HTX nối dài hành trình xuất khẩu nông sản
Chỉ vài ngày bước sang năm 2023, các HTX đã liên tiếp đón nhận các tin vui khi nông sản do thành viên sản xuất ra được xuất khẩu sang nhiều thị trường thông qua mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Điều này không chỉ khẳng định vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường mà còn là động lực để phát triển các chuỗi giá trị bền vững.
Ngày 5/1, sản phẩm cam của các HTX, tổ hợp tác ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã được doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu lần đầu tiên sang Vương quốc Anh với khối lượng 7 tấn. Sự kiện này đã nối dài thêm hành trình xuất khẩu nông sản của các HTX ở Hòa Bình cũng như các HTX ở cả nước.
HTX “được mùa” XK
Trước đó, ngày 3/1 tại Long An, hơn 10 tấn nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã được XK sang thị trường Nhật Bản sau 6 năm đàm phán, mở ra cơ hội tăng trưởng cho trái cây Việt năm 2023.
Nếu quan sát sẽ thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều loại nông sản của các HTX đã được cấp phép vào thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Anh… với các sản phẩm như: mía tím của HTX mía Tùng Dương, nhãn của HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, bưởi đỏ, bưởi Diễn của HTX Nông nghiệp Đại Đồng…
Đáng nói, việc sản phẩm cam của các HTX, tổ hợp tác ở Cao Phong xuất khẩu đúng dịp đầu năm mới báo hiệu một năm xuất khẩu nhộn nhịp của khu vực kinh tế tập thể cũng như của ngành nông nghiệp trên cả nước. Bởi các HTX ngày càng chú trọng chuẩn hóa chất lượng các loại nông sản đặc trưng để đáp ứng nhu cầu khắt khe của các thị trường tiềm năng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 306 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu nông sản Việt Nam của các thị trường vẫn tăng, bất chấp dịch Covid-19 và lạm phát đang diễn ra.
Đặc biệt, một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đó là Trung Quốc đang có những tín hiệu lạc quan khi thông báo sẽ hạ cấp độ ứng phó Covid-19, ngừng cách ly bắt buộc với hành khách nhập cảnh nước này từ ngày 8/1/2023. Động thái trên được coi là lực đẩy giúp nông sản của các HTX trong thời gian tới sẽ tiếp tục khả quan. Bởi nhu cầu tăng nhập hàng trong dịp Tết Nguyên đán và lượng xe làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng dần. Bên cạnh đó, triển vọng xuất khẩu nông sản sang thị trường này đang có nhiều tín hiệu tích cực, do việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.
Không chỉ Trung Quốc, ngay các thị trường khó tính khác cũng đang có nhu cầu cao trong nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hằng năm, người Mỹ cần khoảng 12 triệu tấn trái cây, trong khi cung cấp nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 70%. Đây được xem là thị trường tiềm năng hướng tới của ngành trái cây Việt Nam.
Ông Niel Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, cho biết hiện mỗi người Hà Lan cần 10kg cà phê/năm (đã qua chế biến) và khoảng 80% người dân nước này có nhu cầu sử dụng cà phê liên tục, 73% người dân có nhu cầu sử dụng trà và các sản phẩm chế biến từ trà… Nếu tận dụng được thị trường này sẽ giúp người dân, HTX nâng cao được giá trị và lợi nhuận.
“Vừa qua, nhiều loại nông sản của các HTX đã giữ vững được thị trường xuất khẩu truyền thống và mở thêm những thị trường mới. Điều này đã khẳng định xuất khẩu là một trong những kênh tiêu thụ quan trọng đối với những sản phẩm chủ lực của địa phương và các HTX trong thời gian tới”, ông Niel Nguyễn chia sẻ.
Động lực liên kết sản xuất quy mô lớn
Việc các thị trường chấp thuận nhập khẩu nhiều loại nông sản là tin vui đối với các HTX, đồng thời khẳng định giá trị các loại nông sản thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, điểm yếu của thị trường nông sản hiện nay là còn bị chi phối nhiều từ thị trường Trung Quốc. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả cho thị trường Trung Quốc chiếm trên 50% xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác, như EU mới chỉ đạt 2,6 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam ra thế giới (trên dưới 16 tỷ USD).
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, các thị trường châu Âu, châu Mỹ luôn có thị hiếu tiêu dùng cao nên sản phẩm hàng hóa tiêu dùng phải đề cao các giá trị bền vững (bảo đảm sức khỏe con người, môi trường, giảm khí carbon…) và tính tiện dụng.
Chẳng hạn với sản phẩm chè, ngoài nguyên liệu mới thì bao bì cũng cần thay đổi. Bao túi lọc truyền thống giờ thường thay đổi bằng túi không dệt, có thể phân hủy và được chứng nhận rõ ràng. Ngoài ra, túi chè hình kim tự tháp trở nên phổ biến hơn dạng túi vuông hay chữ nhật.
Còn ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng phía Trung Quốc luôn khuyến cáo mỗi mã số vùng trồng diện tích ít nhất trên 10ha. Để làm đáp ứng được những yêu cầu này, nông dân phải ưu tiên liên kết, hợp tác với nhau để thành tổ hợp tác, HTX và rộng hơn là Liên hiệp HTX để cùng áp dụng chung một quy trình kỹ thuật giống nhau, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng. Bên cạnh đó, HTX và doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết để tạo thành chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và số lượng nông sản xuất khẩu.
Theo ông Trung, các Nghị định thư và sự mở cửa của các thị trường đang tạo nền tảng và động lực lớn thúc đẩy người nông dân liên kết, hợp tác, sản xuất quy mô lớn, từ đó hình thành thêm nhiều chuỗi giá trị bền vững.
Ông Bùi Thanh Long, Phó Giám đốc HTX Tùng Dương (Hòa Bình) cho biết, muốn xuất khẩu mía tím sang thị trường Đức, sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi đồng đều cả về hình thức lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phải lớn, dồi dào để đáp ứng các đơn hàng đặt mua trong cả năm.
Muốn vậy, người dân phải tăng cường liên kết, tham gia HTX và chính quyền hỗ trợ mạnh hơn nữa trong việc tạo giống mía có chất lượng. Có như vậy, các HTX mới yên tâm xuất khẩu lâu dài.