Hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp: Nhiều chính sách, ít nguồn lực!

Hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp: Nhiều chính sách, ít nguồn lực

Hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ các hợp tác xã nhưng không tập trung, không trọng tâm, trọng điểm.

Nhiều chính sách nhưng không tập trung, nguồn lực ít nhưng bị dàn trải

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh kinh tế, thương mại trên toàn cầu ngày càng gay gắt, tiêu chuẩn của người dân và chính sách của các nước trên thế giới ngày càng khắt khe, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn rất khó có chỗ đứng, cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển, khu vực kinh tế tập thể phải nắm lấy vai trò dẫn dắt các hộ sản xuất cá thể nhỏ, lẻ, các tổ hợp tác tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn đủ sức cạnh tranh trên thương trường, đem lại lợi ích cho thành viên.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, đã có những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình kém hiệu quả sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Khu vực kinh tế tập thể đã có bước phát triển mới về chất và lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài và nhất là ngày càng khẳng định được dư địa, tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.

Việc chuyển đổi, tổ chức lại các hợp tác xã theo quy định của luật cơ bản được hoàn thành; công tác vận động, hướng dẫn thành lập các hợp tác xã mới cũng có kết quả tốt. Đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 13 đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỉ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, khuôn khổ pháp luật, chính sách về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều rào cản, mâu thuẫn, chồng chéo.

Chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam một cách cụ thể về những hạn chế, bất cập đó, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) nhận định hiện nay, các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ cho các hợp tác xã, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp đang thể hiện 3 nhóm hạn chế.

Thứ nhất, ông Lê Đức Thịnh cho rằng hiện nay chúng ta có nhiều chính sách nhưng không tập trung, không trọng tâm, trọng điểm. Nguồn vốn vốn đã ít nhưng lại bị dàn trải. Công tác tổ chức thực hiện những chính sách đó còn chưa tốt, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

“Thứ hai, một số chính sách được coi là ‘xương sống’, giữ vai trò cực kỳ quan trọng để phát triển hợp tác xã còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, đi đầu là chính sách về đất đai phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh của hợp tác xã; khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai để sản xuất hàng hóa lớn còn nhiều bất cập”, ông Lê Đức Thịnh cho hay.

Bên cạnh đó, các chính sách về tín dụng, trên thực tế việc tiếp cận của các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, chính sách về đào tạo đã có nhưng chưa được triển khai một cách hiệu quả.

Thứ ba, thực tế hiện nay cho thấy các thủ tục hành chính để khu vực kinh tế tập thể tiếp cận sự hỗ trợ từ các chính sách còn chưa thông thoáng. Việc xây dựng này mới chỉ phù hợp cho đối tượng doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 hợp tác xã, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực này thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận tăng dần qua các năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm.

Tích tụ được tài sản mới có thể phát triển

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể, số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng 12.569, trung bình mỗi năm tăng gần 800. Riêng giai đoạn 2016 – 2021 tăng cao gấp 3 lần giai đoạn trước đó. Đến hết năm 2021, cả nước có 34.871 tổ hợp tác nông nghiệp và 18.327 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm gần 70% tổng số hợp tác xã cả nước, với khoảng 3,2 triệu thành viên.

Không chỉ tăng nhanh về số lượng, chất lượng và hiệu hoạt động cũng được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp được xếp loại khá, tốt tăng từ 10% (năm 2013) lên 33% (năm 2016) và hiện đạt trên 60%. Doanh thu hiện đạt bình quân 2,44 tỷ, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013. Các hợp tác xã nông nghiệp cung cấp từ 7 – 16 dịch vụ ở nông thôn phục vụ cho cả sản xuất nông nghiệp và phúc lợi xã hội ở nông thôn.

Đến nay cả nước có 2.297 hợp tác xã nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, và 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất. Đặc biệt, có trên 4.339 hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số hợp tác xã nông nghiệp (tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5 – 7%).

Theo ông Lê Đức Thịnh, thời gian tới, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, các chính sách phải xác định, tập trung hơn nữa vào khu vực kinh tế tập thể, cụ thể là kinh tế nông thôn và các hợp tác xã nông nghiệp: “Ở đây không phải là câu chuyện phân biệt đối xử. Nếu muốn xây dựng khu vực nông thôn mang lại phúc lợi lớn nhất cho người dân với sự lan tỏa cao nhất, các chính sách cần khắc phục được tình trạng dàn trải như hiện tại”.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng các chính sách phải hỗ trợ các hợp tác xã tích tụ được tài sản. Những hỗ trợ của Nhà nước phải trở thành tài sản tập thể, qua đó giúp các hợp tác xã tăng trưởng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất cũng như thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.

“Trong hơn 10 nhóm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể hiện có, chúng ta cần tập trung vào 5 nhóm chính sách cụ thể: Đào tạo, nâng cao năng lực, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Hỗ trợ hạ tầng sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp; Cải thiện công tác, đội ngũ quản lý nhà nước, giám sát, kiểm tra, kiểm toán; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ để hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác xã tham gia vào các chuỗi liên kết”, ông Lê Đức Thịnh nêu quan điểm.

Phạm Hiếu - Hoàng Giang/ CTV Báo Nông nghiệp Việt Nam

All in one
Lên đầu trang