuận lợi cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Qua đó, thúc đẩy nông dân nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo quy trình sản xuất và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh được mùa mất giá.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Lên đầu trang