Trao đổi về sửa đổi luật HTX: Loay hoay tìm lối ra và động lực cho HTX (Bài cuối)

Trao đổi về sửa đổi luật HTX: Loay hoay tìm lối ra và động lực cho HTX (Bài cuối)

So với luật HTX 2012, dự thảo luật sửa đổi đã có một số điều chỉnh nhất định, một số quy định bớt cứng nhắc để HTX dễ dàng hơn khi gia nhập thị trường. Tuy nhiên, liệu dự thảo mới nhất nếu được thông qua, có đi vào cuộc sống không thì vẫn còn có thể là dấu hỏi lớn.

Nếu đối chiếu với mục tiêu chung và kỳ vọng là dự thảo HTX phải sửa đổi toàn diện, phải tạo hành lang pháp lý đủ tốt để HTX có thể hoạt động hiệu quả, để kinh tế HTX phát triển mạnh mẽ, thì có thể thấy vẫn còn khoảng cách lớn,…

Những bất cập của Luật HTX hiện hành đã thấy rõ từ thực tế hoạt động của HTX và cũng được phản ánh từ lâu. Cũng chính vì thế, cơ quan soạn thảo đã có sự chuẩn bị và khởi động dự án luật HTX sửa đổi từ hơn hai hay ba năm trước. Sau đó, đến gần giữa năm 2022 mới tổng kết 10 năm thực hiện luật HTX 2012. Và tiếp theo, Nghị quyết Trung ương 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, mà HTX là nòng cốt được ban hành. Thông tin như vậy để thấy và có thể hiểu được nhiều nội dung, đề xuất của dự thảo luật HTX sửa đổi đã được nghiên cứu, chuẩn bị, soạn thảo và cả lấy ý kiến từ trước. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 20, các dự thảo 5 và 6 mới được hoàn thiện tiếp và trình xin ý kiến của các Ủy ban Quốc hội và trình Quốc hội lấy ý kiến theo đúng quy trình. 

Đổi mới là yêu cầu

Đặc biệt quan trọng cho định hướng phát triển tiếp theo của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX là Nghị quyết Trung ương 20-NQ/TƯ, khóa 13 mới ban hành ngày 16/6/2022. Có thể thấy ngay, điểm quan trọng nhất ở đây là yêu cầu rõ ràng về ĐỔI MỚI. Mà đó là yêu cầu ĐỔI MỚI toàn diện, từ nhận thức đúng, đủ về kinh tế tập thể và HTX; đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả Nhà nước cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng cùng vai trò của các tổ chức đoàn thể,…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt trong chuyến làm việc tại Thái Nguyên ngày 10/1/2023.

Với tinh thần trao đổi, góp ý xây dựng, cho thấy dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi có lẽ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ĐỔI MỚI cũng như giải quyết được các khó khăn, bất cập lớn từ thực tế của HTX. So với luật HTX 2012, một số quy định của dự thảo đã bớt một phần hạn chế, cứng nhắc hơn cho HTX, để HTX tự quyết định. Đó là điều đáng hoan nghênh và ghi nhận. Tuy nhiên, dự thảo có lẽ mới chỉ dừng lại ở mức bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện hơn so với luật hiện hành. Nhiều quy định, nội dung quan trọng mới chỉ là có “nới” ra, chứ chưa phải là “cởi trói” thật sự cho HTX. Trong khi đó, để kinh tế HTX thực sự có thể đột phá, năng động và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới như mục tiêu đặt ra, cần gấp sự ĐỔI MỚI, cần thay đổi mạnh mẽ hơn nhiều. Và trước tiên, cần phải đổi mới, đột phá từ khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách. Điều này rất quan trọng cho hiệu lực của quản lý nhà nước và cho cả mục tiêu nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững của khu vực kinh tế HTX. Không thể nói tới yêu cầu đổi mới, đột phá, năng động, sáng tạo mà không có sự an toàn, bảo đảm về mặt pháp luật. 

Vì thế, có thể thấy luật HTX rất cần phải thông thoáng, cởi mở hơn nữa. Quản lý nhà nước hiểu đúng và đầy đủ là không chỉ bó hẹp trong việc “quản” HTX, ngăn chặn vi phạm này, cấm cái kia, mà còn là khơi dậy, kích thích các tiềm năng, hay khuyến khích xã hội tham gia HTX. Ngày nay, mô hình HTX kiểu cũ theo kiểu cả làng, cả xã, kiểu “đánh trống ghi tên” không còn phù hợp nữa. Nhà nước hay chính quyền không tham gia góp vốn vào HTX kiểu mới. HTX kiểu mới ngày nay là HTX có chủ nhân được xác định rõ ràng. Chủ sở hữu của HTX là tập thể các thành viên góp vốn. Và tập thể đồng chủ sở hữu HTX này là một nhóm người, ví dụ 7 người, 15 người hay 100 hoặc cả trên 1000 người. Nhưng đó là một tập thể con người được xác định cụ thể, không phải là một tập thể không xác định như kiểu toàn thể cộng đồng, toàn thể xã hội một cách chung chung. Và mọi quyết định quan trọng nhất của HTX là quyết định của cả tập thể các thành viên góp vốn, mỗi người một quyền biểu quyết duy nhất và như nhau, không phân biệt người góp nhiều hay ít.

Cần có tư duy thị trường mạnh mẽ hơn

Từ kinh nghiệm thành công của thế giới, từ thực tiễn nền kinh tế nhiều thành phần đang phát triển rất linh hoạt và biến đổi không ngừng, cho thấy mô hình HTX muốn tồn tại đòi hỏi và dựa trên nền tảng tinh thần tự lực cánh sinh rất lớn. Thành viên hợp tác cùng nhau lập ra HTX, tham gia HTX không để nhận ưu đãi, mà để giúp cho kinh tế hộ của họ hiệu quả hơn, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của họ. 

Vì thế, không thể lấy những hỗ trợ, ưu đãi, nhất là các hỗ trợ tài chính trực tiếp, mang tính giống như bao cấp, xin-cho để bù đắp lại những hạn chế, ràng buộc quyền tự chủ, tự quyết của HTX. Chính sự ràng buộc hay hạn chế này sẽ giảm sự năng động, linh hoạt, sáng tạo của HTX. Và các HTX hiện nay cũng như trong tương lại phải hoạt động theo cơ chế thị trường, phải cạnh tranh với các mô hình kinh tế, với các loại hình doanh nghiệp khác. Đây chính là động lực phát triển của kinh tế nói chung.

Liệu có đúng, nếu cứ là HTX sẽ được ưu tiên, sẽ được hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tài chính trực tiếp hay gần như trực tiếp, ví dụ như việc bù giá, bù lãi suất, trả hộ tiền thuê trụ sở hộ, trả hộ lương cán bộ,v.v…?! Nếu thế, rất có thể, nhiều HTX sẽ ra đời chỉ để “xin” tiền Nhà nước, để nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Được “cho” tiền, được hỗ trợ, ai cũng muốn, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp lớn cũng muốn, HTX lại càng muốn. Nhưng thực ra cái HTX cần hơn rất nhiều, đặc biệt về lâu dài, là sự thông thoáng, cởi mở từ chính sách, pháp luật đang điều chỉnh họ. Rất may, rất đúng và rất trúng là Nghị quyết Trung ương 20-NQ/TƯ cũng đã nhấn mạnh, yêu cầu phải ĐỔI MỚI, phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Có thể nhấn mạnh thêm, không chỉ chính sách hỗ trợ mà phải có chính sách KHUYẾN KHÍCH. Và đây chính là yêu cầu đối với dự thảo luật HTX sửa đổi đang được xin ý kiến.

Do vậy, luật HTX sửa đổi cần có sự đổi mới thật sự, mang tư duy thị trường mạnh hơn, trên tinh thần thật thông thoáng, cởi mở cho HTX, phù hợp với những yêu cầu đòi hỏi của kinh tế thị trường, với nhiều thành phần, có sự cạnh tranh gay gắt. Điều này sẽ giúp HTX có thêm động lực, sẽ khơi dậy tiềm năng, kích thích tinh thần tự lực cánh sinh, tự trợ giúp nhau của thành viên HTX và người dân nói chung. Đồng thời, khi đó Luật cũng sẽ có tính khả thi cao hơn trên thực tế và cũng là nâng cao hơn hiệu lực của quản lý Nhà nước. 

Việc sửa đổi luật HTX 2012 hiện hành rõ ràng là cần thiết và cũng nên làm sớm. Tuy nhiên, có thể do thời gian khá gấp gáp, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 20-NQ/TƯ mới ban hành được 6 tháng, nên dự luật chưa thể hiện được hết tinh thần đổi mới như yêu cầu, như kỳ vọng của HTX, của bà con và các thành viên HTX cũng như các tổ chức liên quan. Đổi mới như thế nào, đâu là động lực của HTX, đâu là đột phá để khu vực HTX phát triển,…thực ra là những câu hỏi rất then chốt nhưng cũng khó có ngay câu trả lời. Đã gọi là đổi mới, không dễ có ngay sự đồng thuận, cần nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn, cả về lý luận lẫn thực tế kinh tế thị trường. Vì vậy, rất cần lấy ý kiến, trao đổi, tranh luận thẳng thắn, khách quan nhiều hơn và rộng rãi hơn nữa. Ngoài ra, việc làm luật hay sửa đổi luật là công việc tốn kém nguồn lực, trí tuệ, thời gian của cơ quan soạn thảo và đặc biệt của các cơ quan Quốc hội cũng như của từng đại biểu quốc hội. Nếu một dự luật được thông qua mà không đáp ứng được kỳ vọng của Nhà nước, của xã hội và của các đối tượng điều chỉnh, thì cũng có thể coi là dự án luật thất bại. Xuất phát từ những phân tích và thông tin trên, theo tác giả, có nên chăng phải dành thêm thời gian khoảng ít nhất 1 hay 2 năm nữa để có được một dự thảo Luật HTX sửa đổi tốt hơn, chất lượng hơn và có tác dụng tốt hơn trong việc quản lý, tháo gỡ khó khăn và khơi dậy tiềm năng phát triển bền vững của khu vực kinh tế HTX.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Lên đầu trang