Hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo bền vững, đạt chuẩn quốc tế

Hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo bền vững, đạt chuẩn quốc tế

Dự án chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường (MSVC) đã góp phần cải thiện sinh kế cho nhiều hộ dân trồng lúa bằng cách cung cấp các giải pháp toàn diện từ cải tiến kỹ thuật canh tác đến tiếp cận thị trường. Ðặc biệt, Dự án đã hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa gạo bền vững đạt theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP). Qua đó, nâng cao uy tín, thương hiệu và giá trị của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế…

Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Nâng cao thu nhập cho nông dân

Dự án MSVC do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Ðức (GIZ) và Công ty TNHH Olam Global Agri Việt Nam (Olam Agri) và các địa phương An Giang, Bạc Liêu, Ðồng Tháp, TP Cần Thơ thực hiện từ năm 2018 đến 2022. Dự án đã hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo theo bộ tiêu chuẩn SRP – bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững, bao gồm 41 tiêu chí và 12 chỉ số đánh giá hiệu quả liên quan đến lợi nhuận, năng suất lao động, chất lượng nước, đa dạng sinh học, khí phát thải nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động… Ðồng thời, hỗ trợ phát triển các tổ chức nông dân hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra và các chủ thể trong chuỗi giá trị lúa gạo để nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo Ban quản lý Dự án MSVC, 10.000 nông hộ nhỏ tham gia Dự án đã cải thiện thực hành canh tác, nâng cao chất lượng lúa gạo và tăng khoảng 17% thu nhập thông qua các hỗ trợ của Dự án. Các nông hộ tham gia mô hình trình diễn của Dự án đã giảm tới 40% lượng nước sử dụng và 15% lượng sử dụng phân bón N-P-K khi chuyển từ tưới ngập liên tục theo phương pháp truyền thống sang kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ và tưới nhỏ giọt. Thông qua Dự án, 150.000 tấn lúa đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế SRP và được doanh nghiệp liên kết thu mua phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính như Hong Kong, Singapore, EU và Mỹ. Dự án đã hỗ trợ nông dân liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp các thiết bị máy móc, dịch vụ cơ giới và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất với chất lượng đảm bảo và chi phí hợp lý nhằm giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo bà Trần Phương Hi, Giám đốc thu mua Olam Agri, thông qua việc liên kết, phối hợp giữa Olam Agri với nông dân tại các HTX tham gia dự án tại vùng ÐBSCL và các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, Olam Agri đã bắt đầu thu mua lúa trong vùng của Dự án từ tháng 9-2020 tại các HTX được chứng nhận sản xuất lúa đạt theo bộ tiêu chuẩn SRP. Kết quả, đến nay đã thu mua được 150.000 tấn lúa, trong đó có 3.000 tấn lúa phục vụ chế biến gạo xuất khẩu sang EU. Dự án cũng tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối cung cầu giữa các đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy xay xát lúa gạo với hơn 86 HTX tại 4 tỉnh, thành tham gia Dự án.

Cần nhân rộng

Tại TP Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với GIZ và Olam Agri tổ chức hội thảo tổng kết Dự án MSVC. Bên cạnh đánh giá lại các kết quả của Dự án, hội thảo đã dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay để có thể nhân rộng, phát triển trong thời gian tới tại vùng ÐBSCL và cả nước, đặc biệt là nhân rộng việc sản xuất lúa gạo theo bộ tiêu chuẩn SRP. Nhiều đại biểu cho rằng, đẩy mạnh sản xuất lúa gạo theo SRP để đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao của người dùng và các thị trường quốc tế. Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới không chỉ đòi hỏi các sản phẩm lúa gạo phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn yêu cầu phải thực hiện quy trình sản xuất xanh, sạch, đảm bảo an toàn, bền vững cho sức khỏe con người và môi trường.

Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường ở tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Từ vụ lúa thu đông 2020 đến nay, Olam Agri đã liên kết với HTX để thu mua lúa trên diện tích 800ha, với tổng sản lượng 5.000 tấn. Cảm ơn ngành chức năng và đơn vị, doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho HTX tham gia Dự án và đã sản xuất lúa đạt theo SRP, cũng như có những định hướng, tầm nhìn về việc phát triển sản xuất lúa gạo đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới. HTX rất mong Bộ NN&PTNT cùng các cấp và các ngành chức năng tiếp tục có thêm các chương trình, Dự án và kế hoạch, lộ trình để triển khai cho tất cả các HTX để nâng cao diện tích sản xuất lúa theo SRP tại ÐBSCL”. Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, sản xuất lúa theo SRP mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, môi trường, sức khỏe cho con người và cũng tạo điều kiện để phát triển xuất khẩu lúa gạo sang các thị trường khó tính nên rất cần được nhân rộng, phát triển tại ÐBSCL và cả nước nói chung. HTX được tham gia Dự án MSVC và cũng đã sản xuất lúa đạt theo SRP. Nhìn chung, sản xuất theo SRP có nhiều tiêu chí và chỉ số đánh giá khá khắt khe, nhưng nếu được sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chức năng và sự quyết tâm của nông dân thì việc thực hiện không quá khó!

Theo ông German Mueller, Quản lý Dự án MSVC, GIZ, trong Dự án hợp tác công – tư này, Olam Agri và GIZ đã hợp tác với các cơ quan nhà nước cấp Trung ương, địa phương, HTX, nhà cung cấp, các chuyên gia và nông dân để triển khai các hoạt động của Dự án. Sự phối hợp này giúp Dự án đảm bảo được sự thống nhất trong các hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi giá trị. Hy vọng rằng, tới đây các tác nhân trong chuỗi lúa gạo tại ÐBSCL sẽ tiếp tục thúc đẩy và nhân rộng việc canh tác lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP, hướng tới mục đích cung cấp gạo chất lượng cao cho người tiêu dùng và tăng thêm giá trị cho việc sản xuất lúa gạo.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Scroll to Top