Phát triển hợp tác xã theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực

Phát triển hợp tác xã theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết 13-NQ/TW), cùng với cả nước khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) ở vùng ÐBSCL đã có bước phát triển cả lượng và chất. Hiện ÐBSCL có nhiều HTX nông nghiệp điển hình, vừa đảm nhiệm tốt vai trò trợ lực phát triển kinh tế hộ thành viên, vừa xây dựng được chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, tỉnh Đồng Tháp ứng dụng mô hình trạm giám sát sâu rầy thông minh trên đồng ruộng.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, khu vực kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp ngày càng khẳng định được vai trò trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, phục vụ chế biến và xuất khẩu; đồng thời, khẳng định được tầm quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Vùng ÐBSCL đã hình thành nhiều mô hình HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên và nhà nông vào HTX. Tính đến cuối năm 2021, toàn vùng ÐBSCL đã có 3.236 HTX, tăng 1.911 HTX so với năm 2001. Trong đó có 1.754 HTX hoạt động hiệu quả, doanh thu bình quân tăng từ 872,92 triệu đồng/HTX vào năm 2001 lên 5,43 tỉ đồng/HTX vào năm 2021, (tăng 6,2 lần so với năm 2001); thu nhập bình quân của thành viên và lao động tại các HTX tăng từ 12,07 triệu đồng/người năm 2001 lên 50 triệu đồng/người năm 2021; mỗi HTX cung cấp từ 7-16 dịch vụ hậu cần trong nông nghiệp. Nhiều HTX nông nghiệp trong vùng ÐBSCL còn năng động, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đảm nhiệm tốt vai trò dẫn dắt, hỗ trợ thành viên sản xuất theo chuỗi giá trị, đạt doanh thu từ vài chục tỉ đồng đến trên 100 tỉ đồng/năm, giúp nâng cao thu nhập cho thành viên và nông dân vào HTX góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Một trong những HTX nông nghiệp tiêu biểu của vùng ÐBSCL phải kể đến HTX nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi (HTX Thắng Lợi), huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, với năng lực cung ứng từ 6.000-8.000 tấn cá tra/năm, đạt doanh thu từ 150-200 tỉ đồng/vụ nuôi, đem lại thu nhập cho mỗi thành viên trung bình trên 500 triệu đồng/vụ, khẳng định vai trò “bà đỡ” cho thành viên và nông dân vào HTX ở mọi thời điểm, ngay cả những lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ðặc biệt, sau 10 năm hoạt động, HTX Thắng Lợi không chỉ tăng số lượng thành viên từ 12 hộ lên 44 hộ thành viên, mà còn mở rộng quy mô hoạt động, diện tích ao nuôi lên 30ha; giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động trong và ngoài huyện Vĩnh Thạnh, với thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc HTX Thắng Lợi, chia sẻ: Ðể các thành viên HTX cũng như bà con làm ăn cùng với HTX tránh được các rủi ro với nghề nuôi cá tra khi thị trường có biến động, HTX đã chủ động đàm phán với các đối tác, doanh nghiệp thu mua cá tra, thực hiện ký kết hợp đồng với HTX theo hình thức hợp tác đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu cá thương phẩm cho bà con; còn thành viên HTX chỉ cần nuôi cá đúng với kích cỡ theo hợp đồng với doanh nghiệp. Với cách làm thiết thực này, bà con nuôi cá tra không cần đầu tư nhiều vốn, mà vẫn có lãi ngay cả những lúc tình hình tiêu thụ cá tra trong nước và xuất khẩu giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đó HTX Thắng Lợi không chỉ tạo được niềm tin vững chắc cho thành viên, mà còn tạo việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương.

HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Ðông 2, xã Mỹ Ðông, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp là một trong những HTX tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, thực hiện thành công mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0” với tổng diện tích 66,5ha. Theo đó, mô hình này thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, từ việc sử dụng phân bón thông minh đến việc cấy lúa bằng máy, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái, ứng dụng biện pháp canh tác tưới ngập, khô xen kẽ bằng năng lượng mặt trời; ứng dụng mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh; sử dụng sổ điện tử, truy xuất nguồn gốc… Với nhiều biện pháp canh tác hiện đại được triển khai đồng bộ, HTX không chỉ giúp nông dân tiết giảm được chi phí sản xuất và giảm công lao động, mà còn giúp nâng cao năng suất, với sản lượng lúa thu hoạch đạt trên 5,3 tấn/ha, cao hơn 1 tấn/ha so biện pháp canh tác thông thường. Không chỉ vậy, lúa của HTX còn được nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP giống cây trồng miền Nam,… ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, góp phần gia tăng thu nhập cho 108 thành viên và nông dân vào HTX ngay cả những lúc thị trường biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Theo Bộ NN&PTNT, HTX nông nghiệp đóng vai trò chủ lực trong hỗ trợ, dẫn dắt phát triển kinh tế hộ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, HTX nông nghiệp còn là tổ chức có thể tiếp nhận sự trợ lực của Nhà nước thông qua các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tín dụng, hỗ trợ và mở rộng thị trường, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Do đó, để thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực ở vùng ÐBSCL, các bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm, phát triển đa dạng các mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chú trọng phát triển các HTX thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào và đầu ra, phục vụ nhu cầu của các hộ thành viên. Ưu tiên phát triển các HTX ứng dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất sản phẩm nông nghiệp, công nghệ cao hoặc sản xuất sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hỗ trợ các HTX ứng dụng chuyển đổi số và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các HTX có quy mô lớn, gắn với vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản… Từ đó, sẽ mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới cho lĩnh vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các HTX bứt phá mạnh mẽ, phát triển ngang tầm với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Mỹ Hoa

All in one
Scroll to Top